|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Đưa nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 gần 41.800 tỷ đồng vào hoạt động năm 2022

07:24 | 24/07/2021
Chia sẻ
Ban Quản lý dự án Điện lực Dầu khí Thái Bình 2 dự kiến sẽ phát điện thương mại tổ máy 1 vào ngày 30/11/2022 và phát điện thương mại tổ máy 2 sau đó một tháng

Ngày 23/7, tại buổi kiểm tra tiến độ thi công dự án nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu trong thời gian tới phải tập trung tối đa nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ, đưa nhà máy vào vận hành, khai thác an toàn trong năm 2022, hạn chế thấp nhất thiệt hại cho nền kinh tế.

Dự án nhiệt điện Thái Bình 2 là một trong những dự án trọng điểm của ngành điện tại Trung tâm Điện lực Thái Bình, có vai trò quan trọng bảo đảm cung cấp điện cho phát triển kinh tế vùng duyên hải Bắc Bộ và cả nước. 

Dự án được khởi công từ năm 2011, do PVN là chủ đầu tư với quy mô công suất 2x600MW (2 tổ máy) nằm trong quy hoạch chung của Trung tâm Điện lực Thái Bình với tổng công suất là 1.800 MW, điện năng sản xuất khoảng 7,2 tỷ kWh/năm, cùng tổng mức đầu tư điều chỉnh gần 41.800 tỷ đồng.

Trưởng Ban Quản lý Dự án Điện lực Dầu khí Thái Bình 2 Nguyễn Thành Hưởng cho biết tính đến thời điểm hiện tại, tiến độ tổng thể đự án đạt 86,8%, trong đó, thiết kế đạt 99,9%; mua sắm đạt 99,71%; gia công, chế tạo đạt 94,4%; thi công đạt 84,2%; chạy thử đạt 13%. 

Về công tác thi công, khối lượng còn lại chủ yếu bao gồm công tác hoàn thiện, hệ thống vận chuyển than, kho than, đường ống thải xỉ, bãi thải xỉ, các gói thầu phục vụ chạy thử, quan trắc môi trường trực tuyến. Ban Quản lý Dự án sẽ phát điện thương mại tổ máy 1 vào ngày 30/11/2022 và phát điện thương mại tổ máy 2 sau đó một tháng.

Các công việc chạy thử đang được triển khai, tuy nhiên, việc huy động chuyên gia từ các nhà thầu nước ngoài chậm so với kế hoạch do ảnh hưởng của dịch COVID-19. 

Bên cạnh đó, do thiết bị đã được lắp đặt trong thời gian dài, mặc dù đã được bảo quản nhưng trước khi chạy thử vẫn cần phải kiểm tra, bảo dưỡng lại. Việc bảo dưỡng này sẽ ảnh hưởng đến tiến độ và phát sinh chi phí; đặc biệt trong trường hợp sẽ phải thay thế thiết bị.

Phó Thủ tướng mạnh, nếu dự án này chậm ngày nào thì thiệt hại kinh tế phát sinh là rất lớn do chủ đầu tư phải trả lãi vay, địa phương chưa có nguồn thu ngân sách từ dự án và EVN chưa thể mua điện từ nhà máy với sản lượng có thể trên 7 tỷ kWh, trong khi đó nguồn cung ứng điện của miền Bắc trong những năm tới dự kiến gặp khó khăn. 

Do đó, Phó Thủ tướng yêu cầu trong thời gian tới phải tập trung cao nhất nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ, đưa nhà máy vào vận hành, khai thác an toàn, hạn chế thấp nhất thiệt hại cho nền kinh tế.

Đối với Ban Quản lý Dự án và Tổng thầu EPC, Phó Thủ tướng nhấn mạnh: “Ai cố tình cản trở quá trình hoàn thành dự án thì người đó phải chịu trách nhiệm và sẽ bị xử lý nghiêm”.

Như Huỳnh

Liên tục tăng trưởng, FDI có trở thành 'trụ cột' cho nền kinh tế năm nay?
Trong tháng 4, lượng vốn FDI và số dự án đầu tư mới đạt mức cao nhất kể từ đầu năm. Xu hướng tích cực của dòng vốn FDI được kỳ vọng sẽ trở thành động lực quan trọng cho tăng trưởng, là 'trụ cột' quan trọng cho nền kinh tế trong bối cảnh đầu tư công chậm lại và đầu tư tư nhân vẫn ở mức rất thấp.