|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Fed sắp đối đầu với ông Donald Trump

07:21 | 06/12/2016
Chia sẻ
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể đối đầu với Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump trong vấn đề trách nhiệm cốt lõi của ngân hàng trung ương là giữ giá cả ổn định.

Theo Business Insider, để kiểm soát lạm phát - thước đo cho sự thay đổi giá cả - Fed điều chỉnh chi phí đi vay. Chi phí đi vay rẻ hơn khiến chi tiêu dễ dàng hơn, đẩy cao nhu cầu và giá cả.

Fed đã và đang giữ chi phí đi vay ở cận 0 kể từ khi kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái cách đây 9 năm. Giờ đây, họ dần bình thường hóa lãi suất khi lạm phát đang phục hồi còn thị trường lao động thì cải thiện.

Kế hoạch chi tiêu cơ sở hạ tầng lớn của ông Trump có thể giúp lạm phát tăng nhanh hơn. Đây không phải là điều chắc chắn xảy ra và hiện có nhiều nghi vấn về việc chi tiêu cơ sở hạ tầng sẽ thực sự thúc đẩy tăng trưởng kinh tế lên thêm bao nhiêu. Song từ thời điểm bầu cử, các nhà giao dịch theo dõi lãi suất đang nghiêng về phía cho rằng lạm phát sẽ đi lên với tốc độ nhanh hơn nhiều.

“Chuyện rất có thể xảy ra là nếu ông ấy có thể cung cấp một gói kích thích tài chính lớn, Fed sẽ cho rằng nó là lạm phát”, chuyên gia Luke Bartholomew thuộc hãng Aberdeen Asset Management cho biết.

Nếu Fed nhanh chóng tăng lãi suất để giữ nền kinh tế không quá nóng, “đây có thể là điều mà ông Trump xem như nỗ lực để phá hoại kế hoạch của ông, vì ông đã và đang đưa ra quan điểm không mấy đồng tình với ngân hàng trung ương”, ông Bartholomew nói. Chuyên gia này cho rằng tình hình này có thể dẫn đến cuộc đối đầu giữa Tổng thống đắc cử và Fed, trường hợp mà thị trường tài chính sẽ không hưởng ứng.

Mặt khác, vào tháng 10, Chủ tịch Fed Janet Yellen cho hay đang có khả năng về một “nền kinh tế chịu áp lực cao”, đặc trưng bởi tổng cầu cao - yếu tố có thể sửa chữa một vài tổn thất gây ra bởi suy thoái kinh tế. Đây không phải là lời hứa về cách tiếp cận chính sách trong tương lai, song cho thấy rằng Fed sẵn sàng giữ lãi suất thấp hơn so với mong đợi.

Fed cũng có thể ngồi xuống, cho phép sự thúc đẩy từ việc kích thích tài khóa của ông Trump làm nóng quá mức nền kinh tế. Dù vậy, họ sẽ không muốn bị xem là đi theo ông Trump vì muốn giữ vị thế độc lập của mình.

Ông Trump dường như mâu thuẫn với bà Yellen. Khi vận động tranh cử, ông cho biết Fed giữ lãi suất thấp vì lý do chính trị nhằm tạo ra cuộc suy thoái kinh tế cho tổng thống Mỹ kế tiếp. Sau phát ngôn này, bà Yellen đáp lời cho nghi vấn về sự can thiệp chính trị và xung đột từ các thành viên của Quốc hội và báo chí. Bà nói: “Chúng tôi không thảo luận về chính trị tại các cuộc họp của chúng tôi”.

Dù vậy, Fed vẫn dễ tổn thương trước phản ứng chính trị vì các bước đi bất thường mà mà họ phải thực hiện để chữa lành nền kinh tế hậu suy thoái, nhà kinh tế Elga Bartsch thuộc ngân hàng Morgan Stanley nói.

Ngay cả khi “cơm không ngọt” với ông Trump, bà Yellen có lẽ vẫn sẽ giữ ghế cho đến khi nhiệm kỳ của bà kết thúc vào đầu năm 2018. Một phần lý do là vì từ chức sẽ tạo ra ấn tượng trực tiếp rằng Nhà Trắng có can thiệp vào ngân hàng trung ương.

Cuối cùng, cuộc đối đầu giữ Fed và Trump có thể đánh dấu sự kết thúc của thời kỳ lãi suất cận 0 và nhiều chính sách bất thường. Dan North, nhà kinh tế trưởng tại hãng Euler Hermes North America thì cho rằng kế hoạch tài khóa của ông Trump là tin tức khá tốt cho Fed.

“Chúng ta sẽ vui vẻ khi nhắc đến khía cạnh lạm phát bởi bây giờ, đây là yếu tố hỗ trợ họ khởi động bình thường hóa lãi suất”, ông North nhận định.

Thu Thảo