|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Gelex định phát hành hơn 70 triệu cổ phiếu để trả cổ tức

15:50 | 28/05/2021
Chia sẻ
Gelex dự định dùng 703 tỷ đồng để trả cổ tức bằng cổ phiếu, tương đương 14% vốn điều lệ hiện nay và 9% vốn điều lệ sau khi phát hành tăng vốn.
Gelex dự kiến trả cổ tức bằng cổ phiếu 14% - Ảnh 1.

Tòa nhà trụ sở Gelex Tower tại số 52 Lê Đại Hành, Hai Bà Trưng, Hà Nội. (Ảnh: Song Ngọc).

Tính đến cuối năm 2020, Tổng Công ty cổ phần Thiết bị Điện Việt Nam (Gelex – Mã: GEX) có lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của công ty mẹ là hơn 715 tỷ đồng. Hội đồng quản trị công ty đề nghị Đại hội cổ đông dùng 703 tỷ đồng để trả cổ tức năm 2020 bằng cổ phiếu tỷ lệ hơn 14,4%, tính theo số vốn hiện tại. Số cổ phiếu dự kiến phát hành là 70,3 triệu đơn vị.

Gelex đang có vốn điều lệ 4.882 tỷ đồng và đang trong quá trình chào bán xấp xỉ 293 triệu cổ phiếu GEX cho cổ đông hiện hữu với giá 12.000 đồng/cp, dự kiến nâng vốn điều lệ lên trên 7.800 tỷ đồng. Nếu tính theo vốn điều lệ mới sau phát hành, tỷ lệ cổ tức của Gelex năm 2020 sẽ là 9%.

Năm 2021, Gelex đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất 28.540 tỷ đồng, lãi trước thuế 1.285 tỷ, tăng lần lượt 58% và 7% so với thực hiện năm ngoái. Tỷ lệ cổ tức tối đa 10%, chưa rõ bằng cổ phiếu hay tiền mặt.

Một khác biệt căn bản trong hoạt động của Gelex trong năm nay là công ty sẽ hợp nhất số liệu của Tổng Công ty Viglacera (Mã: VGC) vào báo cáo tài chính của mình. Đầu năm nay, Gelex đã tích cực mua thêm cổ phiếu VGC và biến Viglacera thành công ty con của mình.

Hội đồng quản trị Gelex còn dự kiến trình Đại hội cổ đông tổ chức ngày 18/6 tới đây phương án đổi tên từ Tổng Công ty cổ phần Thiết bị Điện Việt Nam như hiện nay thành Công ty cổ phần Tập đoàn Gelex (tiếng Anh là Gelex Group Joint Stock Company).

Ban lãnh đạo cho biết sau 5 năm tái cấu trúc, bao gồm sáp nhập các doanh nghiệp mới, thoái vốn tại các mảng kinh doanh không cốt lõi, sắp xếp lại vốn tại các công ty thành viên, … hiện nay Gelex là một tập đoàn tư nhân đa ngành, hoạt động theo mô hình holding trong nhiều mảng như thiết bị điện, bất động sản (thương mại cũng như khu công nghiệp), vật liệu xây dựng, năng lượng, nước sạch.

Vì vậy, ban lãnh đạo nhận thấy tên gọi cũ (Tổng Công ty cổ phần Thiết bị Điện Việt Nam) không còn phù hợp với thực tế hoạt động của công ty và cần phải thay đổi.

Đức Quyền

Margin tiếp tục lập đỉnh mới, thêm hai CTCK có dư nợ vượt 20.000 tỷ đồng
Dư nợ magin ngành chứng khoán lập đỉnh mới trong 2024. Riêng Top 10 công ty chứng khoán lớn nhất ghi nhận đến 9 đơn vị vượt đỉnh cho vay trong quý cuối năm. TCBS, SSI và HSC đang là ba đơn vị đang dẫn đầu về cho vay margin.