Facebook và Google đang tuân thủ pháp luật Việt Nam thế nào?
Chuẩn bị kỳ họp thứ 7 của Quốc hội bắt đầu từ 20/5 tới đây, Chính phủ vừa gửi đến Quốc hội báo cáo tổng hợp việc thực hiện các nghị quyết về hoạt động chất vấn.
Đấu tranh yêu cầu Facebook tuân thủ pháp luật
Trong lĩnh vực thông tin, viễn thông, báo cáo cho biết, Chính phủ chỉ đạo xây dựng kế hoạch thực hiện nhiệm vụ thu thập, phân tích và tổng hợp thông tin vi phạm trên mạng phục vụ công tác đàm phán, đấu tranh, ngăn chặn thông tin vi phạm trên mạng. Phối hợp với cơ quan chức năng xử lý nghiêm những trường hợp phát tán thông tin không đúng sự thật trên Internet.
Tính đến nay, cả nước đã có 436 trang mạng xã hội, gần 1500 trang thông tin điện tử tổng hợp được cấp phép, trong đó có 190 trang thông tin điện tử tổng hợp của các cơ quan báo chí, ngoài ra còn có khá nhiều các nhà cung cấp dịch vụ qua biên giới vào Việt Nam như Facebook, Google, Youtube. Đây được coi là một trong những nguồn dữ liệu cho báo chí khai thác, tìm hiểu, song cũng còn tồn tại một số mặt hạn chế như dư luận thời gian qua đã phản ánh, báo cáo nêu.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, người ký báo cáo cũng cho biết, thực hiện nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chuyên môn triển khai đồng bộ các biện pháp đấu tranh về an ninh chính trị, kinh tế, kỹ thuật để yêu cầu Facebook và Google phải tuân thủ nghiêm túc các quy định của pháp luật Việt Nam.
Như xử lý, ngăn chặn các nội dung, quảng cáo vi phạm pháp luật, mở văn phòng đại diện và lưu trữ dữ liệu cá nhân tại Việt Nam theo quy định của Luật An ninh mạng. Đến thời điểm hiện tại, Google đã ngăn chặn hơn 7000 video clip, gỡ nguyên 19 kênh có nội dung xấu độc trên mạng xã hội Youtube, đã gỡ 58/63 trò chơi vi phạm pháp luật Việt Nam trên kho ứng dụng Google Play.
Facebook đã gỡ bỏ 208/211 tài khoản giả mạo, 2444 link rao bán, quảng cáo các sản phẩm, dịch vụ bất hợp pháp, hơn 200 link bài viết có nội dung chống phá Đảng, Nhà nước, vi phạm pháp luật Việt Nam, gỡ bỏ 215 fanpage quảng cáo game cờ bạc. Apple đã gỡ bỏ 9/15 trò chơi điện tử vi phạm quy định pháp luật Việt Nam trên AppStore.
Kết quả tiếp theo là đã thiết lập nhóm công tác giữa Facebook và Bộ Thông tin và Truyền thông, cơ quan đầu mối (với sự tham gia của một số bộ, ngành có liên quan như Ngân hàng Nhà nước, Tổng cục Thuế, Bộ Công an) để trao đổi về các vấn đề còn tồn tại, trong đó sẽ tập trung 3 nhóm vấn đề chính: vi phạm về nội dung (bao gồm cả quảng cáo), phát triển kinh tế và thuế.
Liên quan đến vấn đề này, trong một báo cáo mới phát hành, Bộ Thông tin và Truyền thông nêu rõ, Facebook đang vi phạm pháp luật Việt Nam ở ba lĩnh vực lớn: quản lý nội dung thông tin, quảng cáo trên mạng bất hợp pháp và trách nhiệm thuế với Việt Nam.
Bộ cho biết đã có văn bản gửi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đề nghị cùng phối hợp rà soát và có biện pháp ngăn chặn với các hoạt động thanh toán cho những sản phẩm dịch vụ bất hợp pháp đối với các nền tảng xuyên biên giới, trong đó có Facebook.
Các cơ quan quản lý sẽ tiếp tục tập hợp các bằng chứng vi phạm, đấu tranh yêu cầu Facebook tuân thủ pháp luật, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết.
Xử lý triệt để hơn nữa tình trạng sim rác
Trong lĩnh vực viễn thông, theo báo cáo, để xử lý triệt để hơn nữa tình trạng sim rác, tin nhắn rác trong thời gian tới, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Thông tin và Truyền thông có văn bản chấn chỉnh các doanh nghiệp viễn thông di động về tình trạng mua bán sim kích hoạt sẵn thông tin thuê bao.
Nếu phát hiện sim của doanh nghiệp được bày bán trên thị trường kích hoạt sẵn thông tin thuê bao thì gửi văn bản nhắc nhở lãnh đạo doanh nghiệp, đến lần thứ ba sẽ gửi báo cáo Thủ tướng Chính phủ để xử lý vi phạm hành chính và không xem xét tặng các danh hiệu cho các doanh nghiệp vi phạm.
Bên cạnh các biện pháp răn đe, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã chỉ đạo và cùng phối hợp với các doanh nghiệp viễn thông xây dựng các giải pháp xử lý sim rác mang tính chất đồng bộ, triệt để.
Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã chỉ đạo Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam, các doanh nghiệp viễn thông phối hợp xây dựng và triển khai công nghệ tự động nhận dạng hình ảnh, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) hỗ trợ gia tăng tính chính xác trong việc đăng ký thông tin thuê bao, qua đó góp phần ngăn chặn sim rác, tin nhắn rác.
Để tăng cường tính pháp lý cho việc phòng, chống tin nhắn rác, thư rác, Chính phủ đang chỉ đạo xây nghị định thay thế nghị định số 90/2008/NĐ-CP ngày 13/ 8/ 2008 của Chính phủ về chống thư rác và nghị định số 77/2012/NĐ-CP ngày 5/10 /2012 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của nghị định số 90/2008/NĐ-CP ngày 13/ 8/2008 của Chính phủ về chống thư rác, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết.