Du lịch mạo hiểm hoạt động tự phát, lúng túng vì chưa có tiêu chuẩn
Lộ diện tổ hợp du lịch nghỉ dưỡng thời thượng nhất Việt Nam |
Một cuộc hội nghị tương tự cũng vừa được tổ chức ở Đà Lạt, nơi hoạt động du lịch phát triển rất mạnh những năm gần đây và cũng là nơi xảy ra rất nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng làm khách du lịch tử vong. Theo đánh giá của TCDL, Việt Nam là quốc gia có nhiều lợi thế phát triển du lịch mạo hiểm với địa hình ¾ là đồi núi, có hệ thống sông ngòi dày đặc, nhiều hang động đẹp, nhiều khu bảo tồn thiên nhiên và vườn quốc gia rộng lớn, bờ biển trải dài từ Bắc tới Nam. Những đỉnh núi hùng vĩ như Mã Pí Lèng (Hà Giang), Lang Biang (Lâm Đồng), Fansipan (Lào Cai), Pia Oắc (Cao Bằng), Tam Đảo (Vĩnh Phúc), Mẫu Sơn (Lạng Sơn)… là những điểm lý tưởng cho các hoạt động leo núi, treckking (đi bộ) xuyên rừng… Bên cạnh đó, hệ thống hang động như hang Sơn Đoòng, động Phong Nha- Tiên Sơn, động Thiên đường, Tú Làn (Quảng Bình) lại thu hút những người thích khám phá hang động. Bờ biển dài hơn 3.000km thích hợp cho việc tổ chức các hoạt động đua thuyền, lướt ván, lặn biển…
Khách du lịch đi bộ leo núi tại Bình Liêu, Quảng Ninh |
Du lịch mạo hiểm, khám phá (adventure) được rất nhiều công ty khai thác ở Việt Nam như: Hanspand travel Vietnam, Asiatica travel, Exotissimo travel Vietnam, Oxalis Adventure Tours, Công ty du lịch Lâm Đồng, Vietasian Nha Trang…. Tuy nhiên, trên thực tế, hoạt động du lịch mạo hiểm ở Việt Nam hoàn toàn tự phát, chưa hề có tiêu chuẩn, quy chuẩn chuyên ngành hay quy định hướng dẫn quản lý hoạt động khai thác, kinh doanh du lịch mạo hiểm. Trong khi đó, du lịch mạo hiểm đã tăng trưởng mạnh mẽ trên toàn thế giới trong một vài thập kỷ vừa qua, doanh thu mà du lịch mạo hiểm đạt được năm 2013 được Tổ chức du lịch mạo hiểm thương mại đánh giá là 263 tỷ usd Mỹ.
Ở Việt Nam, với sự tăng trưởng nhanh của du lịch mạo hiểm, số lượng các công ty kinh doanh và khách du lịch tham gia vào các hoạt động mạo hiểm ngày càng tăng, loại hình du lịch này cần có những hướng dẫn, quy định rõ ràng về việc tổ chức và cung cấp hoạt động du lịch mạo hiểm. Hơn nữa, một số tai nạn đáng tiếc của khách du lịch khi tham gia du lịch mạo hiểm và nhiều mối tiềm ẩn khách do việc tổ chức và cung cấp thông tin cho du khách còn yếu cho thấy cần siết chặt việc quản lý an toàn đối với cá nhân và tổ chức điều hành, tham gia hoạt động du lịch mạo hiểm. Bởi vì, những vụ tai nạn trong hoạt động du lịch mạo hiểm không chỉ làm khách du lịch e dè khi lựa chọn sản phẩm du lịch này mà còn tác động tiêu cực đến hình ảnh của du lịch Việt Nam.
Du lịch mạo hiểm được nhiều khách trong và ngoài nước ưa thích |
Qua khảo sát ở các địa phương: Lào Cai, Quảng Bình, Khánh Hòa, Lâm Đồng, những nơi loại hình du lịch mạo hiểm đang rất phát triển, tập trung hầu hết các hoạt động du lịch mạo hiểm cho thấy: Doanh nghiệp chủ yếu cung cấp cho khách các loại hình du lịch mạo hiểm, thiết bị, cách sử dụng khi tham gia hoạt động du lịch hiểm chứ không đưa ra được bảo hiểm và chứng chỉ về điều hành hay hướng dẫn hoạt động du lịch mạo hiểm.
Hiện nay Việt Nam cũng chưa có quy định hướng dẫn viên, người điều hành, người hướng dẫn… phải có chứng chỉ về y tế để ứng cứu trong trường hợp xảy ra sự cố. Vì thế mới xảy ra vụ việc đau lòng khiến 3 du khách người Anh tử nạn khi tự ý vượt thác Datanla (Lâm Đồng) hồi đầu năm 2016 ngay trước mặt hướng dẫn viên. Ông Nguyễn Hoàng Trung, Trưởng ban đào tạo của Hội hướng dẫn viên du lịch Việt Nam vừa từ Tây Tạng về cho biết: Ở Tây Tạng, người hướng dẫn không có thẻ hướng dẫn viên mà họ là những người giàu kinh nghiệm, thuộc địa hình, hướng dẫn địa phương (local guide) có chứng chỉ về việc đào tạo kỹ năng sinh tồn (tiên đoán về thời tiết và định hướng, sơ cứu…). Hiện nay Hội hướng dẫn viên du lịch Việt Nam đang làm việc với một tổ chức của Đan Mạch để đào tạo 3 tháng (miễn phí), cấp chứng chỉ về sơ cứu y tế cho tất cả các hội viên.
Ông Nguyễn Đình Dũng, Phó Giám đốc Sở Du lịch Lào Cai cũng dẫn lại trường hợp du khách người Anh Aiden Webb, vận động viên leo núi chuyên nghiệp, đã chinh phục rất nhiều địa hình khó nhưng do chủ quan nên đã mất mạng trên đường lên đỉnh Fansipan. Vì thế, cần bổ sung những kỹ năng về chống lạc đường, sinh tồn trong điều kiện khắc nghiệt và khuyến cáo về điều kiện sức khỏe với du khách. Đại diện các doanh nghiệp, địa phương, chuyên gia du lịch cũng cho rằng rất cần thiết phải ban hành bộ tiêu chuẩn này để có công cụ quản lý tốt hơn hoạt động du lịch mạo hiểm trong tương lai, đảm bảo an toàn tính mạng và quyền lợi của khách du lịch. Tuy nhiên cần đồng nhất các tên gọi, khái niệm để Luật Du lịch 2017, Nghị định hướng dẫn luật và Bộ tiêu chuẩn quốc gia về du lịch mạo hiểm. Việt hóa, chuẩn hóa, chuyên nghiệp hóa các thuật ngữ để dễ hiểu và dễ áp dụng trong cuộc sống nhất, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tham gia vào hoạt động du lịch.
Tiêu chuẩn du lịch quốc gia về du lịch mạo hiểm gồm 3 bộ: Du lịch mạo hiểm- hệ thống quản lý an toàn- các yêu cầu; Du lịch mạo hiểm- nhà điều hành- năng lực cá nhân; Du lịch mạo hiểm- Thông tin cho người tham gia. Tiêu chuẩn này đưa ra các yêu cầu và hướng dẫn nhằm nâng cao hệ số an toàn, đáp ứng kỳ vọng về sự an toàn cho những người tham gia, hỗ trợ các tổ chức cá nhân tuân thủ các yêu cầu pháp lý khi thực hiện hoạt động du lịch mạo hiểm.