|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Giá cà phê lập đỉnh 2 năm nhờ nhu cầu ở châu Á tăng mạnh

14:28 | 20/12/2019
Chia sẻ
Hai nước xuất khẩu cà phê lớn nhất thế giới là Brazil và Việt Nam đều dự báo sản lượng giảm trong niên vụ kết thúc vào tháng 9/2020. Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ cà phê tại khu vực châu Á đang tăng mạnh.
Giá cà phê lập đỉnh 2 năm do nhu cầu ở châu Á tăng mạnh - Ảnh 1.

Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), tiêu thụ cà phê nội địa của Indonesia sẽ tăng 54%, Việt Nam sẽ tăng 14% và Trung Quốc sẽ tăng 16% trong giai đoạn 5 năm kết thúc vào tháng 9/2020.

Trong khi đó, ở Trung Quốc, chuỗi cà phê nổi tiếng Luckin Coffee đã tăng tổng số cửa hàng lên tới 3.680 vào cuối quí III vừa qua, tương đương mức tăng 209,5% so với cùng kì năm ngoái, theo tờ Nikkei Asia Review.

Giá cà phê arabica giao sau tại thị trường New York đã tăng gần 30% kể từ mức thấp gần đây vào giữa tháng 11 lên 132 cent/pound, mức cao nhất kể từ cuối tháng 9/2017.

Cũng theo báo cáo của USDA, Brazil dự kiến sẽ sản xuất 58 triệu bao cà phê 60 kg trong niên vụ kết thúc vào tháng 9/2020, giảm 10% so với cùng kì năm ngoái.

Dự báo sản lượng cà phê của Brazil bị giảm do tình trạng hạn hán ở Minas Gerais, vùng trồng cà phê lớn nhất nước này, nơi lượng mua trong năm nay chỉ bằng khoảng 60% so với những năm gần đây.

Dự báo lượng tồn kho cà phê của Brazil cũng được hạ xuống còn 1,38 triệu bao, chưa bằng một nửa so với dự báo đưa ra hồi tháng 6 là 2,87 triệu bao và giảm gần 40% so với niên vụ trước.

Giá cà phê lập đỉnh 2 năm do nhu cầu ở châu Á tăng mạnh - Ảnh 2.

Không chỉ Brazil, sản xuất cà phê cũng có khả năng giảm ở các quốc gia khác. 

"Xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong 7 tháng đầu năm 2019 đã giảm 15% so với cùng kì năm trước", ông Shiro Ozawa, một cố vấn của công ty giao dịch cà phê Wataru ở Tokyo, cho biết. Một số nguồn tin trong ngành cho hay Việt Nam cũng đã nhập khẩu cà phê từ Brazil .

Tại Honduras, nước sản xuất cà phê lớn thứ sáu thế giới, sản lượng dự kiến sẽ giảm 7% trong niên vụ kết thúc vào tháng 9/2020, cũng do hạn hán.

Tiêu thụ cà phê tăng trưởng mạnh mẽ tại châu Á

Bộ Nông nghiệp Mỹ dự báo tiêu thụ cà phê toàn cầu sẽ tăng 14% trong niên vụ 2019 - 2020 so với cách đây 5 năm.

Với thu nhập tăng và xu hướng "Tây hóa" khẩu vị ở các nền kinh tế mới nổi, khó có chuyện tiêu thụ cà phê sẽ chậm lại. Điều này đặt ra mối lo về sự thiếu hụt nguồn cung cà phê trên thế giới.

Giá cà phê lập đỉnh 2 năm do nhu cầu ở châu Á tăng mạnh - Ảnh 3.

Tiêu thụ cà phê toàn cầu. Ảnh: Nikkei Asian Review

Giá cà phê trên thị trường quốc tế vẫn ở mức dưới 100 cent/pound trong năm qua, có lúc giá sụt giảm về ngưỡng 80 cent/pound vào đầu năm nay. Giá cà phê giảm đã khiến nhiều nhà sản xuất ở Mỹ Latinh từ bỏ loại cây này và chuyển sang các loại cây trồng khác.

Tuy nhiên, đợt tăng giá hạt cà phê hiện nay được dự báo tạm thời sẽ chưa ảnh hưởng đến giá bán các sản phẩm cà phê cho người tiêu dùng, vì các công ty bán lẻ cà phê đều đã mua cà phê hạt từ trước để tích trữ.

"Giá cà phê tại các cửa hàng có thể sẽ không tăng ngay, vì chúng tôi đã mua cà phê hạt từ trước", một đại diện của công ty Tully’s Coffee Japan cho biết.

Một đại diện tại một đại lý cà phê hàng đầu Nhật Bản cũng nói rằng giá tương lai cao hơn sẽ không ảnh hưởng đến giá cà phê trong thời điểm hiện tại. "Nhưng nếu giá tương lai tiếp tục tăng, chúng ta có thể phải tăng giá trong tương lai", ông nói thêm.

Ngoài tình hình cung - cầu, giá cà phê còn chịu ảnh hưởng bởi sự biến động của tỉ giá đồng Real của Brazil.

Hiện đồng Real đang giao dịch ở mức khoảng 4 Real đổi 1 USD, so với mức thấp kỉ lục 4,26 Real đổi 1 USD vào cuối tháng 11. 

Do cà phê được giao dịch trên thị trường quốc tế bằng đồng USD, sự mất giá của đồng Real so với USD giúp Brazil xuất khẩu được nhiều cà phê hơn và giúp người trồng cà phê nước này cải thiện thu nhập.

"Đồng real suy yếu sẽ kiềm chế sự tăng giá của cà phê", ông Shiro Ozawa cho hay.

Ngoài ra, niên vụ cà phê bắt đầu vào tháng 10/2020 được dự báo sẽ mang lại sản lượng kỉ lục 66 triệu bao cho Brazil, theo đó sẽ giúp hạn chế tốc độ tăng giá cà phê trên thị trường quốc tế.


Ngọc Ánh