|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

EVN cảnh báo nguy cơ thiếu điện, không còn công suất dự phòng

14:16 | 23/05/2023
Chia sẻ
Để đảm bảo cung ứng điện, EVN đã phải huy động các nguồn nhiệt điện chạy dầu DO+F. Hệ thống điện đã không còn công suất dự phòng.

Thông tin tại hội nghị tiết kiệm điện của Bộ Công thương chiều 21.5, ông Trần Đình Nhân, Tổng giám đốc EVN, cho biết đến 21/5, số hồ thủy điện đã về mực nước chết hoặc xấp xỉ mực nước chết tiếp tục tăng so với ngày 11.5, theo báo Thanh Niên.

Tại miền Bắc, 12/12 hồ thủy điện lớn có lưu lượng nước về hồ rất kém. 17/47 hồ thủy điện lớn có mực nước đã về mực nước chết hoặc gần mực nước chết, tần suất nước về nhiều hồ thấp nhất trong nhiều năm qua.

Trong tháng 4 và tháng 5, nước về các hồ thủy điện chỉ đạt dưới 50% trung bình nhiều năm (TBNN), một số hồ chỉ đạt 20% so với TBNN, gây thiếu hụt nguồn nước nghiêm trọng cho các hồ thủy điện, nhiều nhà máy thuỷ điện tiếp tục bị suy giảm công suất do mực nước thấp.

Theo EVN, trong ngày 19.5, phụ tải toàn hệ thống điện quốc gia đã tăng lên mức kỷ lục mới, xấp xỉ 924 triệu kWh/ngày, cao nhất từ đầu năm đến nay và tăng 10,5% so với cùng kỳ tháng 5.2022; công suất tiêu thụ cực đại đạt 44.600 MW, cao nhất từ đầu năm đến nay và tăng 8,5% so với cùng kỳ tháng 5.2022. 

Tính đến ngày 21.5, sản lượng còn lại trong hồ toàn hệ thống là 2,911 tỉ kWh, thấp hơn 1,726 tỉ kWh so với kế hoạch năm. Trong đó, miền Bắc thấp hơn 1,033 tỉ kWh, miền Trung thấp hơn 435,6 triệu kWh, miền Nam thấp hơn 258 triệu kWh.

Để đảm bảo cung ứng điện, EVN đã phải huy động các nguồn nhiệt điện chạy dầu DO+F. Hệ thống điện đã không còn công suất dự phòng.

Hiện, EVN đã đề nghị Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) và Tổng công ty Đông Bắc cung cấp than theo đúng hợp đồng ký kết, tìm kiếm giải pháp để bổ sung lượng than cấp cho sản xuất điện. 

Ngoài ra, EVN đề nghị Chủ đầu tư dự án Nhà máy nhiệt điện (NMNĐ) BOT Duyên Hải 2 là Công ty TNHH Janakuasa Việt Nam (JVL) và Tổng thầu EPC dự án là China Huadian Engineering cho tập đoàn vay lô than 100.000 tấn. Số than này sẽ sử dụng cho NMNĐ Duyên Hải 3 (thuộc Tổng công ty Phát điện 1) để sản xuất điện, với mục tiêu đảm bảo cung ứng điện trong tình hình cấp bách hiện nay.

Bên cạnh đó, EVN đã đàm phán và ký kết các hợp đồng mua bán điện với NMNĐ Thái Bình 2, Nhà máy thủy điện (NMTĐ) Sông Lô 7, NMTĐ Nậm Củm 3, Nhà máy điện BOT Vân Phong 1 để bổ sung nguồn điện cho hệ thống. 

Ở khu vực phía nam, các nhà máy điện chạy dầu (nguồn điện có chi phí cao) đã phải tái khởi động để đảm bảo cung ứng điện. Trong đó, nhà máy điện chạy dầu tại Thủ Đức, Ô Môn, Cần Thơ, Cà Mau đã hoạt động và phát lên lưới sản lượng lớn.

Mới đây, EVN đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương các giải pháp đảm bảo cung cấp điện, trong đó đề xuất phát triển các nguồn điện mặt trời mái nhà tại miền Bắc với mục đích tự dùng cho nhu cầu sử dụng tại chỗ (không phát điện lên lưới - zero export) của khách hàng sử dụng điện.

EVN đề nghị Bộ Công Thương sớm ban hành hướng dẫn phát triển điện mặt trời mái nhà không phát lên lưới (zero export) để triển khai thực hiện.

H.Mĩ

SSI Research dự báo VN-Index vươn mình trong 2025, đầu tư công là nhóm ngành tâm điểm
SSI Research dự phóng tăng trưởng lợi nhuận năm 2025 đạt 16,4%, cải thiện từ mức 13,2% của năm 2024. Chủ đề đầu tư năm nay xoay quanh một số nhóm ngành như xây dựng, vật liệu xây dựng, bất động sản nhà ở, công nghệ thông tin, bán lẻ.