|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

‘Dũng sĩ diệt lạm phát’, Cựu Chủ tịch Fed Paul Volcker qua đời ở tuổi 92

23:59 | 09/12/2019
Chia sẻ
Paul Volcker giữ chức Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) dưới thời Tổng thống Jimmy Carter và Ronald Reagan. Ông từng nâng lãi suất lên tới 22% để kiểm soát lạm phát nhưng nó cũng bóp nghẹt hoạt động kinh tế. Dù vậy, chính sách táo bạo này đã tạo tiền đề cho hai thập kỉ tăng trưởng sau đó.


‘Dũng sĩ diệt lạm phát’, Cựu Chủ tịch Fed Paul Volcker qua đời ở tuổi 92 - Ảnh 1.

Chủ tịch Fed Paul Volcker (phải) gặp Tổng thống Ronald Reagan tại Phòng Bầu Dục, Nhà Trắng, ngày 16/7/1981 - khoảng thời gian mà ông nâng lãi suất lên tới 22% để chống lạm phát. Ảnh: Getty Images/CNBC.

CNBC cho biết vị Cựu Chủ tịch Fed đã qua đời tại nhà riêng ở New York vào lúc 5h chiều ngày 8/12 (theo giờ Mỹ), hưởng thọ 92 tuổi.

Ông Thomas W.Ross, Chủ tịch tổ chức phi lợi nhuận Volcker Alliance viết trong một thông cáo:

"Paul Volcker là một người đầy lòng can đảm và sự chính trực, ông đã dành phần lớn sự nghiệp của mình để phục vụ nhân dân. Ông tin vào tầm quan trọng của một chính phủ hiệu quả đối với nền dân chủ của chúng ta. Ông quan tâm sâu sắc đến vận mệnh tương lai của nước Mỹ cũng như những người phục vụ trong chính phủ".

Ông Ross nói tiếp: "Ông Volcker để lại một di sản kiệt suất về tài lãnh đạo, khả năng phụng sự và những ảnh hưởng to lớn. Ông đã xuất sắc phục vụ đất nước trong vai trò Chủ tịch Fed cũng như nhiều vị trí quan trọng khác, chèo lái đất nước qua nhiều thời kì kinh tế khó khăn. Ông Volcker được nhiều người với những tư tưởng chính trị khác nhau ngưỡng mộ vì sự can đảm trong việc ra quyết định dưới áp lực nặng nề".

Từ chàng sinh viên xuất sắc đến Chủ tịch Fed

Paul Adolph Volcker Jr. sinh ra tại thành phố Cape May, bang New Jersey ngày 5/9/1927 và lớn lên tại thị trấn Teaneck cùng bang.

Năm 1949, ông tốt nghiệp hạng xuất sắc nhất (summa cum laude) từ Trường Đại học Princeton danh giá. Sau đó, ông nhận bằng Thạc sĩ ngành kinh tế chính trị từ Harvard và trở thành một nhà kinh tế tại Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) chi nhánh New York vào năm 1952.

Về sau, ông có thời gian làm việc tại Ngân hàng Chase Manhattan và Bộ Tài chính Mỹ. Trong giai đoạn 1969-1974, ông làm Thứ trưởng Bộ Tài chính phụ trách các vấn đề tiền tệ quốc tế dưới thời Tổng thống Richard Nixon.

Năm 1974, ông rời khỏi Bộ Tài chính để trở thành một nhà nghiên cứu cao cấp tại Trường Woodrow Wilson của Đại học Princeton. Gần đúng một năm sau ngày Tổng thống Richard Nixon từ chức (tháng 8/1974), Paul Volcker quay lại ngân hàng trung ương Mỹ để giữ chức Chủ tịch Fed New York.

Ông cao tới 2,01 mét nên thường được mọi người gọi với biệt danh "Tall Paul" nghĩa là Paul Cao Lớn. Năm 1979, ông được Tổng thống Mỹ Jimmy Carter bổ nhiệm làm Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và được Tổng thống Ronald Regan tái bổ nhiệm năm 1983. Ông làm Chủ tịch Fed trong 8 năm cho tới năm 1987.

Chuyên gia trị lạm phát

Từ trước khi được bổ nhiệm làm Chủ tịch Fed năm 1979, Paul Volcker đã nổi tiếng là người thích kiểm soát lạm phát. Trong luận văn đại học của mình, Volcker chỉ trích các chính sách của Fed thời kì hậu Thế chiến Thứ hai đã thất bại trong việc kiềm chế áp lực lạm phát.

Trong một cuộc họp của Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) trước khi làm Chủ tịch Fed, Volcker cũng nhận xét: "Nói về sự ổn định kinh tế trong tương lai, lạm phát sẽ gây ra cho chúng ta nhiều vấn đề nhất và tạo ra cuộc suy thoái lớn nhất".

Tỉ lệ lạm phát năm 1965 dưới thời Tổng thống Lyndon Johnson là chưa đầy 1% nhưng đến tháng 3/1980 đã tăng phi mã lên thành 14,8%. Để hạn chế đà tăng của giá cả, Paul Volcker đẩy cao lãi suất chính sách của Fed và hạn chế cung tiền.

Lãi suất thị trường mở liên bang (federal funds rate) được các ngân hàng và tổ chức tín dụng dùng để tính chi phí vay qua đêm chạm ngưỡng kỉ lục 22,36% vào tháng 7/1981. Để so sánh, lãi suất này duy trì trong khoảng 0 - 0,25% trong suốt 7 năm từ tháng 12/2008 đến tháng 12/2015. Hiện nay, lãi suất chính sách này nằm trong khoảng 1,5 - 1,75%.

