Giá cà phê hôm nay (23/11) ghi nhận ngày giảm thứ 4 liên tiếp, giá tiêu giảm 1.000 đồng/kg
Cập nhật giá cà phê
Giá cà phê hôm nay (23/11) tiếp tục giảm 100 đồng/kg ở khu vực Tây Nguyên xuống 34.600 - 35.200 đồng/kg, theo dữ liệu từ giacaphe.com. Trong đó, giá cà phê cao nhất ở các tỉnh Đắk Lắk và thấp nhất tại Lâm Đồng. Đồng thời, Lâm Đồng cũng là tỉnh duy nhất ghi nhận giá cà phê không đổi.
Giá cà phê trong nước
|
Theo Báo Gia Lai, từ cuối tháng 11 trở đi là cao điểm mùa thu hoạch cà phê ở tỉnh Gia Lai. Năm nay, bên cạnh nỗi lo năng suất sụt giảm, giá cả bấp bênh, người trồng cà phê ở Gia Lai còn gặp nhiều khó khăn trong việc tuyển dụng nhân công thu hoạch.
Theo đó, mỗi ha cà phê vào mùa thu hoạch cần ít nhất 5 lao động thu hái trong 1 tuần. Với hơn 93.000 ha cà phê, trong đó khoảng 80.000 ha đang kinh doanh, nhiều năm qua, tình trạng khan hiếm nhân công vào mùa thu hoạch luôn diễn ra ở tỉnh Gia Lai.
Theo phản ảnh của một hộ trồng cà phê ở xã Ia Tiêm, huyện Chư Sê, Gia Lai, công thu hoạch đã tăng từ 850.000 đồng/tấn lên 1 triệu đồng/tấn.
Hộ này cho biết: “Công hái cao mà giá cà phê nhân xô chỉ khoảng 36 triệu đồng/tấn, sản lượng lại sụt giảm khoảng 1/3 so với niên vụ trước nên trừ công chăm sóc, tiền phân bón nữa là lỗ”.
Tình trạng thiếu nhân công hái cà phê không chỉ xảy ra với các hộ nông dân mà còn cả với các doanh nghiệp. Công ty TNHH 30/4 Gia Lai có 76 ha cà phê tại xã Ia Băng (huyện Chư Prông) cũng đang cần khoảng 100 lao động thu hái cà phê.
“Công ty đã hợp đồng với một số đơn vị quân đội thuê được 30 nhân công hái cà phê. Để kịp thời vụ, hiện công ty vẫn thiếu khoảng 70 lao động nữa. Nhưng thời điểm này vào vụ thu hoạch chính, mọi nhà đều cần lao động nên chắc rất khó tìm”, ông Huỳnh Thanh, Chánh Văn phòng Công ty TNHH 30/4, cho biết.
Tại thị trường thế giới, giá cà phê robusta giao trong tháng 1/2019 giảm hơn 0,3% xuống còn 1.609 USD/tấn.
Cập nhật giá hồ tiêu
Giá tiêu hôm nay ở khu vực Tây Nguyên và miền Nam trung bình ở mức 56.000 đồng/kg, giảm 1.000 đồng/kg so với hôm 22/11.
Thống kê đến giữa tháng 11/2018, tại Đắk Nông đã có hơn 1.000 ha hồ tiêu bị chết, hơn 2.600ha hồ tiêu bị nhiễm các loại bệnh do virus. Diện tích hồ tiêu bị chết chiếm 7,7% diện tích hồ tiêu toàn tỉnh. Bên cạnh đó, khâu thu hái, bảo quản, chế biến và thị trường tiêu thụ còn yếu nên giá trị sản phẩm đạt thấp. Ngoài ra, thu hoạch hồ tiêu chủ yếu sơ chế thô; hệ thống thu mua thông qua các đại lý, thương lái. Việc bảo quản, chế biến sau thu hoạch đối với sản phẩm hồ tiêu chưa được chú trọng nên chưa đáp ứng yêu cầu của thị trường thế giới.
Từ thực trạng này, Đắk Nông đề xuất với Trung tâm nghiên cứu nông nghiệp quốc tế Australia hỗ trợ tỉnh giải quyết các tồn tại, vướng mắc về phát triển hồ tiêu, cà phê.
Cập nhật giá cao su
Trên sàn TOCOM (Nhật Bản), giá cao su giao tháng 3/2019 lúc 16h03 ngày 22/11 (giờ địa phương) tăng 0,7% lên 152,6 yen/kg.
Theo Hiệp hội các nước sản xuất cao su tự nhiên (ANRPC), 9 tháng đầu năm, tiêu thụ cao su tự nhiên thế giới tăng 6,6% so với cùng kỳ năm ngoái, lên 10,6 triệu tấn. Sản lượng cao su tự nhiên thế giới tăng 1,5% lên 9,779 triệu tấn. Như vậy, trong 9 tháng, thâm hụt cung - cầu cao su tự nhiên toàn cầu là 874.000 tấn.
Tồn kho cao su tại kho ngoại quan Thanh Đảo, Trung Quốc tính đến ngày 15/10 ở mức 112.000 tấn, giảm 50.600 tấn (giảm 31,1%) so với 15 ngày trước đó.
Thị trường cũng đang kỳ vọng vào việc Mỹ – Trung Quốc nối lại các cuộc thảo luận để tháo gỡ những vấn đề liên quan đến căng thẳng thương mại trong tháng 11, bên lề hội nghị thượng đỉnh G-20 ở Buenos Aires.
Cục Xuất nhập khẩu dự báo trong ngắn hạn, giá cao su trên thị trường sẽ tiếp tục ở mức thấp do căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc chưa được giải quyết, và các số liệu cho thấy kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại.
Trong dài hạn, khi các yếu tố tâm lý trở nên rõ ràng hơn, giá cao su có khả năng sẽ tăng trở lại nhờ sự hỗ trợ của các yếu tố cơ bản trên thị trường. Nhưng khả năng giá tăng mạnh là khó xảy ra do sản lượng cao su thế giới vẫn tiếp tục tăng do việc mở rộng diện tích quá lớn trước đây.