Cần cách tiếp cận mới đối với du khách Nhật
Du khách Nhật Bản ngày nay vẫn là những người kỹ tính khi quyết định đi du lịch và chọn lựa dịch vụ, nhưng sở thích, cách tìm kiếm thông tin, đặt tour... đã khác trước rất nhiều, đòi hỏi ngành du lịch thay đổi cách tiếp cận.
Nhật Bản là thị trường lớn thứ ba của du lịch Việt Nam, sau Trung Quốc và Hàn Quốc. Theo số liệu từ Tổng cục Du lịch, vào năm ngoái, cả nước đón hơn 789.000 lượt khách Nhật, tăng 7,8% so với năm trước đó. Tuy nhiên, trong bốn năm trở lại đây, trong khi hai thị trường đầu liên tục tăng trưởng cao thì Nhật Bản đang tăng trưởng chậm lại dù mối quan hệ kinh tế, chính trị giữa hai nước vẫn phát triển tốt và ngành du lịch cũng thực hiện nhiều chương trình tiếp thị điểm đến tại nước này. Theo một số chuyên gia và doanh nghiệp Nhật, điều quan trọng là cần bắt kịp cách tiếp thị mới và nâng cao chất lượng dịch vụ.
Du khách đến từ... mạng xã hội
Ngày nay, du khách Nhật vẫn là những khách hàng rất kỹ tính và cân nhắc đủ mọi mặt trước khi quyết định đi du lịch nước ngoài. Theo chuyên gia của Trung tâm ASEAN - Nhật Bản, có đến 19 yếu tố cản trở những vị khách này thực hiện chuyến đi như nỗi quan ngại về an ninh, ngôn ngữ, dịch bệnh; lo chi phí cao; lo lắng về sức khỏe; quy trình và thủ tục du lịch rắc rối; cần chăm sóc gia đình, động vật, cây cối; không đồng ý với mánh khóe của dân địa phương; không phù hợp với thức ăn... Trong đó, đặc điểm chung là ngày càng có nhiều người lo lắng hơn về vấn đề an ninh và sức khỏe khi đi du lịch nước ngoài. Tuy nhiên, những thay đổi về xã hội và công nghệ đã làm cho phân khúc khách hàng, cách tiếp cận thông tin và đặt chỗ cho chuyến đi khác trước.
Du khách Nhật Bản tham gia trồng rừng tại Cần Giờ, TPHCM. Ảnh: Đào Loan |
Nói đến khách du lịch Nhật Bản, người ta vẫn thường nghĩ đến hình ảnh những cô gái trẻ và phụ nữ trung niên, những người đi du lịch Việt Nam nhiều nhất trong thời kỳ đầu những năm 2000, khi lượng khách Nhật đổ sang Việt Nam du lịch được nhiều người gọi là “làn sóng”. Đến nay, phân khúc đã thay đổi. Theo thông tin từ Trung tâm ASEAN - Nhật Bản, lượng khách lớn nhất của thị trường Việt Nam là những người đàn ông trung niên (26,5%), kế đến là đàn ông lớn tuổi (13,2%), sau đó mới là phụ nữ lớn tuổi (11,8%), phụ nữ trung niên (10,3%), đàn ông đã kết hôn (9,6%)...
Hiệp hội Lữ hành Nhật Bản (JATA) cũng cho rằng ba phân khúc khách hàng quan trọng mà ngành du lịch cần quan tâm gồm nhóm khách đi du lịch gia đình, nhóm khách trung niên và thế hệ F1-F2 sau đó. Trong số này, nhóm khách trung niên là lượng khách quan trọng vì có thu nhập tốt và có thời gian để đi du lịch; nhóm khách gia đình là thị trường tiềm năng vì xu hướng đi du lịch nước ngoài của nhóm này đang tăng, có những gia đình ba thế hế cùng đi với nhau. Phân khúc F1-F2 thì thường không đi tour hạng sang hay tour chuyên sâu nhưng lại tạo nên sức mạnh truyền thông mạnh mẽ cho điểm đến.
Tuy nhiên, dù là phân khúc nào thì điều thay đổi rõ rệt nhất là sự gia tăng của xu hướng du lịch tự do và ảnh hưởng của mạng xã hội đến quyết định đi du lịch của khách hàng. Theo một số chuyên gia Nhật Bản, những nhận định về việc người dân nước này ít dùng mạng xã hội là chưa đúng. Thực tế, người dân Nhật rất thích dùng một số mạng xã hội như Line, Instagram và bị ảnh hưởng rất nhiều từ những hình ảnh của các chuyến đi được đăng tải trên đó.
