Giá cà phê hôm nay 22/1: Dao động quanh mốc 41.000 đồng/kg trong tuần qua
Cập nhật giá cà phê trong nước
Xem thêm: Giá cà phê hôm nay 23/1
Giá cà phê trong tuần qua biến động nhẹ giữa các ngày. So với đầu tuần, hầu hết các địa phương khảo sát không ghi nhận thay đổi về giá.
Trong đó, tỉnh Lâm Đồng đang thu mua cà phê với giá 40.600 đồng/kg. Đây cũng là mức giá thấp nhất ở thời điểm hiện tại.
Tỉnh Kon Tum hiện ghi nhận mức giá 41.100 đồng/kg, tiếp đó là hai tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông với mức 41.200 đồng/kg.
Có cùng mức giá 41.200 đồng/kg là tỉnh Gia Lai, tăng nhẹ 100 đồng/kg so với thứ Hai (16/1).
Cập nhật thông tin cà phê thế giới
Theo báo cáo mới đây của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), sản lượng cà phê toàn cầu dự báo tăng 6,6 triệu bao so với niên vụ trước lên 172,8 triệu bao trong niên vụ 2022-2023, chủ yếu là do cây cà phê arabica của Brazil bước vào năm được mùa theo chu kỳ sản xuất hai năm một lần.
USDA dự báo, sản lượng cà phê arabica của Brazil sẽ tăng 3,4 triệu bao lên 39,8 triệu bao. Phần lớn khu vực sản xuất đang trong năm được mùa của chu kỳ sản xuất hai năm một lần, dẫn đến triển vọng năng suất cao hơn cho vụ tới.
Tuy nhiên, con số này vẫn thấp hơn nhiều so với mức đỉnh gần 50 triệu bao trong vụ mùa 2020-2021 và 2018-2019.
Cây cà phê arabica tại nhiều vùng sản xuất của Brazil đang phục hồi sau đợt sương giá nghiêm trọng vào tháng 6 và tháng 7/2021 cũng như nhiệt độ cao và lượng mưa dưới mức trung bình cho đến tháng 9/2021.
Vụ thu hoạch cà phê robusta của Brazil cũng được dự báo đạt kỷ lục 22,8 triệu bao trong vụ 2022-2023, tăng hơn 1,1 triệu bao so với niên vụ trước.
Sự gia tăng là do điều kiện thời tiết thuận lợi và quản lý cây trồng tốt đã hỗ trợ quá trình hình thành và phát triển trái cà phê ở vùng trồng trọt chính của bang Espirito Santo. Ngoài ra, diện tích thu hoạch tăng nhẹ cũng góp phần vào mức tăng dự kiến của robusta.
Như vậy, tổng sản lượng cà phê arabica và robusta của Brazil sẽ tăng khoảng 4,5 triệu bao so với niên vụ trước lên 62,6 triệu bao trong vụ 2022-2023.
Song, xuất khẩu dự kiến sẽ giảm khoảng 2,6 triệu bao xuống còn 33 triệu bao do nhiều nước tăng sử dụng hàng tồn kho.