|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Dự trữ của các ngân hàng Mỹ xuống thấp vì Fed

22:17 | 11/03/2023
Chia sẻ
Dự trữ của các ngân hàng thương mại tại Fed sụt giảm, cùng với việc thị trường thiếu hụt trái phiếu Kho bạc, đã làm dấy lên lo ngại rằng hệ thống tài chính Mỹ có thể đang chịu căng thẳng.

Dự trữ xuống thấp

Dự trữ của các ngân hàng thương mại tại Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đang sụt giảm nhanh chóng. Hệ thống tài chính lại đang bị thiếu hụt trái phiếu Kho bạc trong bối cảnh chính phủ Mỹ phải vất vả để tìm hướng giải quyết vấn đề trần nợ công.

Hai sự việc diễn ra đồng thời này đã khiến các nhà đầu tư lo ngại về những căng thẳng tiềm tàng trên thị trường tài chính.

Theo Reuters, dự trữ của các ngân hàng giảm mạnh là do chương trình thắt chặt định lượng (QT) mà Fed triển khai để thu hẹp quy mô bảng cân đối kế toán của họ.

Tiền gửi ngân hàng, một phần của các khoản dự trữ, cũng đi xuống khi khách hàng tìm kiếm các tài sản thay thế có thể sinh lời trong môi trường kinh tế hiện tại.

Việc dự trữ sụt giảm kéo dài sẽ có những tác động lớn lên nền kinh tế. Các nhà phân tích cho biết dự trữ thấp hơn sẽ hạn chế bảng cân đối kế toán của các ngân hàng, cản trở họ cho doanh nghiệp vay vốn để mở rộng và tăng trưởng.

Bảng cân đối kế toán của Fed từng phình to trong đại dịch, khi ngân hàng trung ương Mỹ tăng mua chứng khoán nợ theo chương trình nới lỏng định lượng (QE), cũng như nhờ dự trữ của các ngân hàng thương mại tại đây đi lên.

Giờ đây, Fed đang phải thu hẹp quy mô bảng cân đối với chương trình QT, nhằm hút bớt thanh khoản ra khỏi hệ thống tài chính.

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). (Ảnh: Reuters).

Trong tuần tính đến ngày 8/3/2023, dự trữ của các ngân hàng thương mại đạt trung bình gần 3.000 tỷ USD, giảm khoảng 1.300 tỷ USD so với mức đỉnh 4.300 tỷ USD hồi tháng 12/2021, theo dữ liệu của Fed.

Trong chu kỳ QT gần nhất, ngân hàng trung ương Mỹ đã rút khoảng 1.300 tỷ USD thanh khoản trong vòng 5 năm.

Ông Matt Smith, Giám đốc đầu tư tại công ty quản lý tài sản Ruffer, cho hay: “Trong trường hợp xảy ra khủng hoảng thanh khoản trên thị trường, do dự trữ xuống thấp, hệ thống ngân hàng sẽ có ít bộ đệm để đối phó với các cú sốc hơn”.

Một cú sốc như vậy đã xảy ra vào ngày 10/3, khi Silicon Valley Bank (SVB) bị các cơ quan quản lý Mỹ buộc phải đóng cửa do các vấn đề về thanh khoản. Ngân hàng này là một đối tác quan trọng của các start-up tại Thung lũng Silicon.

Trong lần gần nhất thực hiện các biện pháp QT, Fed đã phải kết thúc chương trình một cách đột ngột vào tháng 9/2019.

Khi đó, dự trữ của các ngân hàng đã tụt xuống dưới mức tối thiểu cần thiết để đảm bảo hoạt động trơn tru của thị trường vốn ngắn hạn. Lãi suất repo tăng đột biến và Fed phải cung cấp thêm dự trữ cho hệ thống ngân hàng.

Tình trạng thiếu hụt trái phiếu Kho bạc khi chính phủ Mỹ chạm trần nợ công và Bộ Tài chính phải hạn chế đi vay cũng được cho là nguyên nhân làm dự trữ bắt buộc của các ngân hàng tại Fed giảm hơn nữa.

