|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

EU gặp khó khi xử lý tài sản của giới tỷ phú Nga: Không biết phải tịch thu hay đóng băng

08:37 | 27/03/2022
Chia sẻ
Trái với hàng loạt thông báo tịch thu tài sản của giới tỷ phú Nga, các quốc gia EU thực tế chỉ mới đóng băng một phần rất nhỏ tài sản của những người này.

 

Trên thực tế, khối tài sản của giới tài phiệt Nga phần lớn không bị ảnh hưởng ở EU, vài tuần sau khi Brussels thông qua các biện pháp đóng băng tài sản của hàng chục tỷ phú và các quan chức có liên hệ với Nga, theo Reuters.

Kể từ ngày 24/2, EU đã liên tục đưa ra các biện pháp trừng phạt mới đối với Nga. Cụ thể, có khoảng gần 700 chính trị gia, doanh nhân và các quan chức, bao gồm 42 người siêu giàu như chủ sở hữu câu lạc bộ bóng đá Chelsea, Roman Abramovich và ông trùm ngân hàng Mikhail Fridman đã có tên trong các lệnh trừng phạt.

Những cái tên có mặt trong các lệnh trừng phạt đồng nghĩa với việc tài khoản của họ tại EU sẽ bị đóng băng, nhưng cho đến nay chỉ một phần nhỏ số tiền của họ bị ảnh hưởng do các ràng buộc pháp lý, theo các quan chức EU.

 Siêu du thuyền của một tỷ phú Nga. (Ảnh: Reuters).

Đức, nền kinh tế lớn nhất EU, đã từ chối cung cấp thông tin chi tiết về các tài khoản bị đóng băng. Quốc gia này đã thành lập một lực lượng đặc nhiệm vào tuần trước để thực thi các lệnh trừng phạt. Bộ Tài chính Đức cho biết sẽ cập nhật thêm tình hình trong những tuần tới.

Áo và Ireland cũng từ chối trả lời rằng liệu họ có đóng băng bất kỳ tài sản nào hay không. Điều tương tự cũng đến với Síp và Malta, những quốc gia trong những năm gần đây đều cấp "hộ chiếu vàng" cho các cá nhân giàu có, bao gồm cả giới tài phiệt Nga.

Ngược lại, một số quốc gia khác đã báo cáo việc đóng băng tài sản, nhưng khẳng định mới chỉ có một lượng nhỏ tài sản của giới tài phiệt Nga bị đóng băng, phần còn lại không chịu nhiều ảnh hưởng.

Ví dụ, Bộ Tài chính Hà Lan cho biết họ đã đóng băng khoảng 390 triệu euro (428 triệu USD) các giao dịch và tiền gửi tài chính của giới tài phiệt Nga. Theo ước tính của chính phủ, con số này chỉ chiếm khoảng 1% khối tài sản của các cá nhân bị trừng phạt ở Hà Lan và ở các trung tâm nước ngoài liên kết với quốc gia này.

Italy, một trong những quốc gia hoạt động tích cực nhất trong việc thu giữ tài sản của các tỷ phú Nga, cho biết tới thời điểm hiện tại, khối tài sản của những nhà tài phiệt này phần lớn chưa bị ảnh hưởng bởi hầu hết chúng được cất giữ trong tài khoản ngân hàng của các bên thứ ba hoặc trong các quỹ tín thác không có chủ sở hữu rõ ràng về mặt pháp lý, theo người đứng đầu cơ quan thuế quốc gia này.

Trong khi đó, các nhà chức trách Tây Ban Nha cho biết họ cũng không đóng băng bất kỳ tài khoản ngân hàng nào của giới nhà giàu Nga, nhưng đã tạm giữ ít nhất ba du thuyền có liên quan tới những người này.

Nước láng giềng Bồ Đào Nha thậm chí chỉ chặn một tài khoản thuộc sở hữu của một cá nhân bị trừng phạt, với chỉ 242 euro được gửi vào đó, theo một số nguồn tin thân cận.

Bỉ dường như là quốc gia EU thành công nhất cho đến nay. Bộ tài chính nước này cho biết đã đóng băng khoảng 2,7 tỷ euro trong tài khoản ngân hàng và 7,3 tỷ euro giao dịch, nhưng chưa xác định bất kỳ tài sản nào khác thuộc có liên quan tới giới tài phiệt Nga.

Hai tỷ phú Roman Abramovich và Mikhail Fridman hiện chưa đưa ra bình luận. Ông Fridman trước đây đã mô tả các biện pháp trừng phạt chống lại ông trong nỗ lực nhắm vào Nga là "giả mạo và vô căn cứ."

Mỹ, quốc gia đã áp đặt các biện pháp trừng phạt tương tự đối với Nga, cũng đang gặp khó khăn trong việc đóng băng tài sản giữa những rào cản pháp lý. Các nhà tài phiệt Nga được cho là nắm giữ phần lớn tài sản của họ bên ngoài EU và Mỹ, bao gồm cả ở các khu vực pháp lý nước ngoài, Anh, Thụy Sĩ và Vùng Vịnh.

Ngày 24/3, Thụy Sĩ cho biết họ đã phong tỏa 6,2 tỷ USD tài sản bị trừng phạt của giới tài phiệt Nga. Cơ quan vận động hành lang ngân hàng ước tính các ngân hàng Thụy Sĩ nắm giữ khối lên tới 213 tỷ USD của những tỷ phú xứ Bạch Dương.

Có thể đóng băng nhưng rất khó để tịch thu

Ngay cả khi áp dụng toàn bộ thì các lệnh trừng phạt từ phía EU cũng khó lòng đi xa hơn việc đóng băng tài sản.

Ở hầu hết quốc gia, điều này có nghĩa là tài sản không thể được bán, nhưng vẫn có thể được sử dụng. Về lý thuyết, một nhà tài phiệt Nga vẫn có thể sống trong một biệt thự bị "đóng băng".

Bất chấp có lực lượng "đóng băng và thu giữ" của Ủy ban châu Âu (EC), việc tịch thu hay nhà nước nắm quyền kiểm soát một tài sản và thậm chí thu lợi từ việc bán nó, không phải chuyện đơn giản.

"Ở các quốc gia thành viên, điều này là không thể và cần phải kết án hình sự để tịch thu tài sản", theo người đại diện EC.

Ba Lan là một trong những nước ủng hộ các lệnh trừng phạt nhất, nhưng theo người phát ngôn chính phủ Piotr Muller, việc tịch thu tài sản đòi hỏi phải thay đổi hiến pháp.

Bộ Tài chính Pháp cho biết đã phong tỏa khoảng 850 triệu euro tài sản của các cá nhân trong danh sách trừng phạt, bao gồm bất động sản và du thuyền. Tuy nhiên, các tài sản vật lý vẫn được chủ sở hữu sử dụng.

Italy, quốc gia có một số luật pháp chặt chẽ nhất trong số các nước EU để tịch thu tài sản của tội phạm, cũng đang ngừng việc giữ du thuyền và biệt thự của các cá nhân vị trừng phạt.

 

 

Quốc Anh

Margin tiếp tục lập đỉnh mới, thêm hai CTCK có dư nợ vượt 20.000 tỷ đồng
Dư nợ magin ngành chứng khoán lập đỉnh mới trong 2024. Riêng Top 10 công ty chứng khoán lớn nhất ghi nhận đến 9 đơn vị vượt đỉnh cho vay trong quý cuối năm. TCBS, SSI và HSC đang là ba đơn vị đang dẫn đầu về cho vay margin.