|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Gã khổng lồ Volkswagen lâm vào khủng hoảng: Hệ lụy từ căn bệnh đang bào mòn nền kinh tế Đức

16:07 | 10/11/2024
Chia sẻ
Giống với nhà sản xuất ô tô Volkswagen, các doanh nghiệp Đức cũng đang vật lộn với chi phí lao động cao, năng suất lao động kém và sự cạnh tranh gay gắt từ Trung Quốc. Khó khăn ảnh hưởng tiêu cực tới lợi nhuận của các doanh nghiệp và tiềm năng tăng trưởng của nền kinh tế.

Nhân viên ra vào trụ sở chính của Volkswagen ở Wolfsburg, Đức. (Ảnh: Reuters).

Nền kinh tế xuống dốc

Dữ liệu công bố ngày 30/10 cho thấy GDP quý III của Đức tăng trưởng 0,2% so với quý liền trước, đồng nghĩa với việc nước này vừa tránh được suy thoái trong gang tấc. Đây là tin vui hiếm hoi trong bối cảnh vận may của nền kinh tế lớn nhất châu Âu đang trong chiều hướng đi xuống.

2023 đánh dấu năm đầu tiên nền kinh tế Đức sụt giảm kể từ đại dịch COVID-19 và triển vọng tương lai cũng không mấy tươi sáng. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự kiến tốc độ tăng trưởng năm 2024 của Đức sẽ là con số 0 tròn trĩnh - thành tích yếu kém nhất trong số các nền kinh tế lớn.

Loạt rắc rối mà nền kinh tế Đức đối mặt cũng đang hội tụ trong hãng xe Volkswagen - nhà sản xuất lớn nhất quốc gia. Hôm 30/10, Volkswagen báo cáo lợi nhuận hoạt động trong 9 tháng đầu năm sụt 21% so với cùng kỳ năm trước, xuống 12,9 tỷ euro (tương đương khoảng 14 tỷ USD). Doanh số bán xe giảm 4%, chủ yếu bởi nhu cầu yếu kém tại Trung Quốc.

Giám đốc tài chính Arno Antlitz phát biểu trong cuộc họp báo với các nhà phân tích: “Số liệu mới cho thấy chúng tôi sẽ buộc phải hành động quyết liệt trong môi trường cạnh tranh gay gắt… Chúng tôi chưa quên cách chế tạo những chiếc xe tuyệt vời, nhưng chi phí hoạt động ở Đức không thể đem lại lợi thế cạnh tranh”.

Ông Antlitz cảnh báo Volkswagen sẽ phải đưa ra “những quyết định khó khăn”, bao gồm kế hoạch đóng cửa một số nhà máy tại Đức. Đây là lần đầu tiên Volkswagen phải tính tới phương án này trong lịch sử 87 năm hoạt động. Ngoài ra, Volkswagen còn đề xuất giảm 10% lương của nhân viên để bảo vệ việc làm cho người lao động và tương lai của công ty.

Triển vọng u ám của Volkswagen phản ánh bức tranh không mấy tươi sáng của khu vực kinh tế tư nhân Đức.Theo cuộc khảo sát của S&P Global và Ngân hàng Thương mại Hamburg, số việc làm tại các doanh nghiệp sản xuất và dịch vụ trong tháng 10 đã giảm mạnh nhất trong gần 4 năm rưỡi. 

Niềm tin của doanh nghiệp và người tiêu dùng đang xuống thấp. Ông Marcel Fratzcher, Giám đốc Viện Nghiên cứu Kinh tế Đức nói với CNN: “Mối nguy lớn nhất hiện nay là tâm lý bi quan bao trùm nước Đức. Trong ngắn hạn, trạng thái bi quan sâu sắc này có thể là lực cản lớn nhất của nền kinh tế”.

 

Volkswagen - tấm gương phản chiếu nền kinh tế Đức

Trong quá khứ, Volkswagen là hiện thân cho sức mạnh sản xuất và xuất khẩu đã biến Đức thành một trong những cường quốc kinh tế. Còn hiện tại, Volkswagen là hình ảnh thu nhỏ cho những rắc rối đang bao trùm nền kinh tế Đức.

