EVN đề xuất cách giải tỏa công suất điện mặt trời tại Ninh Thuận
Theo báo cáo của Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN), trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận hiện có 41 dự án điện gió và điện mặt trời với tổng công suất 2.447 MW đã được phê duyệt qui hoạch.
Trong đó, tính đến 30/6/2019, đã có 18 nhà máy với tổng công suất 1.156 MW đưa vào vận hành. Các nhà máy này đấu nối chủ yếu qua đường dây 220 kV Tháp Chàm - Vĩnh Tân và đường dây 110 kV Tháp Chàm - Phan Rí.
Việc nhiều nhà máy điện mặt trời đi vào vận hành trong một thời gian ngắn, đã gây quá tải cho hệ thống lưới điện từ 110 kV - 500 kV. Nguyên nhân chính là do việc đầu tư các dự án lưới điện truyền tải không theo kịp với tiến độ xây dựng các nhà máy điện mặt trời.
Cụ thể, thời gian xây dựng một nhà máy điện mặt trời chỉ mất khoảng 6 tháng, trong khi để hoàn thành một dự án lưới điện truyền tải mất từ 3 - 5 năm.
EVN và các đơn vị trực thuộc đã triển khai các giải pháp để giải tỏa tối đa công suất của các nhà máy điện năng lượng tái tạo như đẩy nhanh tiến độ các dự án lưới điện, công khai, minh mạch mọi thông tin cho các chủ đầu tư, ứng dụng khoa học công nghệ vào công tác tính toán, phân bổ công suất...
Đồng thời báo cáo Chính phủ, Bộ Công Thương bổ sung các dự án lưới điện truyền tải vào qui hoạch để giải tỏa công suất các nhà máy điện năng lượng tái tạo.
Tuy nhiên, việc triển khai các dự án lưới điện vẫn còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là vướng mắc trong đền bù giải phóng mặt bằng,…
Do đó, để tháo gỡ khó khăn trong việc giải tỏa công suất điện mặt trời tại tỉnh Ninh Thuận, EVN đề xuất lắp đặt tạm hai trạm biến áp 220 kV tại Vĩnh Tân và Phước Thái, dự kiến hoàn thành trong quí II/2020.
Các trạm này sẽ cơ bản giải tỏa hết công suất cho những nhà máy điện mặt trời được đưa vào vận hành trước ngày 30/6/2019.
Để đáp ứng tiến độ trên, EVN đề xuất các chủ đầu tư nhà máy điện năng lượng đầu tư lắp đặt trạm, sau khi hoàn thành cho EVN sẽ thuê vận hành.