'Gánh nặng' đè trên vai tân Chủ tịch EU
EU cảnh báo áp thuế quan mới lên 300 tỷ USD giá trị hàng hóa của Mỹ | |
Siêu lạm phát ở Venezuela đã vượt mốc 40.000%? |
Nhiều thách thức lớn đang đón đợi tân Chủ tịch EU là Áo - quốc gia đang được lãnh đạo bởi vị Thủ tướng 31 tuổi trẻ nhất trong lịch sử |
Nước Áo đã tiếp quản chức Chủ tịch Hội đồng Liên minh châu Âu (EU) từ ngày 1-7 thay cho quốc gia tiền nhiệm Bulgaria. Trong nhiệm kỳ 6 tháng ngắn ngủi tới đây, nước Áo trên cương vị Chủ tịch EU phải xử lý rất nhiều vấn đề quan trọng mà những quyết định được đưa ra sẽ tác động lâu dài và mạnh mẽ đến tương lai của một EU hoặc đoàn kết, hoặc chia rẽ hơn, từ các vấn đề “nội bộ” của liên minh như vấn đề người nhập cư, cho tới những vấn đề đối ngoại như đám phán về Brexit (Anh rời khỏi EU), quan hệ với Mỹ, Nga... dưới chính quyền Tổng thống Donald Trump và Nga.
Vấn đề khó khăn với quan điểm khác biệt nhau và cũng là sát sườn nhất với EU vẫn là nhập cư cho dù ngay trước khi Áo nhậm chức Chủ tịch luân phiên, liên minh 28 thành viên này vào ngày 29-6 vừa qua đã đạt được thỏa thuận rất quan trọng về việc thiết lập các trung tâm kiểm soát người tị nạn chung và hạn chế sự di chuyển của người di cư bên trong khối. Tuy vậy, chính phủ của Thủ tướng Sebastian Kurz với quan điểm cứng rắn lâu nay “Một châu Âu đươc bảo vệ”, tiếp tục muốn thúc đẩy vấn đề an ninh và chính sách nhập cư là những ưu tiên trong nhiệm kỳ Chủ tịch EU của Áo.
Áo cũng phải lập tức “xắn quần” để chạy đua với thời gian nhằm để nước Anh có thể chính thức rời EU vào tháng 3-2019 một cách “êm thấm” không gây “đau đớn”, tổn thất cho cả hai phía. Quỹ thời gian ngắn ngủi trước mắt đòi hỏi Áo phải “cầm trịch” cho các cuộc thương lượng dự báo rất khó khăn giữa Anh và EU về giai đoạn chuyển tiếp hai 2 năm cũng vốn định hình lại quan hệ kinh tế song phương sau khi đã chính thức “ly hôn”.
Cùng với những vấn đề nội bộ trên đây, Áo còn phải “đứng mũi chịu sào” trong việc giải quyết những vấn đề từ mối quan hệ đối ngoại với hai cường quốc hàng đầu thế giới là Mỹ và Nga. Tiếng là đồng minh thân thiết của châu Âu, song nước Mỹ kể từ khi Tổng thống Donald Trump lên cầm quyền với quan điểm “Nước Mỹ trên hết” đã gây không biết bao cơn sóng gió giữa hai bờ Đại Tây Dương.
Không chỉ phải đương đầu với sức ép của chính quyền Tổng thống Donald Trump đòi các đồng minh châu Âu phải gia tăng đóng góp tài chính nhằm chia sẻ gánh nặng quốc phòng với Washington, tân Chủ tịch EU còn phải tìm kiếm tiếng nói cũng như sức mạnh chung của 28 thành viên nhằm đối phó với nguy cơ một cuộc chiến thương mại với Mỹ. Cuộc chiến này, nếu không tránh được, sẽ mang lại những thiệt hại khôn lường cho kinh tế các thành viên EU.
Thách thức lớn tiếp theo mà Áo phải xử lý là giải quyết cuộc khủng hoảng quan hệ với Nga. Áo từng không tham gia trừng phạt Nga về vụ đầu độc cựu điệp viên, kêu gọi EU dỡ bỏ các lệnh trừng phạt Nga và tuyên bố sẵn sàng đứng ra làm trung gian hòa giải trong quan hệ EU-Nga, tuy nhiên việc cải thiện quan hệ với đối tác kinh tế lớn thứ tư của EU này còn vấp phải sự phản đối của nhiều thành viên khác trong liên minh.
Đối mặt với những thách thức lớn, đòi hỏi cần có sự “đồng tâm hiệp lực” của cả EU, nhưng điều mà tân Chủ tịch Áo, với sự chèo lái của vị Thủ tướng 31 tuổi trẻ nhất trong lịch sử, sẽ phải gặp khó khăn không kém là nhiều thành viên liên minh phải lo tổng tuyển cử trong nước nên mối quan tâm, cũng như “sức lực” dành cho công việc chung của liên minh bị đẩy xuống hàng thứ yếu.