|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Facebook đối diện bài toán nan giải về kiểm duyệt người dùng

07:30 | 23/07/2019
Chia sẻ
Sau một thập kỷ rưỡi tồn tại, những lợi thế và bất lợi cho xã hội của các nền tảng truyền thông xã hội, có lẽ không thể dự đoán được trong những ngày đầu, đang trở nên rõ ràng.
Facebook đối diện bài toán nan giải về kiểm duyệt người dùng - Ảnh 1.

Biểu tượng Facebook. Ảnh: EPA/TTXVN

Điều không may là các biện pháp khắc phục nhược điểm của phương tiện truyền thông xã hội lại chưa có.

Trang mạng của Học viện Các vấn đề quốc tế Australia (AIIA) mới đây đăng bài viết của Giáo sư Sarah Joseph, Giám đốc Trung tâm Luật Nhân quyền Castan thuộc Đại học Monash, nhận định nếu Facebook được coi là một thử nghiệm trong việc tạo ra một “thị trường ý tưởng” thực sự, thì kết quả cho đến nay là “đáng thất vọng, và nền tảng này chưa có giải pháp nào cho bài toán nan giải là kiểm duyệt hơn hai tỷ người dùng Facebook.

Các phương tiện truyền thông xã hội cung cấp một cơ chế cho tất cả mọi người, hoặc phần lớn những người có thể truy cập Internet, để truyền đi ý kiến của mình ra thế giới và kết nối đồng thời với rất nhiều người khác. Facebook, nền tảng phương tiện truyền thông xã hội lớn nhất, có tới 2,38 tỷ người dùng, chiếm một phần ba dân số thế giới.

Sau một thập kỷ rưỡi tồn tại, những lợi thế và bất lợi cho xã hội của các nền tảng truyền thông xã hội, có lẽ không thể dự đoán được trong những ngày đầu, đang trở nên rõ ràng. Điều không may là các biện pháp khắc phục nhược điểm của phương tiện truyền thông xã hội lại chưa có.

Trong những ngày của “Mùa xuân Arập”, rất đông người biểu tình ủng hộ dân chủ đã cảm ơn Facebook vì đã cung cấp một nền tảng chính cho việc tổ chức các cuộc biểu tình.

Có một cảm giác lạc quan bao trùm, bao gồm cả tác giả bài viết này, về tác động của phương tiện truyền thông xã hội đối với xã hội với vai trò là một công cụ có giá trị để kết nối, thúc đẩy và tổ chức những người dân bình thường chống lại các công cụ quyền lực áp bức.

Cho đến năm nay, có thể nói sự lạc quan của “Mùa xuân Arập” không còn được “ấm áp”. Trong khi Tunisia đã được giải phóng khỏi chế độ độc tài, áp bức lại gia tăng ở Ai Cập và Syria, còn Libya và Yemen bị sa lầy trong các cuộc nội chiến tàn khốc.

Có thể các phương tiện truyền thông xã hội đã tạo điều kiện cho các cuộc cách mạng còn non trẻ, rất dễ bị tổn thương trước các lực lượng đối lập. Tuy nhiên, việc sử dụng phương tiện truyền thông xã hội cho các mục đích cách mạng tiến bộ vẫn tiếp tục, ví dụ như trong cuộc lật đổ Tổng thống Omar al-Bashir ở Sudan trong năm nay.

Phương tiện truyền thông xã hội đã tạo điều kiện cho sự lan truyền của “tin giả”, một loại tin tức đã đầu độc quá trình dân chủ và kết quả bầu cử bằng cách khiến cử tri bỏ phiếu dựa trên những câu chuyện bịa đặt mà họ có thể nhận được qua một quá trình phức tạp có chủ đích.

Facebook đã bị chỉ trích vì không kiểm soát các hoạt động của Nga trong cuộc bầu cử ở Mỹ, trong khi công ty con của Facebook, Whatsapp, được sử dụng để truyền bá những câu chuyện không có thực trong cuộc bầu cử gần đây ở Brazil. 

Thậm chí, tin tức giả có chủ đích còn được dự đoán sẽ trở thành một đặc tính của tất cả các cuộc bầu cử sắp tới ở các nước, nơi phương tiện truyền thông xã hội hoạt động tương đối tự do.

Tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã sử dụng phương tiện truyền thông xã hội với sự khéo léo giết người trong việc tuyển dụng và đe dọa. 

Facebook đã được sử dụng bởi tay súng ở thành phố Christchurch để truyền hình trực tiếp vụ xả súng giết người của hắn. Facebook còn liên quan đến sự lan truyền của ngôn từ kích động hận thù trên toàn thế giới, góp phần gây ra các cuộc xung đột sắc tộc dữ dội.

