Đường đi 'trắc trở', du lịch miền Tây mãi chưa 'cất cánh'
Du khách tham quan Khu du lịch sinh thái rừng tràm Trà Sư do Tập đoàn Sao Mai khai thác - Ảnh: BỬU ĐẤU
Nhiều chuyên gia cho rằng muốn du lịch ĐBSCL "cất cánh", ngoài việc đầu tư hạ tầng kết nối, các địa phương và cả doanh nghiệp du lịch phải liên kết, xây dựng được những sản phẩm du lịch đặc trưng của từng địa phương, đa dạng hóa các dịch vụ du lịch...
Sản phẩm du lịch đơn điệu
Trong kỳ nghỉ lễ 2-9 vừa qua, anh Nguyễn Thanh Hùng (25 tuổi, TP.HCM) cùng nhóm bạn gồm 6 thành viên đã quyết định đi du lịch bằng xe máy tại Tiền Giang, Bến Tre để xả stress sau những ngày làm việc vất vả.
Nhưng vui vẻ đâu chưa thấy, chỉ với đoạn đường hơn 70km từ TP.HCM đến Tiền Giang, nhóm của anh Hùng phải mất đến 4 giờ thay vì khoảng 2 giờ như tính toán ban đầu. "Chúng tôi khởi hành lúc 13h nhưng đến gần 17h mới tới đây. Vừa gặp mưa vừa kẹt xe nên cả nhóm khá vất vả mới đến nơi" - anh Hùng nói.
Anh Nguyễn Thanh Bình - du khách đến từ Phú Nhuận (TP.HCM) - cho rằng cồn Thới Sơn (Tiền Giang) và cồn Phụng (Bến Tre) là hai điểm du lịch khá nổi tiếng ở vùng sông nước Cửu Long, nhưng dịch vụ trên hai điểm du lịch này bao năm qua vẫn không thay đổi nhiều.
Theo anh Bình, sau 5 năm quay lại các điểm du lịch này, anh thấy mọi thứ vẫn không thay đổi, vẫn là những dịch vụ cũ.
Nhiều du khách từng đặt chân đến vùng đất này đều có cùng nhận xét là các điểm du lịch tại các tỉnh ĐBSCL đều có những dịch vụ, trò chơi na ná nhau. "Chỉ cần đến một vài điểm du lịch là có thể biết những điểm du lịch khác có dịch vụ gì..." - chị Hoài Giang (Bình Thạnh, TP.HCM) cho biết.
Không khó để nhận thấy các điểm du lịch thường sao chép các dịch vụ, trò chơi ở những điểm khác nếu những dịch vụ hay trò chơi đó hút khách. "Điển hình như thời gian trước giới trẻ từng thích thú cảm giác được thử thách đi xe đạp qua cầu hẹp tại một điểm du lịch ở Bến Tre. Nhưng hiện nay hầu như đi điểm nào cũng có trò chơi này" - chị Giang nói.
Nhà đầu tư du lịch ngại rót vốn
Ông Phạm Thế Triều - phó giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh An Giang - cho biết địa phương này có thế mạnh về du lịch văn hóa tâm linh, sinh thái sông nước và danh lam thắng cảnh.
Trong đó, có 3 điểm nhấn quan trọng ở An Giang là Khu du lịch quốc gia Núi Sam, Núi Cấm và các khu du lịch sinh thái rừng tràm Trà Sư, đồi Tức Dụp và các điểm du lịch sinh thái nông nghiệp công nghệ cao.
Tuy nhiên, cái khó để phát triển những điểm này chính là giao thông. Toàn vùng cũng chưa có cảng biển nào xứng tầm để đón tàu du lịch nước ngoài cỡ lớn thu hút lượng khách quốc tế bằng đường thủy đến tham quan vùng. Trong khi tiềm năng loại hình du lịch bằng đường thủy ở ĐBSCL rất lớn mà chưa khai thác được.
Ngoài ra, loại hình du lịch sinh thái cũng còn gặp khó khăn, chưa phát triển như kỳ vọng do việc đầu tư hạ tầng còn kém, kết nối giao thông cả đường bộ lẫn đường hàng không còn hạn chế. "Hạ tầng giao thông tại ĐBSCL còn yếu nên ảnh hưởng không nhỏ đến việc phát triển du lịch của cả khu vực" - ông Triều nhấn mạnh.
