Fed tăng lãi suất và 4 tác động đến kinh tế Việt Nam
|
Trước quyết định tăng lãi suất với mức 0,25% của Fed, TS Cấn Văn Lực cho biết, thông thường Fed tăng vào tháng 6 hoặc là tháng 12 của mỗi năm. Như vậy, quyết định lần này thể hiện nền kinh tế Mỹ nói riêng và toàn cầu nói chung đã phục hồi ở mức ấn tượng. Fed có thể thắt chặt chính sách tiền tệ.
Bên cạnh đó, với chính sách mới của tân Tổng thống Donald Trump, Fed đưa ra khả năng nới lỏng tài khoá và giảm thuế để thu hút doanh nghiệp quay về Mỹ sản xuất. Theo ông Lực, điều này cũng tạo ra động lực tăng trưởng rất nóng tại thị trường Mỹ. Và như vậy Fed cũng cần sớm có những động thái chính sách để kiểm soát nóng, đặc biệt là lạm phát và những chỉ số giá cả trên thị trường Mỹ.
"Tôi nghĩ rằng thời điểm tăng khá là phù hợp. Khi mà Fed tăng lãi suất thì cũng sẽ có 4 tác động đối với kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng", TS Cấn Văn Lực chia sẻ.
Thứ nhất, lãi suất đồng USD toàn cầu sẽ tăng, trong đó có lãi suất tại Việt Nam.
Thứ hai, việc Fed tăng lãi suất cộng với chính sách của Tổng thống Mỹ, giá USD được dự báo tăng lên khá nhiều trong năm nay. Khi USD tăng giá tạo áp lực tăng giá đối với nhiều loại hàng hoá và giảm giá với nhiều loại ngoại tệ khác nhau trong đó có VND.
Thứ ba, theo TS Cấn Văn Lực, việc tăng lãi suất của Fed sẽ tạo áp lực dẫn đến việc dịch chuyển dòng vốn đầu tư. "Dòng vốn đầu tư sẽ dịch chuyển từ những nước đang phát triển hay mới nổi (trong đó cũng có thể có cả Việt Nam) để quay về Mỹ, EU đầu tư với lãi suất cao hơn khi rủi ro còn chưa tăng", vị chuyên gia phân tích.
Thứ tư, áp lực sẽ đến với nợ công và nợ nước ngoài, khi khoản nợ và lãi suất của nó vẫn được tính bằng USD. Nợ nước ngoài của các toàn cầu ở những nước đang phát triển tăng gần như gấp đôi trong 8 năm qua, điều này tạo ra gánh nặng trả nợ đối với đồng USD trong thời gian tới.
"Với Việt Nam, cần phải cảnh tỉnh đối với hai rủi ro lãi suất và tỷ giá", TS Cấn Văn Lực nhấn mạnh. Ông cho rằng, nợ nước ngoài không đáng quan ngại bởi trong cơ cấu nợ Việt Nam, USD chiếm khoảng 35 - 40%, còn lại là yên Nhật, EU, nhân dân tệ... Những đồng tiền này dung hòa lẫn nhau, có loại tăng, loại giảm.
Đối với dịch chuyển dòng vốn, vị TS phân tích, hai tháng đầu năm, dòng vốn nước ngoài trực tiếp và gián tiếp vào Việt Nam vẫn tiếp tục tăng. Việt Nam vẫn là điểm hấp dẫn đầu tư và có thể thấy dòng vốn chưa dịch chuyển đi. Tuy nhiên, ông Lực cũng lưu ý, Việt Nam không thể chủ quan.
Cũng tại phiên giao dịch sáng nay, giá vàng trong nước tăng, giá USD sụt giảm. Điều này trái với quy luật trước đây, khi tăng lãi suất USD sẽ tăng giá gây áp lực lên giá vàng.
"Đây là một hiện tượng rất thú vị", TS Cấn Văn Lực nói. Theo ông, nhà đầu tư đã có được dự báo đón đầu hiện tượng này. Dự báo Fed tăng lãi suất có từ 1 tháng trước. Khi đó giá USD, các chỉ số chứng khoán đã tăng rất tốt trong 1 tháng qua.
"Đến hôm nay, Fed chính thức hiện thực hoá kỳ vọng đó, chính vì vậy các nhà đầu tư thấy rằng các dự báo đó là đúng và nó đã được tính vào giá cả, giá USD trước đó rồi", TS Lực phân tích. Khi rủi ro được dự báo tăng lên, lập tức giá vàng tăng lên. Về mặt logic tương đối khó hiểu nhưng là điều có thực.
FED tăng lãi suất, gây áp lực lên nền kinh tế Hàn Quốc
Việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) quyết định tăng lãi suất sẽ tạo ra áp lực mới trong hoạch định chính sách kinh ... |
Giá vàng tăng cao nhờ chính sách lãi suất của Fed
Giá vàng tăng cao vì Fed quyết định nâng lãi suất nhưng ở mức độ từ từ. |
Fed tăng lãi suất lần đầu tiên năm 2017
Đúng như dự báo, Cục Dự trữ liên bang Mỹ đã nâng lãi suất sau phiên họp hai ngày. |