|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Dữ liệu kinh tế yếu dồn dập xuất hiện, đẩy ông Biden vào thế khó ngay thời điểm then chốt

21:51 | 13/05/2021
Chia sẻ
Giá xăng dầu và lạm phát tăng mạnh, kết hợp cùng với thị trường việc làm biến động, đang tạo ra áp lực kinh tế mới cho Tổng thống Joe Biden ngay thời điểm ông chuẩn bị công bố các đề xuất chi tiêu quy mô lớn cho đất nước.

Áp lực tứ phía

Trong tuần qua, chính quyền Tổng thống Joe Biden vừa phải đối mặt với một loạt số liệu kinh tế đáng thất vọng. Các áp lực này đã đè nặng lên thị trường tài chính, khiến ba chỉ số chứng khoán Dow Jones, S&P 500 và Nasdaq đồng loạt giảm sâu.

Đầu tiên, thị trường lao động tháng 4 chỉ tạo thêm 266.000 việc làm mới, chững lại đáng kể so với con số 770.000 của tháng 3 và thấp hơn rất nhiều so với dự báo 978.000 của các nhà phân tích mà Reuters khảo sát.

Tiếp đến, Colonial Pipeline - hệ thống đường ống dẫn xăng lớn nhất nước Mỹ, bị tin tặc tấn công bằng mã độc, buộc phải tạm dừng hoạt động nhiều ngày. Các bang từ nam chí bắc bị thiếu hụt nhiên liệu nghiêm trọng, giá xăng được đà đạt đỉnh hơn 3 USD/gallon.

Gần nhất, số liệu lạm phát tháng 4 cho thấy giá cả hàng hóa tăng đến 4,2% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 0,8% so với tháng 3, cao hơn nhiều so với dự đoán tương ứng của các nhà kinh tế Dow Jones là 3,6% và 0,2%.

Dữ liệu kinh tế yếu dồn dập xuất hiện, đẩy ông Biden vào thế khó ngay thời điểm then chốt - Ảnh 1.

Chính quyền Biden "bình chân như vại"?

Cho đến nay, đa phần các quan chức chính quyền ông Biden đều khẳng định nền kinh lớn nhất thế giới đang phục hồi, hơn nữa các dữ liệu yếu kém gần đây chỉ là bằng chứng cho thấy một nền kinh tế vốn trì trệ trong thời gian dài đang bắt đầu định hình trở lại.

Chuyên gia kinh tế Nhà Trắng Jared Bernstein cho biết Washington từ lâu đã đoán trước lạm phát sẽ tăng khi nhu cầu hàng hóa ở một số lĩnh vực nhất định đi lên và khi nền kinh tế bình ổn trở lại, đặc biệt là so với mức giảm mạnh vào cùng kỳ năm ngoái.

"Công chúng sẽ luôn xôn xao về dữ liệu kinh tế ở những thời điểm trọng yếu như thế này. Một số dữ liệu sẽ nóng bỏng tay, số khác nguội lạnh hơn, nhưng bạn phải nhìn trong một bức tranh lớn hơn...", ông Bernstein lập luận.

Khi được Washington Post hỏi liệu chính quyền Washington có dự định đánh giá lại chương trình nghị sự kinh tế không, ông Bernstein nói: "Không hề. Chúng ta chỉ đang thấy những tác động tích cực vì gói cứu trợ COVID-19 trị giá 1.900 tỷ USD đang củng cố quá trình phục hồi của nền kinh tế".

"Điểm cơ bản của báo cáo lạm phát mới là người dân đang dần trở lại với các lĩnh vực bị thiệt hại nặng nề trong dịch bệnh, vừa tốt cho doanh nghiệp vừa tốt cho người lao động", ông Bernstein nhấn mạnh.

Hơn nữa, một số nhà kinh tế còn cảnh báo người dân có thể hiểu sai ý nghĩa của số liệu lạm phát tháng 4 vì lạm phát thường được so sánh với cùng kỳ năm trước, mà số liệu lạm phát tháng 4 năm 2020 lại thấp kỷ lục vì tác động của đại dịch COVID-19.

Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell dự đoán, lạm phát sẽ bắt đầu giảm trong năm 2022, khi số liệu tham chiếu của năm 2020 không còn ảnh hưởng đến phép so sánh.

"Rõ ràng, nhu cầu tiêu dùng trong nền kinh tế Mỹ đang bị dồn nén, có thể phải mất một thời gian để cung bắt kịp cầu", Phó Chủ tịch Fed Richard Clarida cho hay hôm 12/5.

Liên quan đến báo cáo việc làm tháng 4, Tổng thống Biden và Bộ trưởng Bộ Tài chính Janet Yellen kêu gọi người dân nên kiên nhẫn và khẳng định nền kinh tế Mỹ vẫn đang tạo ra trung bình 500.000 việc làm mỗi tháng.

Tham vọng đầu tư bị cản đường

Tin xấu không ngừng xuất hiện đang tạo điều kiện cho Đảng Cộng hòa kêu ca về khả năng quản lý kinh tế và gói kích thích tài khóa trị giá 1.900 tỷ USD của chính quyền ông Biden ngay thời điểm Tổng thống Mỹ phải dọn dẹp đống rắc rối trong nước.

Cựu Bộ trưởng Bộ Tài chính Larry Summers, người từ rất sớm đã chỉ trích gói tài khóa của ông Biden, mong muốn bộ này nên công khai thừa nhận rủi ro lạm phát có thể không phải chỉ là một mối lo tạm thời.

"Dù có đúng vài tháng trước đi chăng nữa thì rủi ro kinh tế vĩ mô với Mỹ bây giờ đang rất nóng. Nếu kỳ vọng lạm phát tiếp tục tăng...thì hậu quả về mặt kinh tế và chính trị có thể rất lớn", ông Summers cảnh báo.

Dữ liệu kinh tế yếu dồn dập xuất hiện, đẩy ông Biden vào thế khó ngay thời điểm then chốt - Ảnh 2.

Tuần này, Nhà Trắng sẽ họp bàn cùng các lãnh đạo cấp cao trong Quốc hội để thúc đẩy gói đầu tư cơ sở hạ tầng trị giá 2.300 tỷ USD cũng như gói chi tiêu bổ sung trị giá 1.800 tỷ USD để giải quyết tình trạng bất bình đẳng trong xã hội Mỹ.

Đảng Cộng hòa đã nhanh chóng kêu gọi chính phủ Mỹ nên thỏa hiệp hoặc chi tiêu tài khóa từ từ thay vì bơm hơn 4.000 tỷ USD vào nền kinh tế trong vỏn vẹn 10 năm tới như Nhà Trắng đang theo đuổi.

"Quy mô kích thích kinh tế của chúng ta trong năm qua vượt xa những gì các chính phủ tiền nhiệm từng thông qua trong quá khứ, vì vậy chúng ta cần phải tạm dừng và đánh giá tác động của các gói cứu trợ trước lên nền kinh tế đã", ông Brian Riedl, cựu trợ lý của Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Rob Portman, lưu ý.

"Các chuyên gia đã hiểu sai. Họ đánh giá thấp dữ liệu việc làm và lạm phát. Bây giờ các chuyên gia nên nhìn nhận lại các bộ dữ liệu này và đánh giá lại tình hình", ông Riedl kêu gọi.

Hãng tin Washington Post dự đoán, những áp lực kinh tế gần đây có thể làm cho Nhà Trắng e dè hơn khi theo đuổi các thay đổi chính sách lớn.

Một số cố vấn thân cận với chính quyền ông Biden mô tả thời điểm hiện tại như một thử nghiệm quan trọng đối với cam kết cải cách chính sách kinh tế mà Washington đưa ra, đặc biệt là khi cộng đồng doanh nghiệp và Đảng Cộng hòa ngày càng chĩa mũi dùi vào các đề xuất đó.

Chính quyền Tổng thống Biden vốn đã thể hiện tâm lý nhạy cảm đối với chỉ trích từ bên ngoài. Cuối tuần trước, Nhà Trắng đã tổ chức nhiều cuộc họp với sự tham gia của Hội đồng Kinh tế Quốc gia và Bộ Tài chính để phản hồi cáo buộc rằng tình trạng thiếu lao động đang cản trở đà phục hồi của nền kinh tế Mỹ.

Tuy nhiên, vẫn có khá nhiều nhà lập pháp và cố vấn kinh tế khuyến khích chính quyền ông Biden nên tiếp tục với các dự luật chi tiêu tài khóa mới, đơn cử như Hạ nghị sĩ Đảng Dân chủ Pramila Jayapal.

"Nhà Trắng không nên chùn bước", bà Jayapal nhấn mạnh. "Tôi hiểu Nhà Trắng đang bị các đảng viên Cộng hòa công kích, nhưng với tôi cách giải quyết hay nhất là dựa vào bản báo cáo việc làm. Buộc người lao động tìm kiếm việc làm mới hay bắt bẻ họ không phải là cách thích hợp".

Khả Nhân