Bà Cao Xuân Thu Vân - giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Bạc Liêu - cũng cho rằng sự yếu kém của hệ thống giao thông kết nối ở vùng ĐBSCL là rào cản lớn cho sự phát triển của ngành du lịch.
Chẳng hạn, Bạc Liêu có nhà thờ Tắc Sậy (cha Diệp) rất nổi tiếng nhưng thường xuyên ùn tắc giao thông. Địa phương này cũng có bộ xương cá Ông lớn nhất nước tại vùng ven biển Gành Hào (huyện Đông Hải), nhưng tuyến đường ven Biển Đông để đi tới đây rất khó khăn nên du khách hầu như không biết tới địa điểm này.
"Cần Thơ hiện nay đón lượng khách rất lớn vì khách muốn đi du lịch miền Tây phải qua đây. Do vậy, vai trò chủ công, điều phối của Cần Thơ rất lớn" - bà Vân nói.
Theo ông Trương Vĩnh Thành - phó tổng giám đốc Tập đoàn Sao Mai, nhiều nhà đầu tư cũng ngại rót vốn vào các dự án ở ĐBSCL do khó thu hút khách bởi giao thông từ TP.HCM về miền Tây rất khó khăn, hệ thống hạ tầng chưa được đầu tư tương xứng.
"Các nhà đầu tư có muốn cũng không dám đầu tư khi hạ tầng chưa phát triển. Không ai dám bỏ tiền vào đầu tư khi không mấy có khách đến vui chơi" - ông Thành nói.
Ông Huỳnh Trịnh Quốc Phong, chủ homestay Phong Levant, đón du khách - Ảnh: THÀNH NHƠN
Thay đổi để phát triển
Ông Nguyễn Đông Hòa - phó tổng giám đốc Tổng công ty Saigontourist - cho rằng để khai thác tiềm năng du lịch vùng ĐBSCL, chính quyền các địa phương, các doanh nghiệp và cả những hộ dân đang kinh doanh dịch vụ du lịch như homestay phải ngồi lại, xây dựng những chương trình mới, đặc sắc hơn.
Cũng theo ông Hòa, các công ty du lịch cũng phải nhận thức rằng cần xây dựng các sản phẩm cho du khách theo hướng hai chiều, gợi mở tìm ra những sản phẩm đáp ứng nhu cầu của khách.
Chẳng hạn, đã có một số doanh nghiệp lữ hành TP.HCM khai thác sản phẩm khách du lịch xuống miền Tây bằng thuyền hoặc xe đạp, thay cho xe buýt. Trên cung đường này, du khách sẽ dừng chân ở các làng nghề hoặc những điểm độc đáo.
Theo bà Cao Xuân Thu Vân, trong khi chờ hệ thống hạ tầng giao thông được đầu tư nâng cấp, ngành du lịch khu vực ĐBSCL đang nỗ lực đa dạng hóa sản phẩm, để du khách "không về miền Tây đi một tỉnh là đủ".
"Các đơn vị lữ hành là người mua hàng cũng nên đặt hàng cụ thể. Nếu chê sản phẩm du lịch miền Tây trùng thì nên chỉ ra trùng cái gì để các địa phương biết mà thay đổi, đặc biệt thay đổi nhận thức của những "Hai lúa" làm du lịch" - bà Vân nói.
Trong khi đó, ông Lê Minh Hoan - bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp - cho biết để du lịch miền Tây phát triển tương xứng với tiềm năng và kỳ vọng, việc liên kết giữa các địa phương không chỉ dừng lại ở cấp độ chính quyền, bằng kế hoạch nặng tính hành chính, mà phải liên kết thông qua các doanh nghiệp du lịch.
Theo đó, các doanh nghiệp du lịch đóng vai trò dẫn dắt, kết nối các địa phương, các khu điểm du lịch ở mỗi địa phương.