Không lâu sau khi trở thành Chủ tịch Fed, Paul Volcker nâng tỉ lệ lãi suất chiết khấu thêm 0,5 điểm % - mức tăng khá lớn khi so với ngày nay.

Một trong những vấn đề khiến ông lo ngại nhất là kì vọng, kéo theo đó là hành động, của người dân. Nếu người dân tin rằng giá cả sẽ tiếp tục tăng cao trong tương lai, mọi người sẽ đổ xô đi mua hàng hóa ngay từ lúc này, làm tăng nhu cầu và khiến giá cả tăng cao thật.

"Chúng ta đang phải ứng phó với một loại quán tính lạm phát, cũng như những mẫu hình về suy nghĩ và hành động đã phát triển qua hàng thập kỉ", ông Volcker nói vào tháng 9/1981. "Khoảng một nửa dân số trong độ tuổi lao động - những người dưới 35 tuổi - chưa từng biết đến mùi vị của sự ổn định giá cả trong cuộc đời làm việc của mình".

"Chúng ta đã quen với việc sống cùng lạm phát, điều chỉnh theo lạm phát và kì vọng thêm lạm phát. Khi chúng ta làm vậy, chúng ta đã vô tình tạo ra động lực để lạm phát tiếp tục sinh sôi", vị Chủ tịch Fed khi đó nói.

Trong vòng hai năm sau khi lãi suất của Fed đạt đỉnh, lạm phát rơi xuống dưới ngưỡng 3%, chấm dứt thời kì mà nhiều người gọi là "Đại Lạm Phát".

800px-Alan_Greenspan%2C_Paul_Volcker_and_Ben_Bernanke_-_2014_%2813896577879%29

Ba Cựu Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Từ trái qua phải: Alan Greenspan (Chủ tịch Fed từ 1987 đến 2006), Paul Volcker (1979-1987), Ben Bernanke (2006-2014). Ảnh: Cục Dự trữ Liên bang Mỹ.

Tranh luận công - tội

Lãi suất cao có thể điều trị được lạm phát nhưng đồng thời cũng bóp nghẹt các hoạt động kinh tế, đẩy nền kinh tế vào suy thoái. Trước cuộc khủng hoảng 2007-2009, cuộc suy thoái năm 1981-1982 chính là đợt lao dốc kinh tế tồi tệ nhất tính từ cuộc Đại Khủng hoảng 1929-1933.

Tỉ lệ thất nghiệp năm 1982 lên tới 10,8%, mức cao nhất từ năm 1940 cho tới tận ngày nay.

Paul Volcker phải hứng chịu vô số chỉ trích. Đầu năm 1982, một tổ chức doanh nghiệp còn phát tán tấm áp phích in hình Volcker kèm dòng chữ "Truy nã", cáo buộc ông và Fed là "những kẻ giết người máu lạnh đã sát hại hàng triệu doanh nghiệp nhỏ".

Năm 2005, William Poole - Cựu Chủ tịch Fed St. Louis lên tiếng bênh vực Volcker: "Nếu không có những thay đổi táo bạo trong chính sách tiền tệ của Paul Volcker và ý chí quyết tâm áp dụng cho tới cùng qua những tháng năm đau khổi, nền kinh tế Mỹ sẽ tiếp tục vòng xoáy lao dốc nguy hiểm".

"Thông qua việc đảo ngược chính sách sai lầm của những người tiền nhiệm, Paul Volcker đã đặt nền móng cho thời kì tăng trưởng kinh tế kéo dài suốt thập niên 1980s và 1990s".

Quan điểm của Volcker về lạm phát đã tạo nên dấu ấn lâu dài trong chính sách của Fed. Giám sát sự tăng lên của giá cả cùng với theo dõi tỉ lệ thất nghiệp là hai nhiệm vụ chính của Fed trong "chẩn bệnh" nền kinh tế và xác định mức lãi suất.

Sau thời gian kê "liều thuốc đắng" lãi suất cao để "điều trị bệnh" lạm phát, Paul Volcker rời khỏi Fed và trở thành chủ tịch công ty đầu tư Wolfensohn & Co.

Năm 1996, ông điều hành một ủy ban điều tra các tài khoản ngân hàng Thụy Sỹ của các nạn nhân người Do Thái trong nạn diệt chủng của Đức Quốc xã thời Thế chiến Thứ hai. Hoạt động của Ủy ban này dẫn tới việc các bên đồng ý dàn xếp vụ việc bằng số tiền 1,25 tỉ USD.

Sau cuộc Đại Suy thoái 2007-2009, Volcker đứng đầu Ủy ban Tư vấn Hồi phục Kinh tế của Tổng thống Obama từ năm 2009 đến 2011. Ông lớn tiếng chỉ trích hành động của các định chế tài chính trong việc gây ra cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu và kêu gọi hạn chế qui mô của các ngân hàng lớn nhất nước Mỹ.

Theo đó, ông đóng vai trò trọng tâm trong việc tạo ra "luật Volcker" - một phần của Đạo luật Dodd-Frank về Cải cách Phố Wall và Bảo vệ Người tiêu dùng.

Luật Volcker hướng đến việc ngăn các ngân hàng thương mại dùng tiền của mình cho các hoạt động mạo hiểm như đầu tư vào sản phẩm phái sinh, quĩ phòng hộ hay các công ty vốn tư nhân (private equity - PE).

Đức Quyền