“Line và Instagram là hai mạng xã hội được sử dụng nhiều nhất. Chúng tôi đã khảo sát và thấy rằng những người sử dụng Instagram đi du lịch nhiều hơn”, bà Kanda Mizuho, Trợ lý giám đốc Phòng Du lịch và Trao đổi thuộc Trung tâm ASEAN - Nhật Bản nói tại Hội thảo Du lịch Việt Nam - Nhật Bản, một sự kiện diễn ra bên lề Hội chợ Du lịch quốc tế tại TPHCM 2018 diễn ra vào cuối tuần qua.
Ông Hideaki Muria, Phó trưởng bộ phận xúc tiến du lịch nước ngoài thuộc JATA, cũng đưa ra thông tin tương tự. Theo đó, xu hướng du khách đi du lịch rồi đăng tải hình ảnh lên mạng xã hội đã gia tăng nhanh chóng trong thời gian gần đây và tác động rất lớn đến quyết định du lịch của người Nhật. Quy trình đặt chỗ của khách hàng hiện không chỉ còn bắt nguồn từ sự hấp dẫn bởi thông tin do công ty du lịch đưa ra mà đến từ mạng xã hội, kế đó là từ các phương tiện truyền thông đại chúng. Rất nhiều người đã gửi yêu cầu đặt chỗ đến công ty du lịch sau khi tiếp nhận thông tin từ kênh này.
Việt Nam vẫn hấp dẫn nhưng...
Nói về độ hấp dẫn với du khách Nhật, Việt Nam thường được so sánh với Thái Lan vì đây là hai điểm đến đón nhiều khách nhất từ thị trường này và có một số lợi thế thu hút khách như bãi biển đẹp, các khu nghỉ dưỡng ở bãi biển, di sản văn hóa... Tuy nhiên, lượng khách Nhật đến Thái Lan lại nhiều hơn gần gấp đôi so với Việt Nam. Từ nhiều năm nay, khoảng cách này chẳng những chưa thể rút ngắn mà theo một số doanh nghiệp Nhật Bản, mức độ cạnh tranh điểm đến của Việt Nam đang yếu đi bởi có đến 93,7% khách du lịch Nhật được hỏi đều nói muốn quay lại Thái Lan trong khi tỷ lệ này với Việt Nam là rất thấp.
Theo chuyên gia Nhật Bản, các yếu tố thu hút người Nhật ở nước ngoài gồm thư giãn qua việc nghỉ ngơi ở các bãi biển đẹp, khách sạn, spa, mua sắm, ăn uống; quan tâm đến di sản văn hóa, trải nghiệm các hoạt động thể thao, sự kiện lễ hội tại địa phương và trao đổi với người dân bản địa. Trong các yếu tố này, du lịch Việt Nam chỉ mới đáp ứng được một phần, trong khi đó những thách thức về thiếu dịch vụ và sự trùng lặp về sản phẩm lại chưa được giải quyết.
Theo ông Muria, hiện cả ba khu vực Bắc, Trung và Nam đều có những thách thức trong việc thu hút du khách Nhật. Miền Bắc cần phải phát triển các hành trình mới vì hiện tại chỉ tập trung các sản phẩm dựa vào thế mạnh di sản vịnh Hạ Long như tour tham quan Hà Nội và vịnh Hạ Long. Miền Trung, trong đó có Đà Nẵng hiện đang là điểm đến được yêu thích nhất, có thế mạnh về di sản văn hóa cùng các khu nghỉ dưỡng nhưng cần quản lý dịch vụ chặt chẽ hơn nữa vì nhiều lúc khách không thể lên lịch hẹn do thiếu dịch vụ, mặt khác lực lượng hướng dẫn viên chuyên nghiệp cũng đang thiếu. Miền Nam có lợi thế cạnh tranh lớn là TPHCM, nơi có đến 50% khách Nhật chọn để ghé qua khi đến Việt Nam nhưng cũng là thách thức vì sự trùng lặp sản phẩm và thiếu những dịch vụ chuyên nghiệp.
Xem thêm |
“Chất lượng hướng dẫn viên và chất lượng dịch vụ tại chỗ cần được cải thiện. Chẳng hạn, về nhà hàng thì thành phố lớn như TPHCM vẫn đang rất thiếu những nhà hàng có thể cho phép đặt chỗ sớm trước vài tháng cho những đoàn khách lớn”, ông Muria nói.
Một số doanh nghiệp khác cũng cho rằng cách quảng bá điểm đến qua các chương trình giới thiệu hay tổ chức một số lễ hội văn hóa, du lịch tại Nhật hiện không còn đưa được thông tin đến nhiều người Nhật như trước. Khách hàng đã có cách tìm kiếm thông tin mới nên ngành du lịch cần phát thông tin về lễ hội, sản phẩm, những thay đổi về dịch vụ trên mạng xã hội, làm các trang điện tử có kết nối với Instagram, cũng như dùng ngôn ngữ, cách tiếp thị của người Nhật, nếu không thì thị trường sẽ chững lại trước sự cạnh tranh của những điểm đến khác trong khu vực.