|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

FDI dự báo bùng nổ trong 2022 với dòng vốn triệu USD ngay từ đầu năm

20:00 | 02/02/2022
Chia sẻ
Mặc dù chịu ảnh hưởng từ dịch COVID-19 song hoạt động thu hút FDI trong năm 2021 vẫn được duy trì ổn định, qua đó, nhiều chuyên gia tin rằng năm 2022 sẽ là năm đầy triển vọng của dòng vốn FDI.

Bước vào năm 2022, nhiều tổ chức tài chính dự báo dòng vốn FDI giải ngân sẽ bùng nổ mạnh mẽ sau hai năm bị dồn nén do dịch COVID-19. Đặc biệt là khi chính sách thích ứng an toàn với bệnh COVID-19 của Việt Nam sẽ giúp đảm bảo hoạt động sản xuất tại các nhà máy FDI.

Cùng với đó là nhu cầu tiêu dùng thế giới được dự báo tăng trưởng mạnh trở lại cũng sẽ là động lực thúc đẩy các doanh nghiệp FDI gia tăng tốc độ giải ngân tại Việt Nam.

Thu hút FDI được trợ lực bởi các hiệp định thương mại cùng việc thích ứng an toàn với dịch

Chia sẻ với người viết, ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích Khối khách hàng cá nhân, CTCK Yuanta Việt Nam cho biết khi nhìn vào bức tranh FDI năm 2021 vừa qua, chúng ta hoàn toàn có thể kỳ vọng năm 2022 sẽ là một năm triển vọng của hoạt động thu hút FDI.

FDI dự báo bùng nổ trong 2022 với dòng vốn triệu USD ngay từ đầu năm - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích CTCK Yuanta Việt Nam. (Ảnh: Nhà Đầu tư).

Ông cho biết, nếu nhìn vào số liệu năm 2021, trong 6 tháng đầu năm thì lượng FDI giải ngân tăng mạnh, song FDI đăng ký mới lại không được tốt. Đến quý III/2021 lại có sự sụt giảm mạnh về lượng vốn FDI đăng ký mới, trong khi đó giải ngân vẫn tăng.

"Hoạt động giải ngân trong quý III/2021 tăng là chuyện dễ hiểu nhờ dòng vốn FDI đã triển khai, đăng ký từ năm 2020", ông lý giải.

Tuy nhiên, điểm sáng trong bức tranh FDI là kể từ quý IV/2021, sau khi Việt Nam chuyển hướng phòng chống dịch, nhiều hoạt động kinh tế dần được mở lại đã kéo theo dòng vốn đăng ký mới lại tăng lên.

Giám đốc phân tích CTCK Yuanta cũng đưa ra ba yếu tố chính sẽ thúc đẩy làn sóng FDI. Thứ nhất là nền kinh tế thế giới và Việt Nam đang dần thích nghi, sống chung với dịch bệnh. Như vậy, việc hoạt động giao thương, mở cửa nền kinh tế sẽ được trở lại, ông kỳ vọng ít nhất sẽ lấp đi khoảng 80% so với giai đoạn 2019 - giai đoạn bình thường trước dịch bệnh.

Yếu tố thứ hai là đến từ việc đẩy mạnh đầu tư hạ tầng. Theo ông Nguyễn Thế Minh, đây là một trong những nhân tố quan trọng, quyết định làn sóng FDI. Những doanh nghiệp có hoạt động đầu tư đa quốc gia rất coi trọng về vấn đề logistics hay hạ tầng.

Nếu hạ tầng thuận lợi thì quốc gia đó sẽ thu hút làn sóng FDI rất mạnh. Chẳng hạn như ở Đông Nam Á, chúng ta có thể thấy hai quốc gia là Thái Lan và Indonesia.

Việc đẩy mạnh nâng cấp và xây dựng hạ tầng, trong đó có nhiều dự án hạ tầng trọng điểm như sân bay Long Thành, cao tốc Bắc Nam hay đầu tư hạ tầng khu vực phía Nam sẽ trở thành lực đẩy mạnh và bền vững đối với hoạt động thu hút FDI.

Một cú hích cho làn sóng dịch chuyển FDI trong năm 2022 khác đến từ môi trường kinh doanh tại Việt Nam. Việt Nam là một trong những nước ký kết nhiều hiệp định thương mại song phương và đơn phương.

