Gazprom cắt giảm 1/3 nguồn cung cấp khí đốt cho Italy
Tuyên bố của Eni viết: "Gazprom hôm nay thông báo sẽ cung cấp cho Eni khoảng 21 triệu mét khối (khí đốt)/ngày, trong khi mức trung bình những ngày qua là khoảng 32 triệu mét khối/ngày”.
Eni cho biết lý do Gazprom đưa ra là đường ống Nord Stream 1 đang được bảo trì thường niên trong 10 ngày, bắt đầu từ 11/7 tới 21/7. Gazprom tháng trước giảm nguồn cung khí đốt tới Italy khoảng 15%. Một phần khí đốt Gazprom cung cấp cho Italy chảy qua Đường ống Xuyên Áo (TAG), số khác được vận chuyển qua Nord Stream 1.
Italy mua phần lớn khí đốt tự nhiên từ nước ngoài, trong đó hơn 40% tới từ Nga. Giá khí đốt giảm rõ rệt ở châu Âu nhờ quyết định của Canada, cho phép chuyển giao một tuabin để bảo dưỡng đường ống Nord Stream 1.
Cùng ngày, công ty điều hành cơ sở hạ tầng dầu khí Snam của Italy thông báo mức dự trữ khí đốt của Italy hiện đã lên tới 6,1 tỷ mét khối, tương đương 64% mục tiêu của họ.
Trong khi đó, Bộ trưởng phụ trách Chuyển đổi sinh thái Italy Roberto Cingolani cho biết chính phủ nước này đang thảo luận về một chiến dịch tiết kiệm khí đốt và nước ngọt, sẽ được khởi động trong thời gian ngắn.
Phát biểu với báo giới, ông Cingolani nói: “Chúng tôi đang thảo luận với các bộ ngành về dự án thông tin nhanh về hai lĩnh vực chính: nước và năng lượng, hiện có mối liên hệ chặt chẽ với nhau. Chúng tôi đang nghĩ đến việc xây dựng một loạt thông điệp để đưa ra các gợi ý về hành vi và sự tỉnh táo trong việc sử dụng các nguồn lực".
Chính phủ Italy đang rất nỗ lực để chấm dứt sự phụ thuộc của nước này vào khí đốt của Nga kể từ sau khi xung đột Nga-Ukraine gia tăng, đạt được và chuẩn bị một loạt thỏa thuận để tăng cường nguồn cung từ các nơi khác.
Các nguồn tin cho biết gần đây, tỷ lệ khí đốt của Italy do Nga cung cấp đã giảm từ 40%, xuống còn khoảng 25%, còn thị phần của Algeria đã tăng lên hơn 30%.
Mới đây, Thủ tướng Italy Mario Draghi nhấn mạnh việc chính phủ nước này đã "nhanh chóng tiến tới" đa dạng hóa các nhà cung cấp bằng cách thiết lập các lựa chọn thay thế với các quốc gia như Algeria, Angola, Congo, Libya, Ai Cập, Israel và Mozambique. Eni gần đây đã tham gia dự án Khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) lớn nhất thế giới tại Qatar.