FPT Retail ôm tham vọng gì khi tham gia vào lĩnh vực trung tâm tiêm chủng?
CTCP Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (FPT Retail, mã: FRT) vừa tham gia thị trường tiêm chủng bằng việc mở 5 trung tâm ở Hà Nội và TP HCM. Đây là bước đi tiếp theo sau lĩnh vực bán lẻ dược phẩm vốn được đánh giá là rất thành công của FRT.
Theo BSC, nhu cầu tiêm chủng lớn khiến các trung tâm tiêm chủng trở thành một thị trường ngách tiềm năng trong lĩnh vực y tế tại Việt Nam. Đồng thời, đây cũng được xem là hướng kinh doanh thiết thực.
Giải thích động thái tiến vào thị trường này, phía FPT Retail cho biết tỷ lệ bao phủ vaccine ở Việt Nam khoảng 4% dân số, trong khi tỷ lệ này ở nhiều quốc gia khác là 15% - 30%, do đó tiềm năng mảng này vẫn còn nhiều.
“FPT Long Châu tham gia lĩnh vực tiêm chủng vaccine là sự kết hợp giữa phòng bệnh và chữa bệnh. Trong đó, trung tâm tiêm chủng FPT Long Châu phục vụ cho việc phòng bệnh, nhà thuốc FPT Long Châu phục vụ cho việc chữa bệnh, cả hai cùng chung mục đích nâng cao sức khỏe cho người dân”, đại diện doanh nghiệp chia sẻ.
Công ty cho biết mục tiêu là đóng góp vào việc tăng tỷ lệ bao phủ vaccine ở Việt Nam lên gấp đôi, gấp ba để ngang bằng với các nước láng giềng khác, nên FRT “không chủ đích cạnh tranh trực diện vào miếng bánh 4% của các nhà cung cấp đi trước”.
Đơn vị này muốn chung tay cùng các nhà cung cấp khác tư vấn, nâng cao nhận thức người dân và tăng tỉ lệ tiêm chủng tại Việt Nam lên cao hơn hiện tại.
Về nguồn vaccine, trên cơ sở quan hệ đối tác của mảng dược phẩm, trung tâm tiêm chủng FPT Long Châu hợp tác trực tiếp từ các nhà cung cấp vaccine trong và ngoài nước.
“FPT Long Châu cung cấp đầy đủ các chủng loại vaccine chính hãng, bao gồm vaccine nhập khẩu từ các hãng dược lớn trên thế giới đến nhập hàng vaccine của các nhà sản xuất nội địa”, công ty cho hay.
Không chỉ giới hạn ở các trung tâm tiêm chủng, FRT cũng đẩy mạnh mảng thuốc tiêm tại chuỗi nhà thuốc. Gần đây nhất, Long Châu đã hợp tác với Merck Healthcare Việt Nam để cung cấp thiết bị tiêm hormone tăng trưởng. Thiết bị sẽ được dược sĩ Long Châu lập trình sẵn dung tích tiêm, chỉ cần mang về nhà và sử dụng.
Theo BSC, hiện tại Việt Nam có hai chuỗi trung tâm tiêm chủng lớn gồm VNVC của CTCP Vắc xin Việt Nam và Nhi Đồng 315.
VNVC được thành lập từ tháng 6/2017, đến nay đã có hơn 100 trung tâm tiêm chủng vaccine cho trẻ em và người lớn trên toàn quốc. Lợi thế của VNVC là có các đối tác chiến lược từ nhiều hãng vaccine lớn như Glaxosmithkline (Bỉ), Sanofi Pasteur (Pháp), Pfizer (Mỹ), Merck Sharp and Dohme (Mỹ),…
Hệ thống sở hữu 4 kho lạnh tổng và 100 kho lạnh đạt chuẩn GSP.
Trong khi chuỗi Nhi Đồng 315 được thành lập giữa năm 2019. Doanh nghiệp đã có hơn 50 trung tâm tiêm chủng tập trung chủ yếu ở TP. HCM và các khu vực lân cận.
Đầu năm nay, Nhi Đồng 315 được quỹ đầu tư chính phủ Singapore (GIC) quyết định rót 30 triệu USD trong vòng gọi vốn Series B.
Trước đó, Nhi Đồng 315 từng hai lần nhận vốn từ các đơn vị như: BDA Capital Partners, TVS, Nisaetus và Samsara Holdings, Tremont Capital Ventures International, một tập đoàn chăm sóc sức khỏe giấu tên của Nhật Bản và các nhà đầu tư cá nhân.