"Đây là yếu tố cho thấy Việt Nam đang có lợi thế so với các quốc gia khác. Bởi rõ ràng khi doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam họ sẽ được hưởng lợi từ các hiệp định đó và đây chính là lợi thế riêng của Việt Nam", ông Nguyễn Thế Minh chia sẻ.

Đồng quan điểm, ông Bùi Nguyên Khoa, Trưởng nhóm Vĩ mô thị trường, CTCK BIDV, cũng cho rằng FDI sẽ là một trong những điểm sáng cho nền kinh tế năm 2022.

Mặc dù tốc độ giải ngân của khối FDI trong năm 2021 giảm 2% so với năm trước, song số vốn đăng ký lại tăng 9,2%. Nhìn từ bức tranh chung của năm 2021, chúng ta có thể kỳ vọng FDI trong năm tới sẽ bứt phá mạnh hơn sau hai năm kìm nén do dịch COVID-19.

FDI dự báo bùng nổ trong 2022 với dòng vốn triệu USD ngay từ đầu năm - Ảnh 1.

Ông Bùi Nguyên Khoa, Trưởng nhóm Vĩ mô thị trường - CTCP Chứng khoán BIDV. (Ảnh: BizLive).

Lý giải thêm về điều này, ông cho biết kỳ vọng này hoàn toàn có cơ sở khi môi trường đầu tư tại Việt Nam ngày càng được cải thiện nhờ vào việc tham gia các hiệp định thương mại hay xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng,…

Tuy nhiên, đây đều là những yếu tố cũ, yếu tố mới hơn của triển vọng FDI Việt Nam nằm ở câu chuyện khi nền kinh tế hồi phục thì hoạt động đầu tư FDI sẽ trở lại mạnh mẽ hơn. Và các doanh nghiệp này cũng sẽ lựa chọn thị trường mang tính chất lợi thế nhất thì Việt Nam bây giờ đang hội tụ các yếu tố lớn thu hút FDI.

Do đó, ông cho rằng năm sau sẽ là năm khá tốt với FDI và xuất nhập khẩu. Về nhóm ngành thu hút FDI thì vẫn sẽ chủ yếu rót vào các lĩnh vực sản xuất, bất động sản và năng lượng sạch và năng lượng tái tạo,…

Nhiều tin vui FDI ngay từ thời điểm đầu năm

Những nhận định trên hoàn toàn có cơ sở khi nhìn vào bức tranh FDI năm 2021. Tình hình FDI tại Việt Nam ghi nhận vốn thực hiện gần 20 tỷ USD, không có sự biến đổi quá nhiều so với năm 2020. Đáng chú ý, số vốn đăng ký lại tăng 9,2%, từ mốc 28,53 tỷ USD lên 31,15 tỷ USD.

Tại thời điểm sắp “chốt sổ” số liệu thu hút FDI của năm 2021 cũng là lúc Việt Nam đón nhận tin vui khi Tập đoàn Lego (Ðan Mạch) chính thức ký biên bản ghi nhớ hợp tác với Công ty liên doanh TNHH Khu công nghiệp Việt Nam-Singapore (VSIP) để xây dựng nhà máy sản xuất đồ chơi trẻ em tại Bình Dương với số vốn đầu tư hơn 1 tỷ USD.

Hay ngay từ những ngày đầu 2022, Việt Nam nhận được sự cam kết mở rộng đầu tư của tập đoàn công nghệ đến từ Đức của Bosch. Theo đó, Công ty Công nghệ phần mềm toàn cầu Bosch sẽ mở chi nhánh trung tâm phần mềm mới tại Hà Nội vào tháng 2 tới, sau khi trung tâm tại TP HCM đạt hơn 2.600 kỹ sư trình độ cao.

Trong khi đó, Nghệ An cũng chính thức trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư điều chỉnh cho Tập đoàn Goertek với tổng vốn đầu tư 400 triệu USD. Hay tỉnh Bắc Giang đã trao giấy chứng nhận đầu tư cho 4 dự án của ba nhà đầu tư, thu hút gần 650 triệu USD.

Cụ thể: Dự án Nhà máy Fukang Technology của nhà đầu tư Foxconn Singapore PTE Ltd; Dự án công nghệ tế bào quang điện Ja Solar PV Việt Nam của nhà đầu tư Ja Solar Investment Limited; Dự án Nhà máy Risesun New Material Việt Nam và dự án Nhà máy Kodi New Material Việt Nam của nhà đầu tư Risesun Investment Pte.Ltd (Singapore).

Phương Trang