|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Gần 4.880 tỉ đồng đầu tư cầu Phước An nối Cái Mép và Nhơn Trạch

16:29 | 06/08/2020
Chia sẻ
Cầu Phước An hình thành sẽ kết nối toàn bộ nhóm cảng biển số 5 với khu vực miền Đông Nam Bộ, miền Tây Nam Bộ, góp phần rất lớn vào sự phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, TP HCM cũng như vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Gần 4.880 tỉ đồng đầu tư cầu Phước An  - Ảnh 1.

Gần 4.880 tỉ đồng đầu tư cầu Phước An nối cảng Cái Mép - Thị Vải với cao tốc Bến Lức - Long Thành. (Ảnh: Báo Bà Rịa - Vũng Tàu)

Tại kì họp ngày 4/8, HĐND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã thông qua Nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư dự án cầu Phước An do Ban Quản lý Dự án giao thông khu vực cảng Cái Mép - Thị Vải làm chủ đầu tư, Báo Bà Rịa - Vũng Tàu đưa tin.

Dự án cầu Phước An thuộc nhóm A với tổng mức đầu tư 4.879 tỉ đồng. Trong đó, chi phí xây dựng hơn 3.750 tỉ đồng, ngân sách tỉnh đầu tư khoảng 2.879 tỉ đồng và ngân sách trung ương 2.000 tỉ đồng.

Cầu Phước An là điểm cuối của đường liên cảng Cái Mép - Thị Vải, bắc qua sông Thị Vải để sang địa phận huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai) và nối vào cao tốc Bến Lức - Long Thành.

Dự án này từng gặp nhiều vướng mắc, trở ngại về nguồn vốn. Trước đây, chủ trương xây cầu Phước An bằng vốn đầu tư ODA Nhật Bản và đối tác công tư.

Tuy nhiên đến năm 2018, UBND tỉnh đã thu hồi chủ trương đầu tư dự án cầu Phước An theo hình thức PPP (hợp đồng BOT) và chuyển sang hình thức đầu tư bằng ngân sách Nhà nước.

Cầu Phước An chưa được đầu tư nên toàn bộ hàng hóa vận chuyển bằng đường bộ từ hệ thống cảng Cái Mép - Thị Vải đi qua các tỉnh lân cận (TP HCM, Đồng Nai, Long An…) phải đi qua quốc lộ 51.

Điều này dẫn đến tình trạng ùn tắc giao thông trên quốc lộ 51 và kéo dài lộ trình vận chuyển 20 km so với đi qua cầu Phước An, làm ảnh hưởng đến năng suất, năng lực cạnh tranh của hệ thống cảng Cái Mép - Thị Vải so với các cảng trong khu vực.

Theo đánh giá của lãnh đạo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, dự án đóng vai trò quan trọng, quyết định đến sự kết nối giữa đường Liên cảng Cái Mép - Thị Vải với hệ thống đường cao tốc trong khu vực.

Cầu Phước An hình thành sẽ kết nối toàn bộ nhóm cảng biển số 5 với khu vực miền Đông Nam Bộ, miền Tây Nam Bộ, góp phần rất lớn vào sự phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, TP HCM cũng như vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Năm 2009, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã ban hành Quyết định số 2669/QĐ-UBND phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng liên cảng Cái Mép - Thị Vải với tổng mức đầu tư 6.381 tỉ đồng và chia thành hai giai đoạn.

Giai đoạn 1 thực hiện tuyến đường liên cảng dài khoảng 19,65 km, từ điểm cầu Km0+00 cảng tổng hợp Container Cái Mép Hạ thuộc thị xã Phú Mỹ đến điểm cầu Km19+650, phường Mỹ Xuân, thị xã Phú Mỹ.

Giai đoạn 2 đầu tư xây dựng cầu Phước An vượt sông Thị Vải dài 3,26 km, nối thị xã Phú Mỹ với huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai.

Giai đoạn 1 của dự án đã hoàn thành và đưa vào khai thác sử dụng, còn giai đoạn 2 chưa được triển khai do nguồn vốn đầu tư khó khăn.

Để huy động từ các nguồn vốn khác nhau, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã đồng ý điều chỉnh tách giai đoạn 2 của dự án nêu trên thành một dự án riêng là Dự án Đầu tư Xây dựng cầu Phước An, thị xã Phú Mỹ.

Theo dự kiến, cầu Phước An sẽ được xây dựng và hoàn thành trong vòng 5 năm kể từ ngày khởi công xây dựng.

Nguyên Ngọc

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.