Gần 64 tỷ đồng làm tuyến phố 'mẫu' ở trung tâm TP HCM
Đây là tuyến đường đang được thành phố nghiên cứu cải tạo nhằm hình thành công trình mang dấu ấn văn hóa giao thông, văn minh đô thị, kiểu mẫu ở khu vực trung tâm.
Theo phương án được Sở Giao thông Vận tải trình UBND TP HCM, đoạn cải tạo dài gần 300 m, từ nút giao với tuyến Lý Tự Trọng đến Nguyễn Siêu. Phần mặt đường hiện hữu sẽ thu hẹp lại còn khoảng 5 m và nới rộng vỉa hè hai bên, mỗi bên rộng bình quân 5 m. Cả vỉa hè và mặt đường được lát đá granite. Trên tuyến bố trí điểm dừng xe đón trả khách; biển báo, bảng thông tin điện tử.
Hệ thống cây xanh, chiếu sáng cũng sẽ được cải tạo, thay thế nhằm đồng bộ cảnh quan. Ngoài ra, các địa điểm kinh doanh dọc đường Thái Văn Lung sẽ được bố trí lại, kết hợp các công trình phụ trợ, tiện ích, cổng chào mang tính biểu tượng, nghệ thuật...
Sau khi phối hợp với nhóm chuyên gia quy hoạch Nhật - Việt rà soát lại, Sở Giao thông Vận tải đề xuất bổ sung nhiều hạng mục, như: hệ thống thu nước mặt đường, làm hào kỹ thuật để ngầm hóa hệ thống điện; bố trí các trụ chiếu sáng công cộng; vòm trang trí, tủ chiếu sáng thông minh...
Ngoài ra, nhiều hạng mục khác được đầu tư thêm như nhà vệ sinh công cộng lưu động; hệ thống ổ cắm điện ngoài trời, trạm sạc công cộng; thay mới toàn bộ nắp hầm ga; cải tạo một phần vỉa hè đường Nguyễn Siêu...
Một số phần việc khác dự kiến do UBND quận 1 huy động vốn xã hội hóa để thực hiện, như thiết kế cổng chào mang tính biểu tượng kết hợp hệ thống đèn LED tại giao lộ Thái Văn Lung - Lê Thánh Tôn; bố trí các chậu hoa, ghế ngồi dọc tuyến...
Sau khi bổ sung thêm các hạng mục, tổng chi phí cải tạo đường Thái Văn Lung khoảng 63,7 tỷ đồng, tăng hơn 31 tỷ so với dự tính lúc trước. Trong đó, ngân sách chi hơn 59 tỷ đồng, hơn 4,2 tỷ đồng huy động từ nguồn xã hội hóa. Dự kiến, công trình hoàn thành, đưa vào khai thác trước ngày 30/4 năm sau.
Đường Thái Văn Lung kết nối từ tuyến Lý Tự Trọng đến Nguyễn Siêu, hiện tập trung nhiều cơ sở lưu trú, kinh doanh ăn uống phục vụ khách du lịch quốc tế. Tuy nhiên, tình trạng lấn chiếm để kinh doanh, buôn bán, đậu xe trên tuyến thường xuyên diễn ra.