|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Giá cà phê hôm nay 24/3: Giao dịch quanh mốc kỷ lục 95.000 đồng/kg trong tuần qua

06:00 | 24/03/2024
Chia sẻ
Giá cà phê hôm nay (24/3) dao động trong khoảng 94.400 - 95.000 đồng/kg. Trong 6 ngày qua, thị trường cà phê có xu hướng tăng. Vào cuối tuần, các địa phương ghi nhận tăng 1.800 - 2.000 đồng/kg so với đầu tuần.

Cập nhật giá cà phê trong nước

Giá cà phê tuần qua tiếp đà tăng. So với đầu tuần, các tỉnh thành đã ghi nhận mức tăng tổng cộng 1.800 - 2.000 đồng/kg.

Cụ thể, tỉnh Lâm Đồng tăng 2.000 đồng/kg lên 94.400 đồng/kg.

Thương lái tại hai tỉnh Gia Lai và Đắk Lắk thu mua cà phê chung mức 94.800 đồng/kg, tăng 1.800 đồng/kg so với đầu tuần. 

Cùng mức tăng trên, tỉnh Đắk Nông nâng giá cà phê lên ngưỡng 95.000 đồng/kg. 

Hiện tại, giá cà phê tại các tỉnh trọng điểm được ghi nhận trong khoảng 94.400 - 95.000 đồng/kg. 

 

Cập nhật giá cà phê thế giới

Theo Nikkei, giá cà phê kỳ hạn đang ở vùng cao kỷ lục, được thúc đẩy bởi nhu cầu tăng do tầng lớp trung lưu ngày càng đông đảo ở Trung Quốc và các nước châu Á trong khi một số nhà sản xuất lớn như Indonesia và Việt Nam dường như đang đối mặt với vụ mùa thu hoạch kém.

Giá cà phê robusta giao tháng 5 trên sàn London hôm 7/3 lên 3.497 USD/tấn, cao nhất mọi thời đại. Ghi nhận vào lúc 6h hôm nay (giờ Việt Nam), giá đang ở mức 3.315 USD/tấn.

Giá cà phê arabica tương lai trên sàn New York cũng lên vùng giá cao nhất trong 14 tháng qua. Chốt phiên giao dịch hôm thứ Hai đầu tuần, giá ở mức 181,85 cent mỗi pound, tăng 24% so với cuối tháng 9/2023.

Việt Nam, nước sản xuất cà phê robusta lớn nhất, dự kiến ​​sẽ cung cấp 26,6 triệu bao cà phê robusta loại 60 kg trong niên vụ 2023-2024, theo báo cáo từ Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) hồi tháng 12/2023. Con số này giảm 12% so với dự báo của USDA vào tháng 6/2023.

Trong khi đó sản lượng ở Indonesia, nhà sản xuất lớn thứ ba thế giới, được dự báo sẽ giảm 20%.

Yếu tố thời tiết bất lợi, hạn hán ở Đông Nam Á do hiện tượng El Nino khiến sản lượng sụt giảm, ngoài ra một số nông dân đang chuyển sang trồng các loại cây trồng mang tính ổn định hơn, như cao su và sầu riêng.

Trợ lý giám đốc cà phê và đồ uống của nhà nhập khẩu Nhật Bản S. Ishimitsu cho biết: “Có những trường hợp nông dân không thể thực hiện hợp đồng với các công ty xuất khẩu do thiếu nguồn cung”.

Taisuke Horie, giám đốc bộ phận nước giải khát tại Tập đoàn Marubeni, cho biết: “Một số nhà bán lẻ đang thay thế hạt arabica bằng robusta để tránh giá bán lẻ tăng vọt. Nhu cầu ngày càng tăng đang gây áp lực lên nguồn cung dẫn đến giá cao hơn".

“Với sự gia tăng dân số và phát triển kinh tế, tầng lớp trung lưu ở châu Á đã mở rộng và số người thưởng thức cà phê hàng ngày cũng tăng lên”, ông Taisuke Horie cho hay. 

USDA cho biết tiêu thụ hạt cà phê toàn cầu trong niên vụ 2023-2024 sẽ tăng 20% ​​so với niên vụ 2013-2014, với mức tăng trưởng đáng chú ý ở châu Á. Cơ quan này cũng dự báo mức tiêu thụ ở các nước sản xuất lớn như Việt Nam và Indonesia lần lượt tăng 60% và 90%. Trung Quốc, nước tiêu thụ cà phê lớn thứ bảy thế giới, đang chứng kiến ​​mức tăng 130%.

Hiệp hội Những nhà Xuất khẩu Cà phê Brazil (Cecafe) mới đây cho biết xuất khẩu cà phê từ Brazil, nước sản xuất hạt cà phê arabica lớn nhất, sang Trung Quốc trong hai tháng đầu năm tăng 160% so với cùng kỳ. Mức tăng này vượt qua mức xuất khẩu sang các nước tiêu thụ cà phê lớn hơn như Nhật Bản (tăng 87%) và Mỹ (tăng 37%). 

Tính đến tháng 12, Trung Quốc đã vượt qua Mỹ có nhiều chuỗi cửa hàng cà phê nhất trên toàn cầu, Vương quốc Anh công ty nghiên cứu World Coffee Portal báo cáo. Các chuỗi cửa hàng của Trung Quốc cũng đang mở rộng nhanh chóng trên toàn thế giới. Cotti Coffee, được thành lập năm 2022, hiện có hơn 7.000 cửa hàng toàn cầu và mở rộng sang thị trường Nhật Bản vào năm ngoái.

Giá cà phê giao kỳ hạn tăng cũng đang tác động đến giá tiêu dùng ở Nhật Bản. Ajinomoto AGF sẽ tăng giá một số sản phẩm cà phê hòa tan từ 20% đến 25% bắt đầu từ ngày 1/4 tới đây.

Thanh Hạ