Facebook có thể bị giám sát trong 20 năm
Từ tháng 3/2018, sau bê bối rò rỉ dữ liệu của 87 triệu người dùng của Facebook và Cambridge Analytica, FTC bắt đầu điều tra Facebook để đánh giá liệu mạng xã hội này có vi phạm các thỏa thuận về bảo mật và quyền riêng tư đã ký năm 2011. Dù chi tiết mức án chưa được đưa ra, mạng xã hội lớn nhất thế giới cho biết họ dự đoán có thể bị FTC áp số tiền phạt kỷ lục từ 3 tỷ đến 5 tỷ USD.
Tuy nhiên, theo Reuters, không những bị phạt tiền, Facebook còn có nguy cơ bị giám sát định kỳ trong việc thực thi tôn trọng quyền riêng tư người dùng trong 20 năm tới. Theo thỏa thuận từ 2011, Facebook phải xin phép và nhận được sự chấp thuận của người dùng trước khi chia sẻ dữ liệu của họ.
Facebook đang trong quá trình đàm phán với FTC từ tháng 2/2019 và được cho là phải nộp số tiền lớn nhất mà FTC đưa ra với một công ty công nghệ. Khoản tiền phạt cao nhất FTC từng áp dụng cho một công ty công nghệ là 22,5 triệu USD đối với Google năm 2012, cũng liên quan đến quyền riêng tư của người dùng. Trong khi đó, mức phạt kỷ lục hiện thuộc về công ty dược Teva Pharmaceutical Industries năm 2015, lên tới 1,2 tỷ USD do vi phạm luật chống độc quyền.
Facebook đang vướng phải nhiều rắc rối trên toàn cầu. Ảnh: Reuters.
'Facebook đáng bị trừng phạt'
Ngày 9/5, trong buổi phỏng vấn với New York Times, Chris Hughes, đồng sáng lập Facebook, cho rằng mạng xã hội lớn nhất thế giới đang vượt quá tầm kiểm soát của CEO Mark Zuckerberg và đã đến lúc cần chia nhỏ Facebook, Instagram và WhatsApp để dễ quản lý hơn.'Facebook đáng bị trừng phạt'
"Facebook đã trở nên độc quyền, làm giảm sự cạnh tranh cũng như kìm hãm đổi mới. Người dùng không có lựa chọn nào khác. Tôi cho rằng FTC nên hủy thương vụ mua lại Instagram và WhatsApp nhằm tạo sự cạnh tranh trên thị trường mạng xã hội", Hughes nói. "Mark là người tốt, nhưng tôi thấy tức giận vì anh ta tập trung vào tăng trưởng mà quên đi sự an toàn và văn minh của những cú nhấp chuột".
Trong khi đó, trang công nghệ CNet cho rằng, thay vì chia tách Facebook để dễ quản lý, mạng xã hội này đáng bị trừng phạt. Họ đã mắc những sai lầm lớn liên tiếp khi không dứt khoát ngăn chặn các chiến dịch xuất phát từ Nga có mục đích can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ năm 2016.
Họ cũng không thể bảo vệ được thông tin cá nhân của các thành viên, khiến dữ liệu của 87 triệu người dùng Facebook rơi vào tay công ty Cambridge Analytica và nhiều khả năng đã bị tận dụng để phục vụ chiến dịch tranh cử của Donald Trump cách đây 3 năm.
Họ cũng chịu áp lực lớn về tính năng phát video trực tiếp khi không kịp ngăn một trong những kẻ khủng bố trong vụ xả súng khiến 50 người chết ở New Zealand truyền đi hình ảnh trực tiếp cuộc tấn công qua mạng xã hội lớn nhất thế giới.
Chiêu trốn thuế của Google, Facebook
Không chỉ gặp rắc rối về quyền riêng tư, các công ty công nghệ như Facebook còn gây bức xúc vì áp dụng những chiêu trò để lách thuế. Là công ty đa quốc gia, có trụ sở đặt ở nhiều nơi, những công ty này dễ dàng lợi dụng sự sơ hở về luật của nước này để né thuế ở nước kia. Chiến thuật mà họ áp dụng được gọi là "chuyển giá" (Transfer Pricing), tức giao dịch trên giấy tờ giữa những công ty con, nhằm chuyển số thu nhập đến những quốc gia có mức thuế thấp, trong khi phí tổn lại rơi vào những quốc gia có mức áp thuế cao hơn.
Theo thống kê của cơ quan thuế Anh, năm 2017, Facebook có doanh thu lên tới 1,2 tỷ bảng nhưng số thuế thực đóng chỉ 7,4 triệu bảng. Tại Việt Nam, dù doanh thu khủng, lên tới hàng trăm triệu USD mỗi năm, Google, Facebook không đóng thuế và đẩy nghĩa vụ đóng thuế cho đối tác trong nước.
Chia sẻ tại Hội thảo Quản lý thuế trong nền kinh tế số diễn ra tuần trước ở Hà Nội, ông Nguyễn Thanh Lâm, Cục trưởng Cục Phát thanh Truyền hình - Bộ Thông tin và Truyền thông, cho rằng nếu chỉ thu được thuế của doanh nghiệp trong nước nhưng không thu được của doanh nghiệp xuyên biên giới thì lại thành tình trạng "bảo hộ ngược". Có nghĩa, doanh nghiệp trong nước phải chịu nhiều quy định bất công so với doanh nghiệp xuyên biên giới như Google, Facebook.
Tổng Cục Thuế thừa nhận điểm khó trong công tác thu thuế là các doanh nghiệp này hoạt động xuyên quốc gia và không đăng ký kinh doanh cũng như không có văn phòng đại diện chính thức tại Việt Nam. Ông Lưu Đức Huy, Vụ trưởng Vụ Chính sách - Tổng Cục Thuế, đề xuất giải pháp bổ sung quy định cho phép các nhà cung cấp nước ngoài không có cơ sở thường trú ở Việt Nam nhưng có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử phải có nghĩa vụ đăng ký, kê khai và nộp thuế tại Việt Nam.