Giá bán iPhone trung bình có thể tăng cao kỷ lục nhờ iPhone 14 Pro và iPhone 14 Pro Max
Apple dự kiến sẽ phá vỡ kỷ lục về giá iPhone trung bình của công ty hai lần trong những tháng tới khi khách hàng chọn mua các mẫu "Pro" đắt tiền hơn, qua đó giúp tăng lợi nhuận của gã khổng lồ công nghệ nước Mỹ, theo Financial Times.
Theo đơn vị theo dõi dữ liệu thị trường smartphone Counterpoint Research, nhu cầu đối với dòng sản phẩm iPhone 14 mới được ra mắt vào đầu tháng này đã đủ mạnh để có thể đưa ra dự đoán rằng “giá bán trung bình” toàn cầu (ASP) của iPhone sẽ tăng lên mức kỷ lục 892 USD trong quý III và 944 USD trong quý IV.
Phân tích của Counterpoint Research được đưa ra dựa trên các dự đoán của công ty về nhu cầu của người tiêu dùng, thông tin thị trường và trao đổi với các nhà cung cấp. Trước đó, kỷ lục về giá bán trung bình của iPhone trên toàn cầu đạt mức 873 USD vào quý IV/2021.
Giá bán trung bình của iPhone là thước đo quan trọng về Apple đối với các chuyên gia tài chính Phố Wall, vì doanh số bán điện thoại thông minh vẫn chiếm khoảng 50% doanh thu của gã khổng lồ này.
Quỹ đạo đi lên đối với giá bán iPhone trung bình trên toàn cầu, chỉ từ 690 USD vào cuối năm 2015 lên 873 USD vào cuối năm 2021, càng được quan tâm nhiều hơn khi “táo khuyết” đã chọn không tăng giá các thiết bị di động mới nhất được ra mắt vào đầu tháng này khi trong một sự kiện ra mắt iPhone thường niên của công ty, một quyết định được nhiều nhà phân tích coi là “sự bất ngờ lớn nhất” trong sự kiện.
Yếu tố thúc đẩy giá bán iPhone trung bình toàn cầu tăng lên trong những quý tới là nhu cầu cao đối với hai sản phẩm iPhone 14 Pro và Pro Max, được trang bị chip mạnh hơn, camera 48 megapixel và một trung tâm thông tin mới có tên “Dynamic Island”.
Khi nhóm nghiên cứu Evercore ISI khảo sát khoảng 4.000 người tiêu dùng trong tháng này, họ phát hiện ra rằng 56% những người có khả năng mua iPhone đã lên kế hoạch mua một mẫu Pro, tăng lên so với tỷ lệ 41% vào năm ngoái. Các nhà phân tích dự đoán rằng ASP trong năm tới sẽ rơi vào khoảng 940 USD, cao hơn khoảng 10% so với chu kỳ tăng giá khi ra mắt dòng sản phẩm iPhone 13.
Nhà phân tích Amit Daryanani của Evercore nói với khách hàng: “Chúng tôi đang tăng ước tính doanh thu iPhone trong 4 quý tới nhờ vào việc ASP tăng mạnh hơn ước tính ban đầu”.
Vị thế của Apple trên thị trường smartphone cao cấp và siêu cao cấp được cải thiện
Các số liệu chỉ ra Apple đang ở vị thế tốt hơn nhiều so với tháng 1/2019, thời điểm hãng buộc phải đưa ra cảnh báo về doanh thu đầu tiên sau 16 năm do doanh số bán iPhone ở Trung Quốc sụt giảm.
Kể từ đó, Apple đã daafb chiếm thị phần lớn hơn ở Trung Quốc nhờ sự ra mắt của các mẫu iPhone hỗ trợ 5G vào năm 2020 cũng như sự sụp đổ của Huawei, công ty đã gặp khó khăn trong việc bán điện thoại hỗ trợ công nghệ 5G sau những lệnh trừng phạt từ phía Mỹ. Theo Counterpoint Research, từ cuối năm 2020 đến cuối năm 2021, thị phần của Apple tại Trung Quốc đã tăng từ 15,9% lên 23%.
Nhà phân tích Archie Zhang của Counterpoint cho biết: “Các nhà sản xuất Android khác của Trung Quốc, như Vivo, Oppo và Honor, đều đã tham gia vào phân khúc cao cấp, nhưng vị thế thương hiệu cao cấp không thể xây dựng trong một sớm một chiều”.
Trên toàn cầu, thị trường điện thoại cao cấp có giá trên 400 USD đã vượt trội so với doanh số bán hàng tổng thể trong 9 quý liên tiếp, trong đó gã khổng lồ Apple chiếm 57% thị phần tính riêng trong quý II, theo dữ liệu của Counterpoint Research.
Phân khúc siêu cao cấp trong quý II, được định nghĩa là những chiếc điện thoại có giá bán trên 1.000 USD, đã tăng trưởng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm trước. Apple vẫn tiếp tục là người đứng đầu khi chiếm tới 78% thị phần.
Quỹ đạo đi lên đối với ASP của iPhone phản ánh sự thành công của chiến lược mà Apple bắt đầu xây dựng vào năm 2018 khi ngừng báo cáo số lượng iPhone bán được mỗi quý. Động thái đó đã làm dấy lên "nỗi sợ hãi đỉnh điểm về iPhone", trong khi Apple lập luận rằng họ đang chuyển trọng tâm từ sản lượng sang doanh thu và lợi nhuận.
Hiện tại, các nhà phân tích tin rằng Apple đang trong một quá trình chuyển đổi khác để chuyển từ ASP sang "giá trị người dùng trọn đời", một chiến lược tăng doanh thu từ hơn 1 tỷ người dùng iPhone của mình với một loạt các dịch vụ mở rộng.
Vào cuối năm 2020, công ty đã tung ra Apple One, cung cấp một gói dịch vụ của Apple bao gồm Music và iCloud với một mức giá chiết khấu. Bước hợp lý tiếp theo là để bản thân iPhone trở thành một phần của gói dịch vụ này, cho phép người dùng trả một khoản phí hàng tháng vĩnh viễn để đổi lấy các dịch vụ và điện thoại thông minh mới mỗi năm hoặc hai năm mà không phải chịu bất kỳ chi phí trả trước nào.