Fed phát tín hiệu giảm lãi suất rõ ràng, kinh tế Việt Nam sẽ có thêm yếu tố thuận lợi
Kết thúc cuộc họp chính sách cuối cùng của năm 2023, Fed đã quyết định giữ nguyên lãi suất cơ bản trong phạm vi 5,25 - 5,5%, mức cao nhất trong hơn 22 năm.
Điểm nhấn của phiên họp tới từ việc Chủ tịch Fed Jerome Powell cho rằng “việc tăng lãi suất không còn là kịch bản cơ sở”, đồng thời gợi ý sẽ có “ít nhất 3 lần” cắt giảm lãi suất trong năm 2024 (tương đương 75 điểm).
Theo "biểu đồ chấm” (thể hiện kỳ vọng của các thành viên FOMC), đa số các thành viên của hội đồng cho rằng mức lãi suất phù hợp vào cuối năm 2024 sẽ ở khoảng 4,6% (giảm 50 điểm so với dự báo cũ là 5,1%), trước khi hạ dần về dưới 4% trong năm 2025 và dưới 3% trong năm 2026.
Chủ tịch Fed cũng nhấn mạnh việc hạ lãi suất không phải do lo ngại nền kinh tế rơi vào suy thoái. Fed đánh giá tăng trưởng kinh tế 2023 sẽ tương đối tích cực ở mức 2,6% (tăng 0,5 điểm % so với kỳ vọng), tuy nhiên sẽ chậm lại trong thời gian tới. Tăng trưởng GDP năm 2024 được hạ xuống 1,4% từ mức dự báo cũ là 1,5%.
Trong khi đó, thị trường việc làm sẽ dần trở về trạng thái cân bằng, dự báo tỷ lệ thất nghiệp cuối năm 2023 tại mức 3,8% trước khi tăng lên 4,1% trong năm 2024 và 2025 - không đổi so với dự báo cũ.
Thêm một điểm đáng chú ý là Fed đã tự tin hơn rằng lạm phát đang dịch chuyển đúng hướng, chỉ số PCE được điều chỉnh giảm mạnh trong năm 2023 về 2,8% (dự báo cũ là 3,3%) trước khi dần chạm mức 2,4% cuối năm 2024, 2,1% trong năm 2025 và 2,0% trong năm 2026.
Việc Fed phát tín hiệu rõ ràng sẽ cắt giảm lãi suất còn là tin tích cực với Việt Nam xét ở khía cạnh như áp lực tỷ giá giảm, tăng khả năng thu hút vốn đầu tư nước ngoài FDI và xuất khẩu.
Ông Trần Ngọc Báu, CEO WiGroup, cho rằng kinh tế Việt Nam sẽ có thêm yếu tố thuận lợi khi bối cảnh quốc tế ủng hộ chính sách nới lỏng tiền tệ của Việt Nam.
"Áp lực tỷ giá sẽ không cao như trước khi Fed được dự báo sẽ nới lỏng sớm hơn. Lãi suất trong nước sẽ đi ngang hoặc giảm nhẹ nhưng cung tiền sẽ cao hơn do thanh khoản được cải thiện nhờ nhà điều hành mua ròng USD trở lại", ông nói.
Trên thực tế theo quan sát của người viết, ngay sau cuộc họp của Fed, lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm giảm 19 điểm, từ 4,21% về 4,02%.
Lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ là đại diện cho mặt bằng lãi suất của kinh tế Mỹ, khi lợi suất này tăng cao thì các lãi suất khác cũng ở mức cao, khiến cho dòng tiền có xu hướng quay trở về Mỹ và rời bỏ các thị trường mới nổi trong đó có Việt Nam.
Mặt khác, khi lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ và chỉ số USD Index (DXY) thường có xu hướng tương quan cùng chiều với nhau và khi chúng cùng tăng thì áp lực tỷ giá (USD/VND) xuất hiện, khi giảm thì áp lực lên tỷ giá cũng giảm.
PGS. TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) nhận định Fed giảm lãi suất sẽ kích thích tiêu dùng, đầu tư của Mỹ, thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Khi tâm lý tiêu dùng Mỹ hồi phục, nhập khẩu của Mỹ sẽ gia tăng và Việt Nam được hưởng lợi rõ nét.
Ngoài ra khi USD không còn mạnh lên, tỷ giá ở những quốc gia mới nổi như Việt Nam dần ổn định, không còn nhiều lo ngại tình trạng dòng tiền có xu hướng quay trở về Mỹ và rời bỏ các thị trường mới nổi.
"Khi USD giảm so với các đồng tiền khác, nhiều tập đoàn, nhà đầu tư ở Mỹ sẽ có xu hướng dịch chuyển dòng vốn sang đầu tư ở các nước khác. Khi đó thu hút vốn FDI của Việt Nam cũng sẽ có nhiều cơ hội gia tăng", ông nói.
Ngoài ra, ông cho rằng có thêm điểm tích cực nữa là hướng đi của Fed đã rõ ràng hơn, không còn khó đoán như trước.
Năm 2024, Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng 6 - 6,5%. Mới đây, lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư thừa nhận đây là nhiệm vụ khó bởi năm 2024 vẫn còn tiếp tục các khó khăn đến nay chưa thể dự báo được. Tuy nhiên nhiên với thông điệp rõ ràng từ Fed trong cuộc họp cuối năm, yếu tố khó đoán liên quan đến Fed đã không còn.
"Với thông điệp của Fed, lãi suất FFR đã đạt đỉnh và sẽ theo xu hướng giảm dần từ năm 2024. Với Việt Nam, điều này tạo lợi thế dài hạn cho mục tiêu ưu tiên tăng trưởng hiện nay", ông nói.
Từ giờ đến Tết Nguyên đán tỷ giá sẽ có xu hướng giảm nhẹ
Trong báo cáo mới đây, nhóm phân tích của BIDV cho rằng tỷ giá USD/VND liên ngân hàng sẽ có xu hướng giảm nhẹ từ giờ đến trước Tết Nguyên đán. Yếu tố hỗ trợ tỷ giá bao gồm môi trường quốc tế thuận lợi hơn khi DXY dự kiến duy trì ở mặt bằng thấp và cung cầu ngoại tệ dồi dào (ước thặng dư khoảng 0,5 - 1 tỷ USD trong tháng 12/2023 và khoảng 2 tỷ USD trong tháng 1/2024).
Mặc dù vậy, chênh lệch lãi suất tiếp tục duy trì âm sâu là yếu tố ngăn cản tỷ giá giảm không quá mạnh, dự kiến kỳ hạn 1 tuần vẫn duy trì quanh khoảng (-4,5) đến (-4%)/năm.
Đối với thị trường tiền tệ, nhóm phân tích dự báo lãi suất VND liên ngân hàng sẽ tiếp tục duy trì ở mức thấp, mặc dù mặt bằng trong một tháng tới có thể nhích nhẹ so với mức hiện tại, bình quân khoảng 0,5-1%/năm với kỳ hạn 1 tuần.
Một mặt, lãi suất VND tiếp tục được hỗ trợ bởi xu hướng nới lỏng của chính sách tiền tệ và trạng thái tương đối dồi dào của thanh khoản.
Mặt khác lãi suất cũng khó có thể giảm sâu thêm khi mặt bằng hiện tại gần như đã tạo đáy và nhu cầu thanh toán bằng tiền mặt gia tăng theo chu kỳ cuối năm hay trước Tết nguyên đán có thể làm giảm bớt mức độ dư thừa của thanh khoản tại một số thời điểm.