Forbes thay đổi cách tính, giảm tài sản ông Phạm Nhật Vượng từ 39 tỷ USD xuống 6,7 tỷ USD
Ngày 31/8, theo bảng xếp hạng thời gian thực của Forbes, tài sản định danh của ông Phạm Nhật Vượng đã giảm từ 39 tỷ USD xuống 6,7 tỷ USD. Với khối tài sản này, ông Vượng hiện đứng thứ 396 trong danh sách tỷ phú USD toàn cầu. Trước đó một ngày, Forbes xếp ông Vượng là người giàu thứ 16 thế giới.
Theo cách tính mới này, Forbes ước tính cổ phần của ông Vượng tại VinFast vào khoảng 2,3 tỷ USD trong khi giá trị vốn hoá của hãng xe này ở thời điểm hiện tại đạt gần 96 tỷ USD (tính tới ngày 31/8).
Điều này xảy ra nhiều khả năng là do Forbes thay đổi cách tính tài sản của Chủ tịch VinFast.
Trong một tài liệu chúng tôi có được, Forbes giải thích rằng vấn đề lớn nhất trong việc định giá VinFast là thực tế chỉ có 1% cổ phiếu đang lưu hành có sẵn để giao dịch. Ông Phạm Nhật Vượng nắm giữ gần như toàn bộ cổ phần VinFast thông qua ba công ty, trong đó cổ phần lớn nhất được sở hữu bởi tập đoàn Vingroup (hiện Vingroup có giá trị khoảng 2,6 tỷ USD).
Ban đầu, Forbes đã chiết khấu 30% giá trị cổ phiếu của ông Phạm Nhật Vượng để giải thích cho tỷ lệ thả nổi thấp, nhưng sau khi “nói chuyện với hơn nửa tá nhà phân tích”, Forbes đã quyết định “tính toán lại định giá VinFast như một công ty chưa niêm yết”.
Việc thay đổi tính toán tài sản của Forbes cũng là vấn đề nhận được nhiều ý kiến trái chiều. Một số ý kiến cho rằng việc áp dụng cách tính riêng biệt với trường hợp giá trị của VinFast tạo sự không đồng nhất trong cách tính với các công ty đã niêm yết khác và chưa phù hợp với "tính thị trường" của phương pháp tính.
Mặc dù tại VinFast, số lượng cổ phiếu được giao dịch trên thị trường (free float) chỉ chiếm chưa đầy 1% trên tổng cổ phiếu phát hành nhưng những biến động giá cũng đều do tác động của thị trường.
Chia sẻ về lý do giá cổ phiếu tăng mạnh trong thời gian ngắn, bà Lê Thị Thu Thuỷ, CEO VinFast toàn cầu, từng lý giải: "Do số lượng cổ phiếu đang lưu hành không nhiều lắm, nhu cầu lại cao nên cổ phiếu bị đẩy giá lên là vì thế. Số lượng cổ phiếu đang lưu hành khoảng 4,5 triệu cổ phiếu tuy nhiên số lượng giao dịch lên tới gần 6,8 triệu cổ phiếu, chứng tỏ là đã có những người quay đi quay lại. Càng như vậy thì giá cố phiếu càng tăng. Nói gì thì nói, đây cũng là hoạt động của thị trường”.
Trong khi đó, cũng có ý kiến cho rằng với khối lượng giao dịch thấp dưới 1% tổng số cổ phần được lưu hành sẽ khiến cho mức giá được đưa ra không phải là "phán quyết của thị trường". Khi những công ty như vậy muốn huy động tiền từ các nhà đầu tư thì mức giá này chỉ là tham chiếu.
Trên thực tế, sau khi VinFast chính thức niêm yết trên sàn Nasdaq (Mỹ), cũng đã có nhiều tranh luận trái chiều về mức định giá VinFast. Giao dịch không biên độ, số lượng cổ phiếu free float thấp là hai trong số những nguyên nhân khiến cho mức dao động về giá của VFS thường rất mạnh.
Để so sánh, Tesla có 2,76 tỷ cổ phiếu được lưu hành công khai, tương đương khoảng 86% số cổ phiếu niêm yết; Ford có 3,92 tỷ cổ phiếu lưu hành (khoảng 98%) và General Motors có 1,37 tỷ cổ phiếu lưu hành (cũng 98%).
Chẳng hạn trong tuần trước, cổ phiếu VinFast đã tăng 300%, đưa giá trị vốn hoá công ty này có lúc vượt 200 tỷ USD, đứng trong top 3 các nhà sản xuất ô tô có giá trị vốn hoá lớn nhất thế giới.
Trong ngày 31/8, cổ phiếu VinFast (Nasdaq: VFS) tiếp tục kéo dài đà giảm sang ngày thứ hai liên tiếp, đi xuống thêm 10,77% và đạt mức giá 41,27 USD/cp. Khối lượng giao dịch trong ngày đạt 10,6 triệu đơn vị, cao hơn mức trung bình là 8,1 triệu đơn vị.
Theo dữ liệu cập nhật thời gian thực từ CompaniesMarketCap, VinFast đã tụt xuống vị trí thứ 5 trong bảng xếp hạng các nhà sản xuất ô tô có vốn hóa lớn nhất thế giới ở mức 95,83 tỷ USD. Xếp trên VinFast gồm: BYD, Porsche, Toyota và Tesla.
Chúng tôi đang liên hệ với Vingroup để có câu trả lời chính thức về vấn đề này.