|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Fitch Ratings: Ông Biden sẽ mềm mỏng hơn trong vấn đề chính sách tỷ giá với các nước châu Á

14:12 | 15/04/2021
Chia sẻ
Cho đến nay, chính quyền ông Biden vẫn duy trì lập trường cứng rắn của ông Trump về các vấn đề thương mại liên quan đến Trung Quốc, nhưng Fitch tin rằng chính quyền mới sẽ lựa chọn cách tiếp cận ít đối đầu hơn với các đối tác thương mại khác ở châu Á.
Fitch Ratings: Chính quyền ông Biden sẽ mềm mỏng hơn trong vấn đề chính sách tỷ giá với các nước châu Á - Ảnh 1.

Tổng thống Mỹ Joe Biden. (Ảnh: NCB News).

Trong báo cáo mới đây, Tổ chức xếp hạng tín dụng Fitch Ratings nhận định rằng chính quyền Tổng thống Biden sẽ hạ bớt căng thẳng trong vấn đề chính sách tỷ giá với các đối tác thương mại châu Á.

Theo quan điểm của Fitch, cách tiếp cận của chính quyền mới có thể hạn chế rủi ro căng thẳng tiền tệ dẫn đến sự trả đũa giữa các quốc gia, qua đó có thể làm tổn hại đến xuất khẩu và tăng trưởng kinh tế trong khu vực.

Trong báo cáo đánh giá gần đây nhất được công bố vào tháng 12/2020, Bộ Tài chính Mỹ đã đưa Việt Nam và Thụy Sĩ vào danh sách các quốc gia thao túng tiền tệ.

Một số quốc gia khác hiện chưa bị đưa vào danh sách thao túng tiền tệ tuy nhiên lại nằm trong danh sách theo dõi của Bộ Tài chính Mỹ bao gồm Trung Quốc, Nhật, Hàn Quốc, Singapore, Malaysia, Đài Loan, Thái Lan và Ấn Độ. Riêng Ấn Độ và Singapore bị đánh giá đã có can thiệp vào thị trường ngoại hối.

Hiện tại, việc một quốc gia bị Mỹ cáo buộc là thao túng tiền tệ không có nghĩa sẽ phải chịu hình phạt cụ thể ngay lập tức. Tuy nhiên, nó sẽ đòi hỏi sự trao đổi song phương về chính sách tỷ giá và có thể ảnh hưởng đến thị trường ngoại hối bởi đây báo hiệu cho sự bất mãn từ phía Mỹ đối với chính sách tiền tệ hiện tại.

Dù vậy, Fitch lo ngại rằng nếu căng thẳng thương mại leo thang, Mỹ có thể sẽ đưa ra những quy định mới. Dưới thời Tổng thống Trump, Bộ Thương mại vào tháng 5/2019 đã đề xuất một biện pháp cho phép áp dụng các hình phạt đối với các quốc gia hỗ trợ xuất khẩu thông qua việc định giá thấp đồng tiền của họ, tuy rằng biện pháp này đã không được thực hiện.

Cho đến nay, chính quyền ông Biden vẫn duy trì lập trường cứng rắn của chính quyền ông Trump về các vấn đề thương mại liên quan đến Trung Quốc, nhưng Fitch tin rằng Mỹ sẽ lựa chọn cách tiếp cận ít đối đầu hơn với các đối tác thương mại khác ở châu Á. Điều này cho thấy sự ưu tiên của chính quyền tổng thống mới sẽ có cách tiếp cận đa phương với nhiều vấn đề căng thẳng kinh tế kéo dài.

Mặt khác, dự trữ ngoại hối giữa các nền kinh tế châu Á theo báo cáo của Bộ Tài chính Mỹ đã tăng nhanh trong năm 2020.

Fitch Ratings: Chính quyền ông Biden sẽ mềm mỏng hơn trong vấn đề chính sách tỷ giá với các nước châu Á - Ảnh 2.

(Nguồn: Fitch Ratings, Việt hóa: Lê Huy).

Tuy nhiên, việc dự trữ ngoại hối tăng có thể đến từ nhiều yếu tố. trong đó có thể là điều chỉnh tỷ giá, nhưng cũng có thể là do những nỗ lực ngăn chạn sự điều chỉnh của cán cân thanh toán.

Fitch dự báo những biện pháp kích thích của Mỹ sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và đẩy nhanh nhập khẩu của đất nước này. Qua đó, có thể khiến thâm hụt thương mại song phương tăng lên trong ngắn hạn với một số đối tác thương mại ở châu Á; đặc biệt với những quốc gia có nhu cầu nội địa tiếp tục bị kìm hãm bởi các tác động của dịch COVID-19.

Thặng dư thương mại cao hơn sẽ có thể dẫn đến việc các nhà chức trách địa phương quyết định tích lũy thêm dự trữ ngoại hối nhằm chống lại áp lực tăng giá đối với đồng tiền của họ. 

Dù vậy, Fitch cho rằng những ảnh hưởng của nó có thể sẽ giảm bớt khi dòng vốn bị rút đi, chẳng hạn như lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng khiến dòng vốn bị rút khỏi các thị trường châu Á.

Bên cạnh đó, Fitch cũng nhận định nếu mâu thuẫn tiền tệ giữa Mỹ và các đối tác thương mại châu Á đi chệch khỏi giả định cơ bản của cơ quan này, Việt Nam và Singapore có thể chịu rủi ro kinh tế vĩ mô nhiều nhất trong số các quốc gia châu Á được đề cập trong báo cáo của Bộ Tài chính Mỹ. Bởi hai nền kinh tế này tập trung nhiều vào xuất khẩu, và xuất khẩu sang Mỹ chiếm một tỷ trọng đáng kể trong tổng kim ngạch xuất khẩu.

Tuy nhiên, phương pháp tiếp cận chính sách tiền tệ dựa trên tỷ giá hối đoái của Singapore đã được thiết lập tốt, do đó Fitch tin tưởng rằng rủi ro trong trường hợp này sẽ thấp hơn.

Riêng rủi ro đối với Trung Quốc, Ấn Độ và Nhật Bản sẽ hạn chế hơn cả so với các thị trường châu Á được liệt kê khác, vì xuất khẩu hàng hóa ít đóng vai trò quan trọng trong GDP của các quốc gia này.

Fitch Ratings: Chính quyền ông Biden sẽ mềm mỏng hơn trong vấn đề chính sách tỷ giá với các nước châu Á - Ảnh 3.

Tỷ lệ xuất khẩu hàng hóa sang Mỹ trên tổng kim ngạch xuất khẩu. (Nguồn: Fitch Ratings).


Lê Huy