Theo ông Hoan, Đồng Tháp cùng với Long An và Tiền Giang đã xây dựng đề án "Liên kết phát triển bền vững tiểu vùng Đồng Tháp Mười". Trong đó có liên kết về du lịch "Một hành trình, ba điểm đến", khai thác câu chuyện những người đi khẩn hoang mảnh đất xa xưa, những câu chuyện kể về văn hóa và con người của vùng sông nước, chân chất, hào sảng, dung dị...
"Không chỉ liên kết giữa ba tỉnh trong tiểu vùng Đồng Tháp Mười, Đồng Tháp sẽ liên kết với Cần Thơ, An Giang, Hậu Giang... để tạo ra những hành trình du lịch đặc sắc, bổ sung sự khác biệt cho nhau và cùng nhau làm phong phú thêm hành trình khám phá, trải nghiệm cho du khách" - ông Hoan nói.
* Ông Trần Đoàn Thế Duy (phó tổng giám đốc Công ty du lịch Vietravel):
Phải có "nhạc trưởng" điều phối
Công ty du lịch nào cũng có sản phẩm về miền Tây và sẽ không đến một tỉnh cụ thể mà thường đi 2-3 tỉnh trở lên. Các sản phẩm liên kết vì thế không thiếu nhưng để tạo sự khác biệt từng địa phương phải dựa vào văn hóa, lịch sử của mỗi nơi để khai thác.
Muốn làm được điều này, phải có "nhạc trưởng" điều phối, chứ hiện nay vẫn đang trong tình trạng mạnh ai nấy làm. Khi sản phẩm có rồi, vấn đề kết nối giao thông, không chỉ kết nối với bên ngoài mà giao thông nội vùng cũng là vấn đề cần quan tâm, bởi tour đến ĐBSCL không chỉ đi đến một địa phương mà nhiều địa phương trong vùng.
* Ông Bùi Tá Hoàng Vũ (giám đốc Sở Du lịch TP.HCM):
Kết nối du lịch phải 2 chiều
Trong liên kết vùng hiện nay, TP.HCM muốn nâng cấp những nội dung đã phối hợp với 13 tỉnh ĐBSCL từ trước đến nay, đặc biệt là khắc phục những điều còn hạn chế ở góc độ công tác quản lý nhà nước và cả góc độ của doanh nghiệp.
Trong đó, phải phát triển các sản phẩm sao cho không bị trùng lắp giữa các địa phương, tăng sự hấp dẫn, khác biệt của từng địa phương. Nếu chúng ta tìm tòi, nhấn mạnh chiều sâu khác biệt từng vùng miền sẽ thấy miền Tây đa dạng hơn mình nghĩ.
Tuy nhiên, TP.HCM không chỉ đưa khách đến các tỉnh ĐBSCL mà cũng có nhu cầu đón khách từ khu vực này về TP, thậm chí cả khách quốc tế. Phát triển sản phẩm đúng sẽ bổ trợ du lịch cho nhau một cách hiệu quả.
NHƯ BÌNH
Sa Đéc phát triển du lịch mang bản sắc hoa
Du khách tham quan và chụp ảnh tại làng hoa Sa Đéc dịp Tết 2019 - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG
Những năm gần đây, TP Sa Đéc (Đồng Tháp) trở thành một trong những điểm đến thú vị được nhiều du khách lựa chọn. Từ một ngành hàng sản xuất hoa kiểng, hoa tết tồn tại hàng trăm năm, chính quyền thành phố đã xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng làng hoa, kết hợp với vận động người dân liên kết làm du lịch.
Theo ước tính, năm 2019 TP Sa Đéc đón tiếp hơn 1 triệu du khách. Ông Võ Thanh Tùng - chủ tịch UBND TP Sa Đéc - cho biết theo quy hoạch đến năm 2020, diện tích hoa kiểng của thành phố sẽ tăng lên 1.000ha.
"Du lịch của TP Sa Đéc gắn với ngành hàng phát triển hoa kiểng, lấy người nông dân làm chủ thể hưởng lợi từ việc phát triển du lịch. Về lâu dài, chúng tôi hình thành những khu du lịch rộng, đầu tư nguồn nhân lực bài bản" - ông Tùng nói.
THÀNH NHƠN