|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Đường cất cánh gian nan của máy bay Trung Quốc

15:39 | 11/01/2020
Chia sẻ
Tập đoàn Máy bay Thương mại Trung Quốc (COMAC) đang vật lộn với hàng loạt vấn đề kỹ thuật khiến C919 chưa thực hiện đủ số giờ bay thử cần thiết để được cấp phép, Reuters trích lời một nguồn tin thân cận cho biết.

Việc các dự án hàng không phức tạp chậm tiến độ là điều thường thấy. Tuy nhiên, chậm trễ lâu như thế này có thể khiến Trung Quốc lúng túng. Họ đã đầu tư rất mạnh tay cho dự án C919, với tham vọng phá vỡ thế độc quyền của Boeing và Airbus trên thị trường máy bay toàn cầu.

Đường cất cánh gian nan của máy bay Trung Quốc - Ảnh 1.

Một chiếc C919 bay thử nghiệm tại Thượng Hải tháng 10/2019. Ảnh: Reuters

Vấn đề gần đây nhất mà C919 gặp phải là lỗi tính toán. Các kỹ sư của COMAC đã tính sai hệ số tải của máy bay và gửi số liệu nhầm này đến hãng sản xuất động cơ CFM International, nguồn tin của Reuters cho biết.

Các lỗi kỹ thuật và cấu trúc đã khiến C919, sau hơn 2,5 năm bắt đầu bay thử nghiệm, mới hoàn thành chưa đầy 20% trong số 4.200 giờ bay thử cần thiết để được Cục Hàng không Dân dụng Trung Quốc (CAAC) cấp phép.

Đường cất cánh gian nan của máy bay Trung Quốc - Ảnh 2.

Một chiếc C919 hoàn thành bay thử nghiệm.

COMAC bí mật phát triển C919 từ năm 2008 và hiếm khi công bố các mục tiêu. Tháng 9 năm ngoái, một lãnh đạo COMAC - Yang Yang cho biết trước báo giới Trung Quốc rằng ông kỳ vọng được giới chức trong nước cấp phép trong 2-3 năm tới. Trước đó, mục tiêu này là cuối năm 2020. Một số quan chức khác của COMAC thì dự kiến được cấp phép và bàn giao máy bay năm 2021.

Tuy nhiên, với tình hình hiện tại, không có gì đảm bảo COMAC sẽ đáp ứng mục tiêu 2021-2022 của Yang. "Mọi thứ không phải lúc nào cũng đúng kế hoạch, nhưng tôi hy vọng COMAC sẽ chậm lại một chút và không vội vã. Nếu không, họ sẽ phải giải quyết cả tấn vấn đề sau đó", nguồn tin của Reuters cho biết.

Việc tính toán sai về động cơ không phản ánh Trung Quốc thiếu hiểu biết lý thuyết về hàng không. Họ đã đưa người lên vũ trụ từ rất lâu. Tuy nhiên, nó cho thấy công ty này thiếu kinh nghiệm trong thiết kế và sản xuất máy bay thương mại. COMAC trước đó còn gặp nhiều vấn đề khác, như vết nứt ở cánh đuôi hay hộp số.

Hàng loạt vấn đề này đã khiến COMAC chậm tiến độ và có thể khiến chi phí đội lên cao. C919 được thiết kế để cạnh tranh với Boeing 737 MAX và Airbus A320neo. Hiện tại, nó là lựa chọn thứ 3 trên thị trường cho dòng máy bay trên 100 chỗ ngồi.

Nhiều nhà phân tích dự báo nhu cầu máy bay thương mại năm nay giảm sút, do niềm tin kinh doanh đi xuống vì căng thẳng địa chính trị. Điều này có nghĩa các máy bay ra mắt năm 2021 hoặc 2022 có thể nhận được ít đơn hàng trong vài năm tới.

COMAC dĩ nhiên ý thức được áp lực về thời gian. 3 lần gần nhất trong 6 lần bay thử nghiệm của C919 được thực hiện trước cả khi máy bay sơn hoàn chỉnh, nguồn tin của Reuters cho biết.

Dự án phát triển C919 nằm trong sáng kiến "Made in China 2025" của Trung Quốc, nhằm giúp nước này tự chủ về công nghệ và bắt kịp công nghệ tiên tiến trên toàn cầu. 

Các nhà phân tích cho rằng Bắc Kinh có thể không hoàn toàn thất vọng nếu C919 thất bại trong việc cạnh tranh ngay lập tức trên thị trường quốc tế. Vì chính phủ Trung Quốc có thể chỉ đạo các hãng hàng không trong nước mua C919.

Các hãng bay và công ty cho thuê máy bay của nước này đóng góp phần lớn trong 815 đơn hàng tạm thời COMAC nhận được cho C919. Người mua nước ngoài duy nhất đến nay là công ty cho thuê GECAS, thuộc General Electric.

"Mục tiêu thực sự của C919 là giành lại thị trường trong nước đang bị hai gã khổng lồ nước ngoài thống trị", Jean-François Dufour - trưởng nhóm phân tích tại DCA Chine-Analyse cho biết, "10-15 năm sau, thế hệ C919 tiếp theo, hoặc các máy bay khác của COMAC, mới có thể là đối thủ thực sự trên phạm vi toàn cầu".


Hà Thu