Washington đã chạm giới hạn vay nợ 31.400 tỷ USD vào cuối tháng 1. Bộ Tài chính phải cảnh báo rằng có khả năng họ không thể ngăn việc chính phủ vỡ nợ vào đầu tháng 6.

“Nếu Bộ Tài chính không thể phát hành trái phiếu vì trần nợ, bạn sẽ đẩy nhiều tiền mặt vào thị trường repo đảo ngược hơn và điều đó khiến dự trữ của các ngân hàng tại Fed giảm hơn nữa”, chiến lược gia John Velis tại BNY Mellon nói.

Giới phân tích cho biết các nhà đầu tư đã chuyển tiền mặt vào các giao dịch repo đảo ngược hoặc các quỹ thị trường tiền tệ có thể tiếp cận các giao dịch này, thay vì gửi tiền vào ngân hàng.

Giá trị giao dịch trên thị trường repo đảo ngược đã tăng lên gần 2.000 tỷ USD kể từ tháng 6 năm ngoái, ngay cả khi dự trữ của các ngân hàng sụt giảm.

Silicon Valley Bank là ví dụ mới nhất

Lãi suất tiền gửi không thể theo kịp mức tăng lãi suất quỹ liên bang sau nhiều đợt nâng lãi suất của Fed. Các nhà phân tích cho rằng đó là do người dân đã gửi quá nhiều tiền vào các ngân hàng trong giai đoạn Fed thực hiện QE.

Lãi suất tiền gửi thấp đã dẫn đến việc nhiều khách hàng ồ ạt rút tiền ra. Theo dữ liệu của Fed, tiền gửi tại các ngân hàng thương mại của Mỹ đã đi xuống kể từ quý II năm ngoái.

Câu chuyện của SVB tuần này là ví dụ mới nhất về việc người dân rút tiền gửi có thể tác động xấu đến những ngân hàng nhỏ như thế nào.

Hôm 10/3, các cơ quan quản lý đã đóng cửa SVB do lo ngại về vấn đề thanh khoản của ngân hàng này. SVB đã chứng kiến các khách hàng, đặc biệt là những công ty khởi nghiệp gặp khó khăn về vốn, rút tiền ra với quy mô lớn.

“Các ngân hàng có hồ sơ tài chính và thanh khoản tốt có thể chống chịu được khi khách hàng rút tiền gửi mạnh”, bà Julie Solar, nhân viên tín dụng tại Fitch Ratings, cho hay.

“Nhưng các ngân hàng phụ thuộc vào tiền gửi hoặc có khoản lỗ chưa thực nhận lớn trong danh mục chứng khoán nợ có thể đối mặt với nhiều áp lực hơn trong môi trường hiện nay”, bà Solar nói tiếp.

Việc người dân rút tiền gửi, giao dịch repo đảo ngược và dự trữ của các ngân hàng đều có liên quan với nhau.

Tiền gửi của người dân đang tìm đường vào các quỹ thị trường tiền tệ đầu tư vào repo đảo ngược. Quy mô giao dịch repo đảo ngược càng cao thì dự trữ của hệ thống ngân hàng thương mại càng xuống thấp.

Tuy nhiên, mức dự trữ hiện tại vẫn cao hơn so với năm 2019. Thời điểm đó, dự trữ từng giảm xuống còn 2.000 tỷ USD do người Mỹ rút ra nhiều tiền để nộp thuế. Các nhà phân tích cũng nhận định rằng thị trường hiện chưa rơi vào tình trạng hoảng loạn.

Song, mức dự trữ tối thiểu theo chương trình QT hiện nay có thể sẽ cao hơn trước do bảng cân đối kế toán của Fed đã phình to hơn nhờ các chính sách QE trong đại dịch.

“Tất cả các bảng cân đối kế toán đều đã mở rộng kể từ đại dịch, do đó chúng tôi không biết chắc khi nào thị trường sẽ bị xáo trộn”, ông Smith của Ruffer nhận định.

Khả Nhân