|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Du lịch Việt Nam nhìn từ vụ chia đôi đoàn 4.000 khách

14:02 | 28/11/2018
Chia sẻ
So với Thái Lan, Singapore, Malaysia… du lịch Việt thiếu sức cạnh tranh khi cơ sở hạ tầng, dịch vụ không đủ để đáp ứng nhiều đoàn khách lớn.

Hồi tháng 5, một đoàn khách nước ngoài 4.000 người đến Việt Nam theo chương trình hội nghị kết hợp du lịch (MICE) tại Hà Nội, Đà Nẵng và TP HCM. Tuy nhiên, cơ sở hạ tầng ở ba nơi này không thể đáp ứng tất cả cùng lúc. Doanh nghiệp phía Việt Nam phải làm việc với đối tác ngắt làm hai đoàn, lịch trình cách nhau 11 ngày. Tiệc chiêu đãi mỗi đoàn phải tổ chức hai tầng do mỗi tầng không đủ sức chứa tất cả.

Không chỉ các đoàn lớn, nhiều khách du lịch tự túc đến TP HCM phàn nàn nhiều năm qua sản phẩm du lịch (dịch vụ đáp ứng nhu cầu của khách) không có gì mới, ngoài các điểm đến truyền thống có sẵn như địa đạo Củ Chi, bảo tàng Chứng tích Chiến tranh, Hội trường Thống Nhất, chợ Bến Thành...

Tiếp nhận 55% khách quốc tế đến Việt Nam, thành phố hiện gần như không có chương trình tour có thể khiến khách lưu lại hai ngày. Theo các công ty du lịch, chương trình tour TP HCM hơn một ngày thường kết hợp đi thêm các tỉnh, thành xung quanh như Bến Tre, Tiền Giang rồi quay về thành phố để về nước. Vì thế, việc khách quay trở lại chiếm tỷ lệ rất thấp nếu không vì mục đích đầu tư, kinh doanh.

Các điển hình về sản phẩm du lịch đa dạng

Thế mạnh của sản phẩm du lịch Việt Nam là thiên nhiên và điểm đến văn hóa, lịch sử. Tuy nhiên, tài nguyên du lịch sẽ dần trở nên quen thuộc nếu không biết khai thác. Du khách không thể đến ngắm cảnh, tham quan các di tích lịch sử hay bảo tàng rồi về ngủ. Họ cần sản phẩm bổ sung.

Hội An là điểm đến nổi bật ở Việt Nam với sản phẩm du lịch hấp dẫn. Nơi đây có nhiều điều mới để du khách trải nghiệm như một ngày làm ngư dân cho du khách cơ hội học hỏi nghề chài lưới; tour làm nông cho khách trồng rau; tour đi cày; tour học nấu ăn, bắt đầu bằng việc đi chợ Hội An tìm hiểu các đặc sản địa phương rồi về nhà hàng tự tay làm bánh xèo, cuốn ram... Gần đây, Hội An còn có tour chèo thuyền thúng trong rừng dừa Cẩm Thanh; đạp xe về các làng quê ngoại ô Hội An.

Với Đà Nẵng, cầu vàng ở Bà Nà vừa xuất hiện đã nổi tiếng trên thế giới về hình tượng và sự độc đáo. Lễ hội pháo hoa hàng năm tuy sinh sau đẻ muộn so với nhiều lễ hội truyền thống ở các tỉnh thành, đã trở thành thương hiệu quốc tế.

Tại Phú Quốc, từ vùng đất hoang sơ, đảo ngọc dần định hình thành điểm du lịch nghỉ dưỡng hạng sang với hàng loạt khách sạn cao cấp. Ngoài trải nghiệm tắm biển, lặn ngắm san hô, khám phá làng chài hay đi xuyên rừng, khách đến Phú Quốc đã có thể tìm được nhiều dịch vụ độc đáo như Safari bán hoang dã, cáp treo vượt biển dài nhất thế giới... Mới đây, quán bar nằm trên tầng 19 của khách sạn InterContinental Phu Quoc Long Beach Resort - INK360 đi vào hoạt động. Hiện đây là quán bar cao nhất Phú Quốc, có view thẳng ra Bãi Trường với khung cảnh thiên nhiên hoang sơ, khoáng đạt, nơi được mệnh là danh điểm ngắm hoàng hôn đẹp nhất cả nước, dự án do BIM Group đầu tư.

