Giá cà phê có thể tiếp tục tăng do thời tiết xấu ở miền Trung, Tây Nguyên
Theo Cục Chế biến và Phát triển Thị trường Nông sản, giá cà phê trong nước thời gian tới được nhận định tiếp tục xu hướng tăng giá bởi diễn biến phức tạp của thời tiết ở miền Trung và Tây Nguyên là nguyên nhân chính gây thu hẹp nguồn cung, cà phê chín muộn do mưa nhiều đẩy thời gian thu hoạch giãn xa hơn.
Diễn biến dịch COVID-19 tại các nước thế giới tiếp tục phức tạp, lệnh giãn cách xã hội ở các nước thúc đẩy nhu cầu sử dụng cà phê tại nhà là yếu tố trợ giá cho cà phê Việt Nam trong ngắn hạn.
Dự báo của USDA về thị trường thế giới: sản lượng và xuất khẩu cà phê thế giới niên vụ 2020-2021 dự kiến đạt mức cao kỉ lục do Brazil bước vào năm sản xuất chính.
Sản lượng cà phê thế giới năm 2020-2021 tăng 9,1 triệu bao so với năm trước, đạt mức kỉ lục 176,1 triệu bao, trong đó Brazil dự kiến chiếm phần lớn sản lượng khi vụ Arabica bước vào năm sản xuất chính của chu kỳ sản xuất hai năm 1 lần.
Mới đây, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dự báo trong ngắn hạn, giá cà phê robusta tăng do yếu tố thời tiết không thuận lợi tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, đại dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, một số quốc gia châu Âu và Bắc Mỹ phải thực hiện biện pháp giãn cách xã hội mạnh hơn, nhu cầu tiêu thụ cà phê hòa tan tại nhà có khả năng sẽ tăng.
Tháng 10, giá cà phê trong nước tăng mạnh so với cuối tháng 9. Ngày 28/10, giá cà phê trong nước tăng từ 4,2 - 4,5% so với ngày 30/9.
Mức giá thấp nhất là 32.300 đồng/kg tại huyện Di Linh tỉnh Lâm Đồng, mức giá cao nhất là 33.200 đồng/kg tại huyện Cư M'gar tỉnh Đắk Lắk.
Tại cảng khu vực TP HCM, giá cà phê robusta loại R1 tăng 4,2% so với ngày 30/9, lên mức 34.400 đồng/kg.
Ở thị trường thế giới, tháng 10, giá cà phê robusta tăng so với cuối tháng 9 do thời tiết bất lợi tại 2 nước sản xuất cà phê hàng đầu thế giới ảnh hưởng đến nguồn cung.
Tại Brazil đã xuất hiện mối lo ngại sản lượng vụ mùa tới giảm do một số cây trồng đã bị hư hại vì khô hạn kéo dài. Tại Việt Nam, mưa bão khiến thu hoạch vụ mùa cà phê mới của Việt Nam bị chậm lại.
Theo Hiệp hội các nhà xuất khẩu cà phê Brazil, niên vụ cà phê 2019-2020 đã kết thúc từ cuối tháng 9.
Xuất khẩu cà phê của Brazil niên vụ 2019-2020 đạt 40,51 triệu bao, trong đó cà phê robusta chiếm 11,5%; cà phê hòa tan quy ra nhân chiếm 9,8%, còn lại là cà phê Arabica chế biến khô.