Cuộc khủng hoảng của Volkswagen sẽ lan ra toàn bộ ngành ô tô Đức - lĩnh vực tư nhân lớn nhất nền kinh tế và đóng góp 5% GDP cả nước. Một điều quan trọng khác là ngành ô tô Đức cung cấp việc làm cho 800.000 lao động và có tới 37% trong số đó làm việc cho Volkswagen.

Người phát ngôn của hiệp hội ô tô Đức VDA khẳng định vấn đề không nằm ở bản thân ngành công nghiệp ô tô, mà Đức đang trở thành một nơi khó để vận hành doanh nghiệp.

Giống Volkswagen, Đức cũng phải đối mặt với chi phí lao động cao, năng suất lao động kém và sự cạnh tranh gay gắt từ Trung Quốc. Ngày trước Đức có thể dựa vào nhu cầu nóng bỏng của Trung Quốc, nhưng hiện nay Trung Quốc đã tự mình sản xuất nhiều hàng hóa hơn và chẳng cập nhập khẩu từ nước ngoài.

Ông Carsten Brzeski, trưởng bộ phận kinh tế vĩ mô tại ngân hàng ING, bình luận: “Trung Quốc đã trở thành đối thủ với Đức”.

Một nghiên cứu gần đây do Liên đoàn Công nghiệp Đức khởi xướng nhận thấy khoảng 20% sản lượng công nghiệp Đức gặp rủi ro trong trung hạn, chủ yếu do chi phí năng lượng tăng cao và thị phần dành cho hàng hóa Đức sụt giảm.

Nghiên cứu viết: “Những lợi thế mà Đức đã xây dựng trong hàng thập kỷ ở những lĩnh vực như công nghệ động cơ đốt trong không còn quan trọng như trước. Mô hình xuất khẩu của Đức ngày càng bị đe dọa bởi căng thẳng địa chính trị, chủ nghĩa bảo hộ toàn cầu và các điểm yếu nội bộ”.

Các tác giả chỉ ra những bất lợi về chi phí đã tồn tại từ lâu ở Đức, ví dụ như thuế suất cao, chi phí lao động và năng lượng đắt đỏ. Đồng thời, họ cũng đề cập đến ảnh hưởng tiêu cực của xu hướng già hóa dân số tới nguồn cung lao động tay nghề cao.  

Nghiên cứu kết luận rằng nền kinh tế Đức cần thực hiện “nỗ lực chuyển đổi lớn nhất” kể từ thời hậu Chiến tranh Thế giới thứ hai. Để làm được điều đó thì từ nay đến năm 2030, Đức cần đầu tư bổ sung 1.400 tỷ euro cho hàng loạt lĩnh vực, từ cơ sở hạ tầng cho đến giáo dục và công nghệ xanh.

Tuy nhiên, Đức khó có thể thực hiện cuộc cải tổ quy mô lớn như nghiên cứu đề xuất vì hiến pháp khiến chính phủ không thể mạnh tay vay nợ.

Ngoài ra, mối quan hệ liên minh của chính quyền Thủ tướng Olaf Scholz cùng hai đảng khác đang rạn nứt, cản trở quá trình thiết lập chính sách và khiến chính phủ không đưa ra được tầm nhìn rõ ràng cho đất nước.  

Theo nhà kinh tế Brzeski của ING, lạm phát hạ nhiệt có thể giúp thúc đẩy tiêu dùng của Đức trong năm tới. Tuy nhiên, ôngBrzeski nói nhiên triển vọng kinh tế nhiều khả năng sẽ chỉ cải thiện vào năm 2026, sau khi cuộc tổng tuyển cử giúp bầu ra chính phủ mới.

Ông nhấn mạnh: “Dự đoán của tôi là nền kinh tế Đức sẽ tiếp tục trì trệ trong năm tới”.

Giang

Bitcoin tăng dựng đứng, liệu nhà đầu tư có gặp ‘cái kết tồi tệ’ như lời cảnh báo của Warren Buffett?
Giá bitcoin đang tiệm cận mốc 90.000 USD, còn Warren Buffett nói ông sẽ không mua lại toàn bộ bitcoin trên thế giới dù chỉ cần trả 25 USD.