Facebook đã hứa sẽ làm tốt hơn trong việc kiểm soát sự lan truyền của tin giả và ngăn chặn việc sử dụng nền tảng của mình cho mục đích kích động bạo lực và thậm chí là diệt chủng. Thật không may, cho đến nay Facebook vẫn chưa làm được gì nhiều ngoài việc thừa nhận “có lỗi” và hứa sẽ “làm tốt hơn”.

Nói một cách công bằng, Facebook khó có thể “làm tốt hơn” nữa khi mà công ty này phải đáp ứng các yêu cầu cạnh tranh với nhau. Một mặt, Facebook bị chỉ trích là đã kiểm duyệt quá mức, mặt khác lại bị chê trách vì cho phép quá nhiều ngôn từ gây khó chịu. 

Mặc dù nhu cầu về kiểm duyệt ở một mức độ nhất định là rõ ràng, như trường hợp video xả súng ở Christchurch, không phải lúc nào cũng dễ dàng xác định được “ngôn từ thù hận” thực sự, đặc biệt là trong rất nhiều bối cảnh văn hóa khác nhau trên thế giới.

Hơn nữa, việc gỡ bỏ nội dung phản cảm cũng có thể làm mất bằng chứng về tội ác chiến tranh. Tương tự như vậy, mặc dù Facebook rất đáng bị lên án vì xâm phạm thường xuyên đến quyền riêng tư của người dùng, nhưng nó cũng bị chỉ trích vì không cung cấp nội dung cho việc thu thập bằng chứng về các vụ đàn áp bạo lực.

Facebook đang thực hiện nhiều biện pháp để tránh lặp lại việc sử dụng nền tảng của mình cho các mục đích xấu. Ví dụ, công ty này đã cam kết thực hiện các kiến nghị của BSR. 

Facebook cũng đã thành lập ra “Nhóm phản ứng chiến lược nội bộ” để tránh gây ra một cuộc diệt chủng khác. Đội ngũ này bao gồm các cựu quan chức ngoại giao, các chuyên gia nhân quyền và nhiều chuyên gia có liên quan khác.

Việc lập ra nhóm này minh chứng cho những tác động và hậu quả chính trị thực tế của nền tảng Facebook. Hy vọng rằng nhóm này không chỉ tập trung vào nước Mỹ, vì điều này có thể khiến Facebook trở thành một cánh tay của chính sách đối ngoại của chính phủ Mỹ.

Các công ty truyền thông xã hội, đặc biệt là Facebook, đang phải vật lộn với thực tế về tác động chính trị và xã hội gây ra những biến động của mình. Tác động sâu sắc đó có lẽ không thể dự đoán trước và cũng không mong muốn.

Tuy nhiên, thực tế của tác động chính trị và xã hội nêu trên là không thể làm ngơ và các công ty truyền thông xã hội cũng như chính phủ và xã hội phải tìm ra giải pháp cho vấn đề này. 

Điều này không hề dễ dàng, trong bối cảnh có các lợi ích cạnh tranh về tự do ngôn luận, ngôn từ kích động hận thù, tin giả và quyền riêng tư. Đối với Facebook, việc hài hòa các lợi ích trên cho hơn hai tỷ người dùng có thể là không thể.

Trong cuốn sách kinh điển của thế kỷ XIX về xã hội tự do, tựa đề “Bàn về Tự do”, tác giả J.S. Mill nhấn mạnh rằng sự thật sẽ thắng thế nếu các ý tưởng và lời nói được phép tự do truyền đạt. Khái niệm này đã được diễn đạt lại thành “thị trường ý tưởng”, trong đó những ý tưởng tốt được cho là có khả năng vươn lên và đánh bại những ý tưởng tồi.

Phương tiện truyền thông xã hội có thể là một thực tế gần nhất có thể với “thị trường ý tưởng” mà chúng ta hướng tới. Chúng đã tạo ra một không gian chung cho các ý tưởng cả tốt và xấu từ tất cả mọi người không bị ngăn cản bởi những người gác cổng truyền thống, ví dụ như chính phủ và các phương tiện truyền thông chính thống.

Mặt khác, phải thấy rằng các phương tiện truyền thông xã hội vẫn bị điều tiết bởi các quy định trong nước và quốc tế và bị thao túng bởi các thuật toán và các bot (chương trình máy tính tự động). 

Các công ty truyền thông xã hội phải điều tra cẩn thận tác động của việc thao túng thị trường và có các điều chỉnh cần thiết, như trong ví dụ gần đây của YouTube.

Hiện vẫn chưa có câu trả lời rõ ràng cho câu hỏi liệu các thuật toán được xây dựng để tối đa hóa sự tham gia của người dùng, và qua đó tối đa lợi nhuận của các nền tảng, có phù hợp với các nguyên tắc của một xã hội dân chủ và đa nguyên lành mạnh hay không?

Nguyễn Minh