|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

ECB sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất vào tháng 6 tới?

13:26 | 14/04/2024
Chia sẻ
Chủ tịch ECB, Christine Lagarde, khẳng định rằng việc cắt giảm lãi suất có thể sớm xảy ra nếu lạm phát tiếp tục đi xuống.

Trụ sở Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) ở Frankfurt am Main, Đức. (Ảnh: AFP/TTXVN).

Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), ngày 11/4, đã quyết định duy trì lãi suất cơ bản từ 4 - 4,75%. Động thái này không gây bất ngờ cho nhà quan sát hay các thị trường. Tuy nhiên, Chủ tịch ECB, Christine Lagarde, khẳng định rằng việc cắt giảm lãi suất có thể sớm xảy ra nếu lạm phát tiếp tục đi xuống.

Khi kết thúc cuộc họp thường kỳ vào tháng 4, ECB đã công bố giữ nguyên tỷ lệ lãi suất ở mức cao nhất kể từ năm 1999. Cần nhắc lại rằng sau khi nâng lãi suất lên mức kỷ lục 4%, ECB đã quyết định giữ nguyên trạng kể từ tháng 10/2023.

Do đó, lãi suất tiền gửi vẫn ở mức 4% trong khi lãi suất tái cấp vốn và lãi suất cơ sở cho vay cận biên lần lượt ở mức 4,50% và 4,75%.

Đây chính là chiến lược thắt chặt các điều kiện tiền tệ nhằm đưa lạm phát ở Khu vực đồng euro (Eurozone) trở lại dưới 2%, sau khi con số này đã leo lên mức kỷ lục hơn 10% vào mùa Thu năm 2022.

Tại cuộc họp ngày 11/4, bà Lagarde tái khẳng định rằng “lãi suất cơ bản của ECB đang ở mức góp phần đáng kể vào quá trình giảm phát đang diễn ra”. Do đó ở giai đoạn này, tổ chức giám hộ đồng euro không muốn đẩy nhanh việc nới lỏng lãi suất. Trên thực tế, mặc dù lạm phát đã giảm xuống 2,4% trong tháng Ba tại Eurozone nhưng vẫn còn cách xa mục tiêu của ECB.

Tuy nhiên, Chủ tịch Lagarde vẫn để ngỏ khả năng sẽ có một đợt giảm lãi suất đầu tiên, có thể trong vòng vài tháng nữa tùy theo quỹ đạo giá cả. Thậm chí bà còn tiết lộ khả năng thời điểm đó là tháng 6 và “sẽ có thêm thông tin” trong thời gian tới. Phát biểu của bà Lagarde đã xác nhận dự đoán của nhiều nhà phân tích cho rằng đợt giảm lãi suất đầu tiên của ECB sẽ diễn ra trong tháng 6.

“Lạm phát tiếp tục giảm do giá thực phẩm và hàng hóa giảm”, ECB khẳng định trong thông cáo báo chí.

Đầu tháng 3, ngân hàng trung ương châu Âu đã thông báo hành động dựa vào dự báo giá cả chỉ tăng 2,3% vào năm 2024 (so với mức 2,7% dự báo trước đó) và sau đó là mức 2,0% vào năm 2025.

Theo ECB, tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tại Eurozone sẽ đạt 0,6% trong năm 2024, thấp hơn một chút so với dự báo 0,8% được đưa ra vào tháng 12/2023. Trong nhận định ngày 11/4, bà Lagarde nhấn mạnh: “Nền kinh tế vẫn còn mong manh”.

Tình hình kinh tế ảm đạm của “lục địa già”, bị ảnh hưởng bởi lãi suất cao, đã thúc đẩy Chủ tịch ECB phải thay đổi quan điểm. Tại hội nghị diễn ra hồi đầu tháng 3, mặc dù khẳng định “chúng ta vẫn đang đi đúng hướng tới mục tiêu lạm phát”, nhưng bà Lagarde vẫn thừa nhận “không đủ tự tin” đối với triển vọng đạt mục tiêu dài hạn.

Ngày 20/3, bà Lagarde đã nói rằng: “Chúng ta không thể đợi cho đến khi có tất cả thông tin liên quan” vì làm như vậy “chúng ta sẽ có nguy cơ điều chỉnh chính sách của mình quá muộn”.

Các phát biểu này gợi nhắc đến nhận định của Thống đốc Ngân hàng Pháp François Villeroy de Galhau, người đã cho rằng đợt cắt giảm lãi suất đầu tiên tại khu vực đồng tiền chung “có thể xảy ra vào mùa xuân”. Tuy nhiên, vị quan chức này cũng chỉ rõ rằng “ở châu Âu cũng như một số nơi khác, mùa xuân là mùa kéo dài từ tháng 4 đến ngày 21/6”.

Bất chấp các tín hiệu được phát ra, rất khó để các thị trường có thể tin tưởng vào một kết quả chắc chắn và thống nhất. Ngày 22/3, chủ tịch Ngân hàng Liên bang Đức Joachim Nagel, người luôn ủng hộ việc thắt chặt chính sách tiền tệ, thừa nhận khả năng giảm lãi suất sắp tới có thể xảy ra, nhưng chưa thể xác định được thời điểm.

“Điều này liệu có dẫn đến một chuỗi cắt giảm lãi suất? Tôi không thấy câu chuyện sẽ tự động diễn ra như vậy. Điều này không có nghĩa là tại cuộc họp tiếp theo chắc chắn sẽ có thông tin về có một đợt cắt giảm lãi suất khác”, vị quan chức của Đức phát biểu trong một hội nghị trực tuyến.

Các thành viên khác của ECB cũng tỏ ra rất thận trọng. Bà Isabel Schnabel, thành viên hội đồng quản trị ECB, cảnh báo trong một bài phát biểu tại Florence (Italy) hồi tháng 2: “Chính sách tiền tệ (của ECB) phải tiếp tục được thắt chặt và không được điều chỉnh sớm các mức lãi suất”.

Theo đánh giá của bà Schnabel, “tăng trưởng năng suất, vẫn còn yếu hoặc thậm chí gần đây còn ở mức âm, đang làm trầm trọng thêm tác động của quá trình tăng tiền lương danh nghĩa đối với chi phí lao động của các doanh nghiệp”. Kết quả là “điều này sẽ làm tăng nguy cơ các doanh nghiệp chuyển chi phí tiền lương cao hơn sang người tiêu dùng, cản trở các nỗ lực đưa lạm phát trở lại mục tiêu 2%” của ECB.

Bất chấp những cảnh báo đã được đưa ra, nhiều nhà phân tích vẫn rất lạc quan về nhịp độ cắt giảm lãi suất của ECB. Chuyên gia Frederik Ducrozet, Giám đốc nghiên cứu kinh tế tại Viện Tài chính Pictet AM, cho biết trong một ghi chú: “Chúng tôi vẫn kỳ vọng sẽ có bốn đợt cắt giảm lãi suất trong năm nay, với tổng cộng 100 điểm cơ bản, đưa lãi suất cơ sở về mức 3% vào cuối năm nay”.

Nguyễn Tuyên