Forever 21 nộp hồ sơ bảo hộ phá sản, chuẩn bị đóng cửa hàng trăm cửa hàng
Hãng bán lẻ thời trang Forever 21 Inc đã chính thức nộp hồ sơ bảo hộ phá sản vào Chủ nhật (29/9) đồng thời công bố kế hoạch sẽ đóng cửa hàng trăm cửa hàng, theo WSJ.
Công ty tư nhân có 800 cửa hàng trên thế giới đang phải đối mặt với áp lực thanh khoản và đang chuẩn bị đệ đơn phá sản. Dù vậy, Forever 21 Inc đã tìm kiếm được nguồn tài trợ 350 triệu USD cho quá trình tái cấu trúc của mình.
Hồ sơ phá sản cho thấy Forever 21 đang có hơn 1 tỉ USD tài sản và hơn 1 tỉ USD dư nợ. (Ảnh: NYPost)
Được thành lập vào năm 1984, Forever 21 nổi tiếng với những mặt hàng thời trang giá rẻ. Dẫn lời một người phát ngôn của công ty, Forever 21 sẽ đóng cửa 350 cửa hàng trong thời gian tới, bao gồm 178 cửa hàng ở Mỹ.
Giới trẻ cực kì yêu thích các sản phẩm giá rẻ song vẫn đậm nét thời trang của Forever 21. Dù vậy, Forever 21 thực hiện mở rộng số lượng cửa hàng mạnh mẽ vào những năm 2008 trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế và khách hàng dần chuyển dịch sang mua sắm trực tuyến.
Cùng thời điểm nhiều chuỗi bán lẻ thu hẹp quy mô cửa hàng và thậm chí đóng cửa nhiều địa điểm bán lẻ, Forever 21 thực hiện chiến lược ngược lại.
Với những cửa hàng rộng lớn hơn, Forever 21 cũng phải mở rộng tệp sản sản phẩm để lấp đầy. Nhiều chuyên gia, khách hàng và thậm chí cựu nhân sự của Forever 21 đều chia sẻ rằng các mặt hàng của thương hiệu này dần nhàm chán và lặp đi lặp lại.
Theo nguồn tin thân cận với vấn đề, sự khó khăn gần đây mà Forever 21 gặp phải đang khiến nó phải đàm phán lại về diện tích và giá thuê mặt bằng.
Bên cạnh việc đóng cửa tại Mỹ, Forever 21 cũng lên kế hoạch đóng cửa phần lớn cửa hàng ở Châu Á và Châu Âu, trong khi duy trì vận hành ở Mỹ Latinh và Mexico.
JPMorgan Chase & Co, nhà băng lớn nhất của Forever 21 đồng ý chuyển đổi khoản vay thành một gói tài trợ phá sản trị giá 275 triệu USD. Forever 21 cũng nhận được khoảng vốn mới trị giá 75 triệu USD từ TPG Sixth Street Partners.
Nhiều đơn vị bán lẻ thời trang truyền thống cũng đã gặp phải khó khăn tương tự Forever 21. Trong nửa đầu năm 2014, 14 đơn vị bán lẻ với quy mô ít nhất 20 cửa hàng đã nộp đơn phá sản, trong đó có Payless Shoe Source, Gymboree và Charlotte Russe.