|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Đừng bảo vệ cổ đông nhỏ… trên giấy

08:23 | 19/11/2016
Chia sẻ
Nhìn nhận Việt Nam đã có nhiều cải thiện về bảo vệ nhà đầu tư, nhưng ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), người có nhiều kinh nghiệm trong xây dựng các quy định về bảo vệ nhà đầu tư, quản trị công ty cho rằng, vẫn còn tồn tại không ít hạn chế.

Trong báo cáo mà Ngân hàng Thế giới (WB) vừa công bố, thứ hạng về môi trường kinh doanh của Việt Nam tăng 9 bậc nhờ cải thiện nhiều yếu tố, trong đó có bảo vệ nhà đầu tư. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, đánh giá này chủ yếu xét trên khía cạnh cải cách quy định pháp lý, chưa căn cứ nhiều vào thực tiễn. Ông có đồng tình với nhìn nhận này?

Trước hết, Việt Nam tăng 9 bậc trong bảng xếp hạng nhờ việc tăng 3 chỉ số thành phần gồm: bảo vệ nhà đầu tư nhỏ (tăng 31 bậc), trả thuế (tăng 11 bậc) và thương mại qua biên giới (tăng 15 bậc). Riêng chỉ số bảo vệ nhà đầu tư, WB đo lường cả thực tiễn và cải cách các quy định của pháp luật (cải cách về khung quản trị của Luật Doanh nghiệp). Việc nói rằng sự tiến bộ này chỉ nhờ vào khía cạnh cải cách quy định pháp lý là không chính xác.

Phần lớn các chỉ số trong 10 chỉ số đã đo lường số thủ tục, thời gian và chi phí thực tế mà các doanh nghiệp (được lấy mẫu để khảo sát) phải bỏ ra để hoàn tất các thủ tục, không phải là thời gian và chi phí được quy định trên văn bản quy phạm pháp luật. Điển hình là chỉ số gia nhập thị trường (starting a business). Chỉ số này có liên quan đến Luật Doanh nghiệp và luật này có nhiều cải cách, nhưng lại giảm 10 bậc trên bảng xếp hạng vì WB đo lường thời gian thực tế.

Phản ánh của nhà đầu tư tại nhiều doanh nghiệp niêm yết cho thấy, các doanh nghiệp vẫn xâm phạm khá phổ biến quyền và lợi ích của cổ đông như: không mời họp đại hội đồng cổ đông, "quên" lấy ý kiến biểu quyết của cổ đông bằng văn bản đối với các quyết định quan trọng, cản trở cổ đông tiếp cận thông tin về hoạt động của công ty...? Ông nhìn nhận gì về hiện trạng này?

Tôi đồng ý với các phản ánh này. Thực tế, Việt Nam có một vấn đề rất lớn về quản trị doanh nghiệp, đó là khoảng cách khá xa giữa thực tế quản trị doanh nghiệp và quy định của luật. Xét về khung khổ pháp luật, Việt Nam tương bằng với các nước trong khu vực, như Indonesia thứ 70, Philippines thứ 137 và Việt Nam thứ 87. Tuy nhiên, đánh giá mức độ thực tế về quản trị doanh nghiệp theo thẻ điểm ASEAN gần đây nhất, Việt Nam ở vị trí thấp nhất, thấp hơn cả Philippines và ở mức độ đáng báo động. Cụ thể: Việt Nam được 35,14/100 điểm; Indonesia: 57,27/100 điểm và Philippines là 67,2/100 điểm.

Tôi cho rằng, phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam chưa nhận thức được vai trò và tầm quan trọng của quản trị doanh nghiệp tốt, nên chủ yếu quản trị theo cách tuân thủ quy định của luật một cách hình thức hơn là thực chất.

Quy định về bảo vệ cổ đông tại Luật Doanh nghiệp đã khá đồng bộ, nhưng do quy định về giải quyết tranh chấp qua tòa án vẫn phiền hà, rắc rối và kém tính khả thi, nên cổ đông chưa được bảo vệ tốt. Theo ông, hiện trạng này tác động tiêu cực thế nào đến nỗ lực cải cách của Luật Doanh nghiệp 2014?

Bảo vệ cổ đông tốt phụ thuộc vào 3 yếu tố: thứ nhất là quy định của luật, đặc biệt là Luật Doanh nghiệp; thứ hai là tính hiệu quả và dễ dàng trong thủ tục giải quyết tranh chấp tại tòa án; thứ ba là nhận thức của chính các cổ đông, nhà đầu tư nhỏ. Hai yếu tố ban đầu đã được phản ánh rõ trong báo cáo của WB. Tất cả các chỉ số phụ của chỉ số bảo vệ cổ đông đều đạt từ 4 - 7 điểm (thang điểm 10); chỉ riêng chỉ số phụ là mức độ dễ dàng trong giải quyết vụ việc tại tòa án chỉ đạt 2/10 điểm. Chính chỉ số phụ này lại là chỉ số có ảnh hưởng rất lớn đến bảo vệ nhà đầu tư trên thực tế.

Trong nhiều trường hợp, mức độ chưa dễ dàng trong giải quyết vụ việc tại tòa án là yếu tố cản trở nhà đầu tư đầu tư vào doanh nghiệp, không tạo được áp lực cần thiết để cổ đông lớn, người quản lý doanh nghiệp xây dựng và thiết lập khung quản trị tốt.

Theo ông, để bảo vệ nhà đầu tư tốt hơn, cần có thêm những giải pháp gì?

Doanh nghiệp, đặc biệt là cổ đông lớn và người quản lý doanh nghiệp cần nhận thức rằng, quản trị tốt trước hết vì lợi ích của chính doanh nghiệp và của chính mình. Quy định của Luật Doanh nghiệp về quản trị doanh nghiệp và Luật Chứng khoán chỉ là quy định chuẩn mực tối thiểu về quản trị doanh nghiệp. Để quản trị tốt, doanh nghiệp phải áp dụng các nguyên tắc về quản trị theo chuẩn mực cao hơn so với luật.

Thủ tục giải quyết tranh chấp, vụ việc mà cổ đông khởi kiện người quản lý doanh nghiệp tại tòa án cần được cải cách theo hướng nhanh chóng hơn và thuận lợi hơn cho nhà đầu tư nhỏ. Cần xem xét để bổ sung quy định riêng về trình tự, thủ tục cho cổ đông khởi kiện người quản lý vào hệ thống pháp luật. Ở nhiều nước, cổ đông khởi kiện người quản lý được xử theo trình tự gọi là kiện phái sinh, phân biệt với kiện dân sự thông thường và hình sự.

Cuối cùng, cổ đông nhỏ cần có ý thức hơn về nhận thức các vấn đề liên quan đến quyền và cách thức thực hiện quyền của mình, đồng thời tránh lạm dụng để không trở thành cổ đông phá rối.

Hữu Hoè