Giá cà phê hôm nay 6/12: Tăng mạnh ngày thứ hai liên tiếp, trở lại mốc 120.000 đồng/kg
Cập nhật giá cà phê trong nước
Theo khảo sát, giá cà phê tại khu vực Tây Nguyên tiếp tục tăng mạnh 5.000 – 5.700 đồng/kg, lên mức 118.500 – 120.200 đồng/kg.
Trong đó, thương lái tại Đắk Nông đang thu mua cà phê ở mức cao nhất là 120.200 đồng/kg, tăng 5.500 đồng/kg.
Ngoài ra, giá cà phê tại hai tỉnh Đắk Lắk và Gia Lai cùng được thu mua ở mức 120.000 đồng/kg, tăng lần lượt 5.500 đồng/kg và 5.700 đồng/kg.
Còn tại Lâm Đồng, giá cà phê tăng 5.000 đồng/kg và được giao dịch ở mức 118.500 đồng/kg.
Như vậy, giá cà phê đã phục hồi và tăng tổng cộng 11.500 – 12.000 đồng/kg trong hai ngày vừa qua. Mặc dù vẫn thấp hơn mức đỉnh hơn 130.500 đạt được hôm 1/12 nhưng tăng gấp đôi cùng kỳ năm ngoái.
Thị trường |
Trung bình |
Thay đổi so với hôm trước |
Đắk Lắk |
120.000 |
+5.500 |
Lâm Đồng |
118.500 |
+5.000 |
Gia Lai |
120.000 |
+5.700 |
Đắk Nông |
120.200 |
+5.500 |
Tỷ giá USD/VND |
25.134 |
-12 |
Đơn vị tính: VNĐ/kg
Tỷ giá theo ngân hàng Vietcombank
Cập nhật giá cà phê thế giới
Trên thị trường thế giới, giá cà phê tiếp tục mạnh trở lại trong phiên giao dịch ngày 6/12 do được thúc đẩy hoạt động mua lại của giới đầu cơ trên thị trường cà phê kỳ hạn kết hợp với những lo ngại về nguồn cung tại Brazil và Việt Nam.
Trên sàn giao dịch London, giá cà phê trực tuyến robusta hợp đồng giao tháng 1/2025 tăng thêm 2,62% (tương ứng 125 USD/tấn) so với phiên giao dịch trước, lên mức 4.895 USD/tấn; hợp đồng giao tháng 3/2025 tăng 2,57% (122 USD/tấn), đạt 4.873 USD/tấn.
Tương tự, trên sàn giao dịch New York, giá cà phê arabica hợp đồng giao tháng 3/2025 tăng mạnh hơn, lên tới 3,23% (9,8 US cent/pound) so với phiên giao dịch trước, lên mức 313,5 US cent/pound; hợp đồng giao kỳ hạn tháng 5/2025 tăng 3,16% (9,55 US cent/pound), đứng ở mốc 311,3 US cent/pound.
Các nhà giao dịch cho biết thị trường vẫn lo ngại về triển vọng vụ mùa từ Brazil và việc hai công ty cà phê lớn của nước này là Atlantica và Cafebras nộp đơn xin tái cấu trúc nợ có giám sát của tòa án vào tuần trước.
Trong khi đó, theo số liệu từ Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong tháng 11 ước đạt 45 nghìn tấn, trị giá 262 triệu USD, giảm mạnh 62,1% về lượng và 26,5% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.
Điều này cho thấy nguồn cung chưa được đưa vào thị trường nhiều như những năm trước.
Luỹ kế 11 tháng năm 2024, Việt Nam đã xuất khẩu gần 1,2 triệu tấn cà phê, giảm 15,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, nhờ giá ở mức cao nên kim ngạch xuất khẩu vẫn tăng mạnh 32,8%, đạt kỷ lục 4,84 tỷ USD.
Giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việt Nam trong 11 tháng đạt 4.037 USD/tấn, tăng 56,9% so với cùng kỳ. Tính riêng trong tháng 11 đạt 5.818 USD/tấn, tăng 1,7% so với tháng trước và tăng đến 94% so với tháng 11/2023.
Còn theo báo cáo mới đây của Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO), trong tháng 11, chỉ số giá cà phê toàn cầu được tổng hợp bởi ICO (I-CIP) đạt trung bình 270,7 US cent/pound, tăng 8% so với tháng trước và tăng 67,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đà tăng giá này được hỗ trợ bởi lo ngại nguồn cung toàn cầu khi cơn bão nhiệt đới Sara đổ bộ vào khu vưc Trung Mỹ từ ngày 14 đến 17/11 đã gây thiệt hai nghiêm trọng cho các quốc gia trong khu vực từ Guatemala đến Panama.
Các khu vực trồng cà phê bị ảnh hưởng bởi cơn bão có thể chứng kiến cây cà phê bị rụng lá và quả, lên men quả bên trong nhà máy, chết rễ, bệnh trên là, giảm hấp thụ dinh dưỡng, rửa trôi khoáng chất, chín không đồng đều và chín muộn do thiếu ánh sáng mặt trời. Những yếu tố này có thể làm giảm năng suất trên mỗi ha tại các quốc gia Trung Mỹ và cũng có thể dẫn đến gián đoạn ngắn hạn trong quá trình hậu cần.
Áp lực lên nguồn cung cà phê càng gia tăng sau khi Bộ Nông nghiệp Mỹ hôm 19/11 công bố báo cáo điều chỉnh dự báo sản lượng cà phê của Brazil trong niên vụ 2024-2025, với mức giảm 5%, tương đương 3,5 triệu bao so với dự báo trước.
Bên cạnh đó, vụ thu hoạch cà phê tại Việt Nam đang bị chậm lại do thời tiết xấu cản trở việc thu hoạch cà phê robusta.
Thêm vào đó, các cảng vận chuyển lớn nhất Nam Mỹ như cảng Santos ở Brazil tiếp tục gặp phải sự chậm trễ do thiếu cơ sở hạ tầng cảng và container. Kết hợp với các xung đột địa chính trị đang diễn ra tại Biển Đỏ và mực nước thấp ở Kênh đào Panama do điều kiện khô hạn, chuỗi cung ứng cà phê toàn cầu bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Mặc dù vậy, ICO cho biết xuất khẩu cà phê toàn cầu đã đạt 11,13 triệu bao trong tháng 10, tăng tới 15,1% so với 9,67 triệu bao của cùng kỳ năm ngoái.