|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

EU tìm cách điều phối chiến lược khí đốt để đối phó với nguồn cung từ Nga bị cắt

12:27 | 03/05/2022
Chia sẻ
Các bộ trưởng của Liên minh châu Âu đã xem xét tình hình chuẩn bị của EU cho các khoản cắt giảm tiềm năng mới của Nga và về bối cảnh thị trường khí đốt vốn đã khó khăn.

 Bơm xăng cho các phương tiện tại trạm xăng ở Lubieszyn, miền Tây Bắc Ba Lan. (Ảnh: TTXVN).

Các Bộ trưởng Năng lượng của Liên minh châu Âu (EU) đang điều phối chiến lược khí đốt của họ để đối phó với khả năng bị cắt giảm nguồn cung từ Nga.

Theo phóng viên TTXVN tại Bỉ, tại phiên họp bất thường Bộ trưởng Năng lượng EU hôm 2/5 ở Brussels được triệu tập sau khi Nga đột ngột dừng cung cấp khí đốt cho Ba Lan và Bulgaria theo quyết định của Nga vào tuần trước, các Bộ trưởng đã xem xét tình hình chuẩn bị của EU cho các khoản cắt giảm tiềm năng mới của Nga và về bối cảnh thị trường khí đốt vốn đã khó khăn.

Cho đến nay, Đức đã hỗ trợ Ba Lan và Hy Lạp giúp ước láng giềng Bulgaria về khí đốt, nhưng EU phải tiếp tục tính đến các biện pháp hệ thống hơn để giảm sự phụ thuộc của họ vào khí đốt của Nga. Do đó, EU đã xem xét việc lưu trữ để chuẩn bị cho mùa Đông sắp tới.

Theo Bộ trưởng Năng lượng Ba Lan, lượng dự trữ của quốc gia này sẽ ở mức 100% công suất cho mùa Đông năm nay. Còn Ủy viên Năng lượng châu Âu Kadri Simson cho biết mức lấp đầy trung bình hiện là 32%.

Các Bộ trưởng cũng đang tính đến một nền tảng mua hàng theo nhóm ở cấp độ châu Âu, để có được mức giá có lợi, đồng thời tái khẳng định các công ty năng lượng châu Âu phải thanh toán các giao dịch mua hàng bằng đơn vị tiền tệ được cung cấp trong các hợp đồng ban đầu với Gazprom, mà không cần mở tài khoản bằng đồng ruble với ngân hàng Nga như Nga đã yêu cầu.

EC đang chuẩn bị các hướng dẫn cụ thể về việc thanh toán. Bên cạnh đó, các quốc gia EU cũng muốn đa dạng hóa nguồn cung của châu Âu. Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel tới Hy Lạp hôm 3/5 theo lời mời của Thủ tướng nước này Kyriákos Mitsotakis để dự lễ khánh thành địa điểm xây dựng nhà ga khí đốt tự nhiên hóa lỏng nổi ở Alexandroupolis, một cơ sở hạ tầng mang lại lợi ích cho toàn bộ khu vực.

Bước tiếp theo trong chiến lược năng lượng liên quan đến các biện pháp trừng phạt mới chống lại Nga. Gói biện pháp mới sẽ được đưa ra trong tuần này. Các Đại sứ của 27 quốc gia EU đã lên kế hoạch gặp nhau hôm 4 và 6/5 để bàn về gói biện pháp thứ 6 trừng phạt Nga bao gồm dầu mỏ nhằm giảm dần nhập khẩu dầu từ Nga, với mục tiêu ngừng hoàn toàn việc mua vào cuối năm nay.

Cho đến nay, EU mới chỉ giải quyết vấn đề nhập khẩu than của Nga trong lĩnh vực năng lượng với một lệnh cấm vận được bắt đầu vào mùa Hè này. Gần đây, Đức đã kìm lại các biện pháp trừng phạt dầu mỏ do lo ngại cho ngành công nghiệp và nền kinh tế của nước này nói chung.

Đức hiện đã nâng dự trữ của mình, sau khi cắt giảm 2/3 thị phần dầu mỏ của Nga trong tổng nhập khẩu vàng đen của nước này kể từ tháng Hai. Bộ trưởng Kinh tế Đức, Robert Habeck, cho biết Đức không chống lại lệnh trừng phạt Nga và đó là một gánh nặng phải chịu, nhưng vẫn sẽ sẵn sàng làm điều đó.

Các đề xuất mới của Ủy ban châu Âu (EC) sẽ bao gồm các điều chỉnh đối với các quốc gia thành viên không giáp biển nhất, chẳng hạn như Hungary và Slovakia, mà việc tìm nguồn thay thế năng lượng khó khăn hơn. Hungayry dọa sẽ phủ quyết việc trả đũa hơn nữa nếu các biện pháp quá quyết liệt đối với nước này.

Hiện EU đang tăng cường đối thoại với Ấn Độ để quốc gia này không tăng mua dầu của Nga. Sau khi Chủ tịch EC Ursula von der Leyen thăm Ấn Độ 10 ngày trước để khởi động một diễn đàn hợp tác mới, Đức, nước chủ trì Hội nghị G7 năm nay, có khả năng sẽ mời Thủ tướng Ấn Độ Morendra Modi tham dự một cuộc họp G7 sẽ được tổ chức vào cuối tháng Sáu tại lâu đài Elmau ở dãy núi Alps thuộc bang Bavarian.

Hương Giang

VDSC: Dự trữ ngoại hối đã hao hụt đáng kể trong năm 2024
Các chuyên gia phân tích của VDSC cho rằng bộ đệm để ứng phó với áp lực tỷ giá là dự trữ ngoại hối đã hao hụt đáng kể trong năm 2024, ước tính khoảng 8-10 tỷ USD. Điều này khiến cho tỷ giá dễ biến động khi có áp lực về luồng ngoại tệ rút ra.