EU khởi động đánh thuế carbon đáp trả các mức thuế mới của Mỹ
Khói bốc lên từ một cơ sở lọc dầu. Ảnh: AFP/ TTXVN
Ủy viên phụ trách vấn đề kinh tế và thuế của Liên minh châu Âu (EU) Paolo Gentiloni ngày 3/10 cho biết Ủy ban châu Âu (EC) sẽ nhanh chóng khởi động việc đánh thuế các công ty nước ngoài gây ô nhiễm, trong một động thái được dự báo là sẽ tác động tới các công ty của Mỹ và làm gia tăng tranh cãi thương mại giữa Mỹ với EU.
Phát biểu trước các nghị sĩ EU, ông Gentiloni cho biết EC sẽ lập tức bắt đầu nghiên cứu để đảm bảo rằng thuế mới sẽ không vi phạm các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Theo ông, thuế là biện pháp để bảo vệ các công ty châu Âu khỏi các đối thủ cạnh tranh ở các nước khác, nơi các cơ chế bảo vệ môi trường không được thực thi nghiêm ngặt. Trước đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã rút Mỹ khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, một thỏa thuận toàn cầu nhằm giảm khí thải carbon.
Bình luận của Uỷ viên châu Âu Paolo Gentiloni được đưa ra một ngày sau khi Mỹ cảnh báo từ ngày 8/10 tới sẽ áp thuế 10% đối với các loại máy bay Airbus sản xuất tại châu Âu, và mức thuế 25% đối với rượu vang Pháp, rượu whisky của Scotland và Ireland, cũng như các loại pho mát trên toàn châu lục.
Trước đó, WTO đã "bật đèn xanh" cho Mỹ áp thuế đối với hàng hóa của EU trị giá 7,5 tỷ USD nhằm trả đũa việc khối này đã trợ giá cho hãng sản xuất máy bay Airbus một cách trái luật.
Trong một diễn biến liên quan cùng ngày, Hiệp hội Nông nghiệp Tây Ban Nha (COAG) cho biết việc Mỹ áp thuế với các sản phẩm của EU sẽ ảnh hưởng tới khoảng 1 tỷ euro (tương đương 1,10 tỷ USD) sản phẩm nông nghiệp của quốc gia này mỗi năm.
Tổng Thư ký COAG, ông Miguel Blanco nhận định: "Hoàn toàn bất công và phi lý khi những người nông dân phải trả giá cho một cuộc tranh cãi thương mại (về trợ giá máy bay) với EU, vốn chẳng liên quan gì tới nông thôn Tây Ban Nha".
Mỹ là thị trường xuất khẩu nông nghiệp lớn nhất ngoài EU của Tây Ban Nha, như rượu vang, dầu, phomai và ôliu - tất cả mặt hàng này có thể bị ảnh hưởng bởi các khoản thuế của Mỹ.
Tương tự, Hiệp hội Nông dân Italy cũng cho biết các mức thuế của Mỹ sẽ ảnh hưởng tới 500 triệu euro/năm đối với hàng hóa xuất khẩu của nước này.
Trong phản ứng của mình, Anh cho biết đang yêu cầu WTO xác nhận rằng họ tuân thủ các quy định của WTO và không thể bị áp các mức thuế của Mỹ. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Anh cho biết: "Sử dụng đến các mức thuế không có lợi cho Anh, EU hay Mỹ.
Nước Anh, thông qua EU, đang đề nghị WTO xác nhận rằng chúng tôi tuân thủ đầy đủ các quy định của WTO liên quan đến tranh cãi trợ cấp cho Airbus, vì vậy (nước Anh) không thể là mục tiêu đánh thuế".
Trước đó, Bộ Ngoại giao Pháp cũng tuyên bố Pháp và các đối tác của nước này ở châu Âu sẽ đáp trả cứng rắn nếu Mỹ xúc tiến áp đặt trừng phạt bằng các biện pháp thuế quan.