Du lịch Nha Trang phát triển thị trường mới, cần bỏ suy nghĩ ‘Tàu đến, Tây đi’
Thông tin trên được các chuyên gia và lãnh đạo ngành du lịch chia sẻ tại Hội thảo Quốc tế Du lịch Khánh Hòa và chiến lược phát triển điểm đến Quốc gia diễn ra tại Khánh Hòa hôm 4/8.
Nha Trang sẽ là điểm đến dài hạn đối với khách Trung Quốc
Ông Lương Hoài Nam - Thành viên Hội đồng tư vấn Du lịch chia sẻ, bài toán cấu trúc thị trường khách Khánh Hòa mấy chục năm nay vẫn chưa giải quyết được nhiều, đây là việc phải làm, tuy nhiên trước khi làm tỉnh cần phải giữ những gì đang có đối với thị trường khách du lịch từ Nga và Trung Quốc, bởi đây lần lượt là thị trường truyền thống lâu đời và nở rộ gần đây. Theo ông Nam, khi phát triển thị trường mới, cần phải bỏ suy nghĩ “Tàu đến, Tây đi”.
Ông Nam cho biết, nhiều nơi trên thế giới có rất nhiều du khách Trung Quốc đến nhưng lượng khách phương Tây không hề giảm. Đơn cử Thái Lan mỗi năm đón 10 triệu lượt khách Trung Quốc và vẫn có đến 20 triệu lượng khách các nước khác đến.
Hội thảo Quốc tế “Du lịch Khánh Hòa trong chiến lược phát triển điểm đến Quốc gia” ngày 4/8 tại Ana Marina, TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. (Ảnh: TV) |
Ông Nicholas Urvois - Quản lý cấp cao của Tập đoàn THR Dubai chia sẻ, thị trường khách du lịch chính hiện nay của Khánh Hòa chủ yếu từ Trung Quốc và Nga chiếm đến 70%. Tuy nhiên, tỉnh cần tìm cách để không quá lệ thuộc vào hai thị trường này nhằm thu hút các thị trường Mỹ, Tâu Âu và Úc quay trở lại.
Ông Vũ Quốc Trí - Chánh văn phòng Tổng Cục Du lịch Việt Nam (VNAT) chia sẻ, khoảng 80-90% người Nga đến Việt Nam là du lịch Nha Trang, họ đến trực tiếp đến sân bay Cam Ranh để du lịch Nha Trang từ những năm 2013. Người Trung Quốc bắt đầu bay trực tiếp đến Nha Trang từ năm 2015 và liên tục tăng từ đó đến nay, khoảng 170 nghìn khách Trung Quốc đến Nha Trang vào cuối 2015, 540 nghìn khách cuối 2016, 1,2 triệu khách cuối 2017 và dự báo khoảng 2 triệu khách Trung Quốc đến Nha Trang trong năm nay.
Ông Vũ Quốc Trí - Chánh văn phòng Tổng Cục Du lịch Việt Nam (VNAT). (Ảnh: TV) |
Không riêng Việt Nam, khách Trung Quốc tăng trưởng ở tất cả thị trường khác, Đông Nam Á là nơi đầu tiên họ đến. Cam Ranh có vị trí địa lý gần Trung Quốc, trong khi chi phí đi đến Thái Lan ngày càng đắt đỏ, do đó, Nha Trang sẽ là điểm đến dài hạn và tiềm năng đối với khách Trung Quốc, đặc biệt là khu vực bãi dài, ông Trí cho hay.
Ông Lương Hoài Nam cũng thông tin thêm, người Trung Quốc thích tắm biển và ăn hải sản nhưng biển của họ lạnh nên không thể tắm quanh năm. Trong khi đó, Việt Nam có biển nóng có thể đáp ứng những nhu cầu du lịch trên và cũng là vùng biển gần với Trung Quốc nhất.
Ông Lương Hoài Nam - Thành viên Hội đồng tư vấn Du lịch. (Ảnh: TV) |
Ông Nam cho rằng, biển Việt Nam có lợi thế địa lý nên cần được sử dụng để phục vụ nhu cầu du lịch của người Trung Quốc. Tuy nhiên cần chọn lọc những đối tượng khách có thu nhập cao để cải thiện chất lượng, bên cạnh đó, Khánh Hòa nên mạnh dạn mở rộng đầu tư thị trường Tây Âu, Úc, Mỹ.
Đồng tình với ý kiến tiếp tục giữ khách Trung Quốc là thị trường chính, lãnh đạo Sở Du lịch Khánh Hòa, ông Trần Việt Chung cho hay, tỉnh sẽ tiến hàng cơ cấu khách Trung Quốc cao cấp hơn, có chi tiêu nhiều hơn, khách đi theo nhỏ lẻ, giới trẻ, những người có trí thức, biết tiếng Anh.
