Gặp Chủ tịch nước, dân Cần Giờ mong làm cầu, dựng đê kè
Sáng 26-4, Đoàn Đại biểu Quốc hội TP HCM có Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã tiếp xúc cử tri huyện Cần Giờ trước kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV..
Lấn biển, làm cầu đường để đổi đời
Mở đầu, cử tri Trần Thị Kim Liên, xã Bình Khánh cho rằng cầu nối Cần Giờ- Nhà Bè đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Từ đây, bà Liên đề nghị sớm cho xây dựng cầu để tạo điều kiện đi lại thuận lợi cho người dân; đồng thời sớm nâng cấp tuyến đường Rừng Sác vì đang xuống cấp trầm trọng.
Đồng tình, ông Lê Thành Hưng, cử tri xã An Thới Đông cho biết ông rất vinh dự vì được sinh ra và lớn lên Cần Giờ. Nơi đây là vùng đất anh hùng, nổi danh với Rừng Sác anh hùng nhưng đường xá chưa đáp ứng được nhu cầu. Ông cho rằng chính quyền sớm nâng cấp đường giao thông liên xã cũng như có chủ trương mở rộng phà Anh Thới Đông.
Còn cử tri Lê Xuân Lam, xã Lý Nhơn mong muốn đẩy mạnh đầu tư kinh tế biển để đời sống người dân Cần Giờ được tốt hơn chứ nếu như hiện nay “được mùa mất giá” làm cho cuộc sống của người dân càng vất vả hơn.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang (thứ 2 từ phải sang) tiếp xúc cử tri ở Cần Giờ |
Chủ tịch nước Trần Đại Quang thăm hỏi cử tri Cần Giờ |
Trong khi đó, ông Trần Minh Trấn, cử tri Thị trấn Cần Thạnh cho rằng hạ tầng cơ sở, giao thông tuy đã được đầu tư rất mạnh nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân. Hiện nay vẫn còn một số dự án đầu tư như khu du lịch lấn biển cần phải được triển khai nhanh hơn để đưa Cần Giờ phát triển nhanh hơn.
Cử tri Nguyễn Văn Hùng, xã Nhơn Hòa cũng tha thiết mong sớm xây dựng dự án lấn biển này. Người dân ở đây rất mừng bởi dự án tạo công ăn việc làm, thay đổi bộ mặt của Cần Giờ nhưng thực hiện vài tháng lại ngưng.
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cử tri cũng đề nghị cần có chiến lược phát triển du lịch Cần Giờ chứ không phải là truyền tai nhau.
Cần Giờ đã hết “3 không”
Đại diện Đoàn Đại biểu Quốc hội TP HCM, Chủ tịch nước Trần Đại Quang cảm ơn ý kiến tâm huyết của các cử tri. “Tôi lắng nghe tất cả 12 ý kiến. Các ý kiến đều sâu sắc. Tôi nghe và ghi chép đầy đủ, sẽ tổng hợp và trao đổi với cơ quan chức năng của TP để giải quyết những kiến nghị của bà con” – Chủ tịch nước nói.
Chủ tịch nước bày tỏ vui mừng khi lần thứ 2 trở lại Cần Giờ. Theo Chủ tịch nước, so với lần trước, Cần Giờ đã phát triển hơn. Trước đây, Cần Giờ “3 không”: không đường, không điện, không nước ngọt nhưng nay đã có.
Chủ tịch nước cho rằng mục tiêu phát triển huyện Cần Giờ xanh, sạch, hiện đại, phát triển kinh tế biển, du lịch cùng với an ninh quốc phòng. “Chúng ta phát triển nhanh nhưng phải chú trọng bền vững, quan tâm bảo vệ môi trường, bảo tồn sinh quyển… Không nên chạy theo lợi ích cục bộ trước mắt làm ảnh hưởng đến lợi ích lâu dài, tài nguyên môi trường, sinh thái” – Chủ tịch nước nhấn mạnh.
Chủ tịch nước cũng rất đồng tình việc đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, nâng cấp đường Rừng Sác. Bởi đây là việc làm cần thiết. Bên cạnh đó là phát triển du lịch sinh thái, lịch sử, làng nghề.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang cũng cho biết TP đã và đang xúc tiến đẩy nhanh tiến độ sớm hoàn thành cầu Cần Giờ - Nhà Bè. Bởi đây là phương tiện đổi đời của bà con.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang căn dặn TP phải quan tâm, hỗ trợ nhiều hơn cho Cần Giờ. Ngoài tập trung phát triển kinh tế, phải quan tâm công tác an sinh xã hội vì Cần Giờ là vùng đất cách mạng, nhiều gia đình chính sách.
Chủ tịch nước cũng yêu cầu phải lưu ý về giáo dục đào tạo để có nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho sự phát triển. Đồng thời quan tâm công tác giảm nghèo, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, bảo vệ chăm sóc sức khỏe nhân dân; đẩy mạnh hỗ trợ vốn cho bà con nông dân, cây, con giống, tạo mối liên hệ mật thiết với các nhà khoa học, doanh nghiệp, hỗ trợ bà con ứng dụng công nghệ… để cải thiện đời sống bà con.
Chống tham nhũng là cuộc chiến hết sức cam goChủ tịch nước Trần Đại Quang đánh giá chống tham nhũng đã đạt được một số kết quả nhưng chưa đạt yêu cầu. Đảng cũng đã xác định tham nhũng là một trong những nguy cơ đe dọa tồn vong của chế độ. “Cuộc đấu tranh này hết sức cam go, quyết liệt. Mong rằng tất cả mọi người cùng tham gia. Cán bộ đảng viên, nhất là lãnh đạo phát huy vai trò nêu gương về đạo đức, lối sống. Lãnh đạo chỉ đạo phải thường xuyên, liên tục” – Chủ tịch nước nói. Theo ông, các cơ quan nòng cốt trong đấu tranh phòng chống tham nhũng phải phát huy vai trò. Bên cạnh đó, là tuyên truyền giáo dục công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, đề cao tinh thần trọng danh dự của cán bộ, đảng viên công chức. Dấy lên trong toàn xã hội phê phán nghiêm khắc hành vi tham nhũng. Mặt khác, hoàn thiện cơ chế pháp luật, nhất là lĩnh vực dễ nảy sinh tham nhũng; xây dựng cơ chế ngăn chặn, không dám tham nhũng. |