Tìm lối đi cho sản phẩm du lịch

Theo các chuyên gia, nhiều địa phương hoặc điểm đến du lịch còn lúng túng trong việc xác định và thiết kế sản phẩm du lịch độc đáo để thu hút du khách quốc tế và nội địa.

Như tại TP HCM, các sản phẩm du lịch được sáng tạo liên tục nhưng chỉ hoạt động cầm cự, điển hình là khu du lịch văn hóa sinh thái dân tộc thiểu số Fosaco, công viên nước Củ Chi, show "Một thời để nhớ"... Nhiều khu điểm du lịch sau thời gian dài cũng giậm chân tại chỗ như khu tưởng niệm văn hóa dân tộc đền Hùng quận 9, căn cứ Rừng Sác Lâm Viên Cần Giờ...

Chưa kể, du lịch đường thủy sông Sài Gòn suốt 3 năm (2015 - 2018) không có đột phá vì thiếu bến bãi, thậm chí phải bán bớt tàu. Do môi trường vệ sinh không đảm bảo, du thuyền kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè phải nằm "chờ chết" sau khi khai trương hoành tráng.

du lich viet nam nhin tu vu chia doi doan 4000 khach
Thiết kế của quán bar INK360 lấy cảm hứng từ bạch tuộc "Kraken" khổng lồ. Đây là sáng tạo của kiến trúc sư Australia, Ashey Sutton, cha đẻ của nhiều quán bar "độc nhất vô nhị" tại châu Á.

Do thiếu định hướng và chiến lược phát triển sản phẩm du lịch, nhiều nhà đầu tư đã thất bại và lặng lẽ rút lui khỏi thị trường, các sản phẩm du lịch chết non. Trong đó phải kể đến dự án Góc Sài Gòn (nhà đầu tư Miss Áo dài thuộc Tập đoàn Trung Thủy), sân khấu nhạc nước ở quận 7 (Kenton Node...), HTX du lịch Một thoáng Việt Nam ở Củ Chi, show diễn tạp kỹ của nhà hát Nam Quang (Amazing show, nghệ sĩ Vân Sơn đầu tư).

Thực tế cho thấy, để Hội An có sản phẩm du lịch phong phú như ngày nay, không chỉ có vai trò của cơ quan quản lý nhà nước địa phương, mà còn có sự góp sức rất lớn của các doanh nghiệp. Nhiều hướng dẫn viên sau quá trình phục vụ du khách, hiểu được nhu cầu về điểm đến mới của họ, đã quay về làm dự án phát triển sản phẩm. Các tour đi cày, cưỡi trâu... đều xuất phát từ thực tế đó.

Năm 2018, Tổng cục du lịch Thái Lan (TAT) dự kiến đón 37,5 triệu lượt khách quốc tế, và mục tiêu đến năm 2019 đón 40 triệu lượt. Để đạt được con số du khách khổng lồ này, ngành du lịch Thái Lan chưa bao giờ quên phát triển sản phẩm. Hàng năm, TAT luôn tổ chức khảo sát thị trường quốc tế để thông qua đó biết được nhu cầu du khách.

du lich viet nam nhin tu vu chia doi doan 4000 khach
Khách Tây thích thú trải nghiệm làm nông dân ở Hội An. Ảnh: Trí Tín.

Dựa vào thông tin này, TAT sẽ cùng với đối tác doanh nghiệp lựa chọn nâng cấp sản phẩm du lịch nào phù hợp, đồng thời phát triển sản phẩm mới đáp ứng thị hiếu du khách. Nhờ vậy, những sản phẩm cũ của Thái Lan nếu còn hút khách sẽ được đầu tư làm mới thường xuyên để khách quay lại lần hai, lần ba... không thấy nhàm chán.

Thái Lan cũng mạnh dạn du nhập sản phẩm du lịch của nước ngoài để đa dạng hóa hơn, như show diễn Cooking Nanta có xuất xứ từ Hàn Quốc. Thái Lan đã mời nguyên nhóm làm chương trình từ Hàn Quốc qua để thực hiện chương trình này. Thêm Cooking Nanta, sản phẩm du lịch giải trí ở Bangkok được xem như hoàn thiện, khi có đầy đủ nội dung khác nhau để phục vụ du khách như Fantasy, Siam Niramit cho tới các show diễn võ thuật Muay Thái...

Nguyễn Đức Chi