|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Đừng để 'tốt vay, dày nợ'

07:48 | 06/02/2018
Chia sẻ
Không phải ngẫu nhiên mà tình hình huy động, phân bổ, sử dụng và quản lý vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài giai đoạn 2016 - 2020 được lựa chọn là nội dung giám sát chuyên đề của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (theo Nghị quyết số 424/NQ-UBTVQH14).
dung de tot vay day no Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất cắt giảm hơn 2.233 tỷ đồng vốn ODA ​
dung de tot vay day no Hàn Quốc hỗ trợ Việt Nam 1,5 tỷ USD vốn ODA đến năm 2020

Còn nhớ trước đó, tại kỳ họp thứ 4 của Quốc hội, nhiều vị đại biểu Quốc hội đã bày tỏ quan tâm sâu sắc đến vấn đề này. Trong các phiên thảo luận và chất vấn được truyền hình trực tiếp, có thể thấy nhiều đại biểu đã tham gia thảo luận, đặt câu hỏi, thậm chí sử dụng quyền tranh luận để thể hiện sự lo lắng đặc biệt về quản lý, sử dụng vốn ODA. Khi ấy, có đại biểu đã khẳng định tổng mức ODA đã “ngoài tầm kiểm soát”.

Để trả lời cặn kẽ câu hỏi “liệu vốn vay ODA đã thực sự ngoài tầm kiểm soát hay chưa, tác động đến trần nợ công như thế nào; liệu có dẫn đến rủi ro an ninh tài chính quốc gia hoặc sự phụ thuộc nhất định vào một nhà tài trợ nào đó hay không?” thì còn phải đợi kết quả giám sát. Tuy nhiên, theo báo cáo của Bộ Tài chính với Quốc hội, dự kiến, trong giai đoạn 2016 - 2020, tổng nguồn vốn ODA có thể đàm phán, ký kết đạt khoảng 20 - 25 tỷ USD và giải ngân đạt khoảng 25 - 30 tỷ USD (bao gồm cả 22 tỷ USD đã đàm phán, ký kết của các giai đoạn trước chưa kịp giải ngân). Như thế, bình quân mỗi năm nguồn ngân sách nhà nước phải chi khoảng 1 tỷ USD để trả nợ gốc và lãi từ việc vay nợ nước ngoài.

Trong khi đó, từ năm 2010, Việt Nam đã trở thành nước thu nhập trung bình. Mức độ ưu đãi các khoản cho vay của các đối tác phát triển dành cho Việt Nam đang giảm rõ rệt. Từ thời hạn vay bình quân khoảng 30-40 năm, với lãi suất khoảng 0,7%-0,8%/năm, bao gồm thời gian ân hạn (giai đoạn trước 2010) đến thời hạn vay bình quân chỉ còn 10-25 năm, tùy theo từng đối tác và từng loại vay; với lãi suất khoảng 2%/năm trở lên (giai đoạn 2011-2015).

dung de tot vay day no

Kể từ tháng 7/2017, Ngân hàng Thế giới (WB) đã chấm dứt ưu đãi ODA với Việt Nam, chủ yếu chuyển sang sử dụng nguồn cho vay kém ưu đãi và tiến tới cho vay theo điều kiện thị trường. Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) từ 1/1/2019 cũng không hỗ trợ Việt Nam nguồn vốn ADF - nguồn vốn ODA ưu đãi nhất. Chính sách của hai nhà tài trợ đa phương vào loại lớn nhất đã vậy, thì ở những mức độ khác nhau, các nhà tài trợ khác cũng sẽ có động thái tương tự. Bên cạnh đó, một số loại phí cũng sẽ được áp dụng, chẳng hạn như phí cam kết (tiền phải trả cho những khoản vốn vay đã cam kết nhưng không giải ngân được - với ADB thì khoản phí này là 0,15%/năm trên tổng số tiền chưa giải ngân).

Chính vì thế, trả lời phóng viên bên hành lang kỳ họp thứ 4 của Quốc hội, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc thẳng thắn cho rằng: “Phương thức quản lý ODA phải có sự thay đổi. Thay vì nhiều cơ quan quản lý thì nên giao cho một cơ quan chủ trì việc đàm phán khung cũng như đàm phán các điều khoản chi tiết, sau đấy là việc tiếp nhận, phân bổ vốn và quản lý vốn một cách hiệu quả nhất”.

Theo GS-TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE), nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về hợp tác và đầu tư, vốn vay ODA là cần thiết trong điều kiện đất nước cần vốn để đầu tư phát triển. So với các khoản vay khác từ thị trường tài chính, vay ODA nhìn chung vẫn có lợi vì lãi suất thấp, thời hạn cho vay tương đối dài. Tuy nhiên, cũng cần thấy rõ rằng điều kiện cho vay của các nhà tài trợ khá khắt khe, thậm chí có những quy định nhằm tạo lợi thế cho nhà đầu tư, nhà thầu của mình. Và cân đong đo đếm kỹ thì nhiều khi nguồn vốn này tưởng rẻ mà lại hóa đắt.

Trong khi đó, trên thực tế, việc quản lý, phân bổ, sử dụng vốn ODA vẫn còn nhiều bất cập, từ chi vượt dự toán, huy động vốn chưa được cấp thẩm quyền quyết định cho đến cơ cấu vay, cơ cấu đầu tư, trật tự ưu tiên và hiệu quả đầu tư còn thấp. Cũng không thể không nhắc đến nguy cơ tiêu cực, gian lận, tham nhũng trong các dự án ODA - một thực trạng đáng lo ngại đối với cả các cơ quan quản lý của Việt Nam lẫn các nhà tài trợ. Năm 2015, Việt Nam đứng thứ 2 trong danh sách khách hàng của WB ở khu vực Đông Á - Thái Bình Dương có nhiều khiếu nại về tính liêm chính (chỉ sau Indonesia) với tổng giá trị các dự án có khiếu nại tương đương 11,3 tỷ USD. Các vụ án tại Ban quản lý các dự án (PMU18) thuộc Bộ GTVT năm 2005; dự án đại lộ Đông - Tây (PCI) năm 2008 và Đường sắt đô thị Hà Nội (JTC) là những ví dụ đáng buồn…

Theo kế hoạch, tháng 10/2018, tại kỳ họp thứ 6, đoàn giám sát sẽ báo cáo Quốc hội bức tranh tổng thể về vốn vay ODA cùng những kiến nghị, giải pháp cụ thể. Những vướng mắc trong lĩnh vực này không phải đến bây giờ mới được nhận diện. Ngay từ bây giờ, các ngành, các cấp và các địa phương có sử dụng vốn ODA đều cần tự nhìn lại mình, thực hiện các giải pháp đã được Thủ tướng Chính phủ nêu rõ từ tháng 8/2017 để thúc đẩy tiến độ giải ngân, nâng cao hiệu quả sử dụng dòng vốn này. Chỉ có như thế mới tránh được nghịch cảnh “tốt vay, dày nợ”.

Anh Thư