Phát triển sản phẩm du lịch nào cho Nha Trang?
Ông Nicholas Urvois - Quản lý cấp cao của Tập đoàn THR Dubai. (Ảnh: TV) |
Liên quan đến việc phát triển sản phẩm du lịch của Nha Trang, chuyên gia quản lý cấp cao của THR đề xuất Khánh Hòa cần đa dạng sản phẩm theo từng phân loại khách du lịch. Để thực hiện việc này, tỉnh cần xác định hướng đến thị trường nào, tác động khách hàng nào.
Bên cạnh đó, cần nghiên cứu, tìm hiểu thị trường, mong đợi, nhu cầu trải nghiệm của khách hàng. Cần có chiến lược marketing khôn ngoan để khách du lịch những thị trường mới quay lại Nha Trang. Theo vị chuyên gian này, đây là điểm cực nhỏ nhưng hướng đến phát triển bền vững, và đây cũng là kim chỉ nam hành động xuyên suốt.
Ông Trần Du Lịch - Trưởng nhóm tư vấn Ban điều phối vùng duyên hải miền Trung thì cho rằng, miền Trung cần phát triển 3 đầu mối là Lữ Hành, Lưu trú, Hệ thống giao thông - Logistics với sự chỉ huy của cơ quan nhà nước. “Làm du lịch phải bài bản chứ không làm kiểu mì ăn liền, nghiệp dư”. Theo ông Lịch, Nha Trang phải xây dựng là nơi có thương hiệu, tượng trưng điểm đến cho vùng du lịch Nam Trung Bộ, gắn với Tây Nguyên để tạo sản phẩm du lịch bổ sung, đa dạng.
Hiện các nhà đầu tư đang phát triển nhanh và khá tốt về dịch vụ lưu trú, nhưng để phát triển được sản phẩm cần kết hợp với dịch vụ lữ hành, trong địa bàn phải có sự kết nối giữa các đơn vị làm du lịch.
Ý kiến khác từ ông Nam cho rằng, ý tưởng sản phẩm du lịch tốt nhưng visa không được cải thiện thì nhiều khách quốc tế sẽ khó lòng đến Việt Nam. Một điểm đến về biển có không quá nhiều việc phải làm nhưng phải đánh giá thực tế về tiềm năng, quản lý môi trường chung. “Biển Nha Trang khác biệt ra sao không phụ thuộc vào biển mà là nơi này có sản phẩm gì, địa phương hỗ trợ doanh nghiệp tạo ra điều gì, chính con người tạo ra khác biệt chứ không phải thiên nhiên”, ông Nam nêu quan điểm.
Mặt khác, ông Nam cũng kiến nghị về một bầu trời tự do hóa hàng không, xã hội hóa sân bay bởi hạ tầng sân bay Việt Nam hiện tại còn tụt hậu so với các nước trong khu vực và chưa đáp ứng đủ lượng khách ngày một đông.
Ông cho biết, cả nước hiện có 21 sân bay với tổng công suất khoảng 75 triệu khách/năm, chỉ bằng công suất của 1 cảng hàng không lớn trong khu vực, như sân bay Changi của Singapore, sân bay Suvarnabhumi của Bangkok (trong khi Bangkok còn có sân bay cũ Don Mueang), sân bay KLIA của Kuala Lumpur. Thái Lan có 38 sân bay, nhiều gần gấp đôi Việt Nam.
Ngoài ra, nước ta hiện mới chỉ có 3 hãng hàng không (Vietnam Airlines, Jetstar Pacific, Vietjet Air), ít hơn nhiều so với 13 hãng hàng không đang hoạt động ở Thái Lan. Số hãng hàng không đang khai thác ở Việt Nam cũng ít hơn so với Singapore, Malaysia, Philippines, Campuchia, Myanmar và ít hơn 10 lần so với Indonesia. Mức độ cạnh tranh hàng không nội địa, quốc tế ở Việt Nam đang rất thấp so với khu vực.
6 tháng đầu năm 2018, du lịch Khánh Hòa đón 3,2 triệu lượt khách lưu trú; trong đó khách quốc tế đạt 1,5 triệu lượt, tăng gần 60% so với cùng kỳ năm ngoái. Doanh thu toàn tỉnh đạt doanh thu hơn 12.000 tỷ đồng, tăng 34%. Hiện trên địa bàn tỉnh có 684 cơ sở lưu trú du lịch với khoảng 31.700 phòng. Trong đó, 150 cơ sở lưu trú xếp hạng 3 - 5 sao, số phòng khoảng 22.300 phòng, chiếm 70,4% tổng số phòng lưu trú. Phấn đấu đến 2020, du lịch Khánh Hòa mục tiêu đón 8,5 triệu khách có lưu trú, với 3,5 triệu khách quốc tế. |
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/