|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Evergrande chật vật thanh lý mảng xe điện

14:48 | 06/08/2024
Chia sẻ
Công ty xe điện của tập đoàn Evergrande khó khăn trong việc thanh lý tài sản, tìm đối tác tiềm năng mua lại.

Nikkei Asia đưa tin, cách đây hai tháng, Evergrande New Energy Vehicle Group đã tiết lộ đang đàm phán với một đối tác tiềm năng. Tuy nhiên, tình hình hiện tại không mấy khả quan khi các đơn vị thuộc công ty này đang đối mặt với nguy cơ phá sản, khiến thương vụ mua bán trở nên bấp bênh.

Hai công ty con của Evergrande New Energy Vehicle Group tại Trung Quốc đại lục đã chính thức nộp đơn xin phá sản và tái cơ cấu ngày 5/8, sau khi tòa án thụ lý đơn của các chủ nợ cá nhân vào cuối tuần trước.

Trong một diễn biến khác, vào cuối ngày 5/8, những người thanh lý tài sản của Evergrande thông báo họ đang tìm cách thu hồi hàng tỷ đô la từ các giám đốc điều hành của tập đoàn, bao gồm cả nhà sáng lập Hui Ka Yan. Động thái này, cùng với tương lai mờ mịt của thương vụ bán công ty xe điện, cho thấy những khó khăn trong việc thu hồi tài sản từ Evergrande.

Xe thử nghiệm Evergrande New Energy Vehicle đậu bên ngoài trung tâm nghiên cứu ở Thượng Hải vào tháng 10/2021. (Ảnh: Reuters).

Chỉ hai ngày trước khi nộp đơn xin phá sản vào cuối tháng 7, Evergrande New Energy Vehicle Group vẫn cho biết các cuộc đàm phán với đối tác tiềm năng (giấu tên) đang diễn ra, nhưng chưa có thỏa thuận nào được ký kết.

Luật sư Lance Jiang, chuyên gia về tái cơ cấu tại Hong Kong, nhận định: "Bất kỳ người mua tiềm năng nào cũng cần thận trọng trong việc xử lý các chủ nợ của các đơn vị tại đại lục, không chỉ riêng công ty mẹ ở nước ngoài." 

Ông cho rằng tòa án đại lục thậm chí có thể chỉ định một nhà đầu tư chiến lược để tiếp quản các đơn vị trong nước, qua đó loại bỏ hoàn toàn vai trò của New Energy Vehicle Group đang niêm yết tại Hong Kong.

Tháng 5 vừa qua, những người thanh lý đại diện cho Evergrande, Evergrande Health Industry Holdings và Acelin Global (cùng nắm giữ khoảng 58,5% cổ phần của công ty xe điện) đã tham gia đàm phán với đối tác tiềm năng. 

Theo đề xuất, đối tác này sẽ cung cấp một khoản tín dụng để hỗ trợ hoạt động sản xuất xe điện đang gặp khó khăn do thiếu vốn nghiêm trọng. Tính đến cuối tháng 6/2022, Evergrande nắm giữ hơn 50% cổ phần của New Energy Vehicle Group. Thẩm phán đã xác định công ty xe điện là một trong những tài sản quan trọng của Evergrande.

Tuy nhiên, một nguồn tin thân cận với quá trình tái cơ cấu của Evergrande cho biết việc hai công ty con tại Trung Quốc đại lục nộp đơn xin phá sản đã tước đi quyền kiểm soát của Evergrande đối với công ty xe điện này.

"Nếu các tài sản bị thanh lý là tài sản cốt lõi, chắc chắn điều này sẽ làm các nhà đầu tư e ngại và ảnh hưởng đến tiến độ thương vụ", nguồn tin thân cận với Evergrande New Energy chia sẻ với điều kiện giấu tên.

Trong thông báo về việc nộp đơn xin phá sản hồi tháng 7, Evergrande New Energy đã cảnh báo rằng động thái của tòa án "ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất và kinh doanh".

Cổ phiếu của Evergrande New Energy niêm yết tại Hong Kong đã giảm 7,94%, xuống còn 0,29 đô la Hong Kong vào ngày 5/8, trong bối cảnh thị trường châu Á ảm đạm. Đà giảm tiếp tục kéo dài sang 6/8.

Tập đoàn bất động sản đang gánh khoản nợ khổng lồ hơn 300 tỷ USD. Bốn tháng sau khi có lệnh thanh lý, những người thanh lý của Evergrande cho biết họ mới chỉ thu hồi được một lượng tài sản "khiêm tốn”.

Trong một hồ sơ nộp vào cuối ngày 5/8, những người thanh lý tiết lộ họ đang tìm cách thu hồi khoảng 6 tỷ USD tiền cổ tức và thù lao mà công ty đã trả cho nhà sáng lập Hui Ka Yan, cựu CEO Pan Darong, cựu CFO Xia Haijun, vợ cũ của Hui là Ding Yumei, và ba tổ chức có liên quan đến Hui và Ding.

Tuy nhiên, họ cũng lưu ý rằng "vụ kiện vẫn đang diễn ra và chưa thể xác định liệu có thành công hay không, cũng như số tiền cuối cùng có thể thu hồi được là bao nhiêu".

Nikkei Asia trước đó đưa tin rằng những người thanh lý cũng đang tìm cách bán Evergrande Futures (Hong Kong) và Evergrande Securities (Hong Kong), với vốn điều lệ lần lượt là 15 triệu đô la Hong Kong (1,9 triệu USD) và 365 triệu đô la Hong Kong.

Evergrande trước đó đã không thể hoàn tất kế hoạch bán 27,5% cổ phần của tập đoàn xe điện với giá 3,88 tỷ đô la Hong Kong cho NWTN, một công ty niêm yết trên Nasdaq do doanh nhân Trung Quốc Alan Nan Wu sáng lập.

Trong bối cảnh khủng hoảng bất động sản kéo dài tại Trung Quốc, việc thu hồi tài sản là một thách thức lớn đối với các chủ nợ nước ngoài của các nhà phát triển bất động sản đang bị giải thể tại Hong Kong. Đưa các nhà phát triển ra tòa là lựa chọn duy nhất để gây sức ép, nhưng một khi công ty bị giải thể, triển vọng thu hồi vốn sẽ rất hạn chế.

Về các đơn vị con của công ty xe điện, nguồn tin giấu tên cho biết quyền của các cổ đông sẽ bị xóa bỏ nếu tài sản bước vào giai đoạn phá sản và thanh lý. Tài sản thu hồi được ở đại lục sẽ được ưu tiên sử dụng để trả nợ thuế và các chủ nợ, phần còn lại (nếu có) mới được chia cho các cổ đông.

Những người thanh lý vẫn có thể tham gia quá trình thu hồi tài sản với tư cách chủ nợ của đơn vị xe điện, nhưng việc chứng minh các khoản phải trả sẽ mất rất nhiều thời gian, nguồn tin cho biết thêm.

"Đây là kết quả tồi tệ nhất, nhưng chúng tôi không thể làm gì khác", ông nói.

Đức Huy