|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Dự kiến phát hành 260.000 tỉ đồng trái phiếu Chính phủ, kì hạn bình quân 13 năm

11:26 | 22/02/2019
Chia sẻ
Kho bạc Nhà nước mới đây công bố kế hoạch phát hành 260.000 tỉ đồng TPCP trong năm 2019 với kì hạn bình quân khoảng 13 năm. Riêng quí I, KBNN tính phát hành khoảng 73.500 tỉ đồng.

Ngày 21/2 vừa qua, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) tổ chức Hội nghị Thành viên thị trường trái phiếu Chính phủ (TPCP) đầu năm 2019. Đây là hội nghị thường niên do HNX tổ chức nhằm đưa ra định hướng phát triển thị trường và kế hoạch hành động trong năm 2019.

Phát hành 260.000 tỉ đồng TPCP, có cơ chế hỗ trợ nhà tạo lập thị trường

Tại Hội nghị lần này, Kho bạc Nhà nước (KBNN) cho biết dự kiến khối lượng TPCP sẽ huy động qua kênh đấu thầu khoảng 260.000 tỉ đồng; kì hạn phát hành bình quân năm 2019 dự kiến khoảng 13 năm. KBNN sẽ duy trì lịch biểu phát hành hàng tuần, gọi thầu đan xen các loại kì hạn ngắn, trung và dài hạn.

Năm 2018, KBNN ban đầu đề ra kế hoạch huy động 200.000 tỉ đồng TPCP, sau đó điều chỉnh giảm xuống còn 175.000 tỉ đồng, kết quả huy động thực tế được 165.797 tỉ đồng. Như vậy, kế hoạch huy động TPCP năm 2019 cao hơn 49% so với kế hoạch điều chỉnh năm 2018 và cao hơn 57% so với thực hiện năm 2018.

du kien phat hanh 260000 ti dong trai phieu chinh phu ki han binh quan 13 nam
Nguồn: số liệu từ HNX và Bộ Tài chính.

KBNN cũng chia sẻ một số định hướng trong công tác huy động vốn, theo đó, sản phẩm sẽ tập trung vào trái phiếu có kì hạn từ 5 năm đến 30 năm có kỳ trả lãi chuẩn hoặc loại long/short coupon; tiếp tục tái cơ cấu danh mục TPCP, dự kiến hoán đổi khoảng 20.000 tỉ đồng TPCP đến hạn trả nợ trong năm 2019 và năm 2020.

Riêng trong quí I, KBNN dự kiến phát hành 73.500 tỉ đồng trong đó chủ yếu là hai kì hạn 10 năm và 15 năm với khối lượng lần lượt 30.000 và 26.000 tỉ đồng:

du kien phat hanh 260000 ti dong trai phieu chinh phu ki han binh quan 13 nam
Nguồn: số liệu từ Bộ Tài chính

Riêng trong tháng 1, KBNN đã huy động được 36.300 tỉ đồng qua phát hành TPCP, bằng gần một nửa kế hoạch phát hành cả quí.

Để hỗ trợ nhà tạo lập thị trường (Primary Dealers – PDs) thực hiện nghĩa vụ chào giá cam kết chắc chắn, KBNN sẽ thí điểm phát hành một số mã trái phiếu chuẩn; đồng thời phát hành TPCP hỗ trợ thanh khoản cho PDs khi thực hiện nghĩa vụ chào giá cam kết chắc chắn nhưng không có đủ TPCP để giao dịch.

Định kỳ hàng quý, KBNN phối hợp với các đơn vị, trao đổi với các nhà tạo lập thị trường về công tác phát hành TPCP và địch hướng chính sách để phát triển thị trường trái phiếu.

Số liệu tổng kết thị trường TPCP năm 2018

Năm 2018, Sở GDCK Hà Nội đã tổ chức tổng cộng 269 phiên đấu thầu, huy động được 192.012 tỉ đồng, giảm 1,19% so với năm 2017, tương ứng với tỷ lệ huy động thành công đạt 53,1%, giảm 20,2% so với năm 2017.

Trong đó, Kho bạc Nhà nước huy động được 165.797 tỷ đồng, tăng 3,7% so với năm 2017, đạt 94,7% kế hoạch năm điều chỉnh. Ngân hàng Chính sách Xã hội huy động được 9.670 tỷ đồng, tăng 4,5% so với năm 2017, đạt 100% kế hoạch năm. Ngân hàng Phát triển Việt Nam huy động được 16.545 tỉ đồng, giảm 51% so với năm 2017, đạt 48,6% kế hoạch năm.

Trên thị trường thứ cấp, giá trị niêm yết TPCP đạt hơn 1,08 triệu tỉ đồng, tương đương 21,7% GDP của năm 2017, tăng 8,92% so với năm 2017.

Tổng giá trị giao dịch TPCP đạt 2,179 triệu tỉ đồng. Giá trị giao dịch TPCP bình quân phiên đạt gần 8.719 tỉ đồng/phiên, giảm 3,1% so với năm 2017. Đáng chú ý là tỷ trọng giao dịch Repos tiếp tục tăng lên đáng kể so với năm 2017, chiếm 54% tổng giá trị giao dịch toàn thị trường (năm 2017 chiếm 49,2%). Giao dịch Repos đã vượt giao dịch Outright tại hầu hết các tháng trong năm 2018, khẳng định xu thế phát triển mạnh của giao dịch Repos. Giá trị giao dịch Repos đạt cao nhất tại các tháng 7 và 10, lần lượt chiếm 59,7% và 61,5% so với tổng giá trị giao dịch toàn thị trường.

Tính tổng cả năm 2018, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng 1,07 nghìn tỉ đồng. Tổng giá trị giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài trong năm đạt 90,97 nghìn tỷ đồng, giảm 31,7% so với năm 2017, chiếm tỷ trọng 2,08% trên tổng giá trị giao dịch toàn thị trường.

Tiếp tục xây dựng trung tâm thông tin TPDN, đưa Hợp đồng tương lai TPCP vào hoạt động năm 2019

Vụ Tài chính Ngân hàng - Bộ Tài chính đã chia sẻ về việc triển khai cơ chế chính sách đối với thị trường TPCP năm 2019, theo đó dự kiến sẽ phát hành TPCP chuẩn; hoàn thiện hạ tầng trên thị trường thứ cấp để thực hiện chào giá cam kết chắc chắn; thực hiện nghiệp vụ hoán đổi TPCP; thí điểm phát hành các mã trái phiếu chuẩn để nhà tạo lập thị trường (PDs) thực hiện chào giá cam kết chắc chắn; nghiên cứu khả năng phát hành TPCP xanh.

Đối với TPCP bảo lãnh và trái phiếu chính quyền địa phương sẽ triển khai các quy định mới tại Nghị định 91/2018/NĐ-CP và Nghị định 93/2018/NĐ-CP. Đối với thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN), Vụ dự kiến sẽ xây dựng trung tâm thông tin TPDN; khuyến khích các doanh nghiệp huy động vốn trái phiếu.

Các tổ chức vận hành và thành viên thị trường cần theo sát tiến trình sửa đổi Luật Chứng khoán đối với các nội dung về: khái niệm nhà đầu tư chuyên nghiệp, điều kiện và quy trình phát hành TPDN ra công chúng, khả năng gắn xếp hạng tín nhiệm với phát hành TPDN ra công chúng, phạm vi phát hành, giao dịch TPDN phát hành riêng lẻ.

Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội cũng cam kết triển khai Hợp đồng tương lai TPCP (HĐTL TPCP) trong năm 2019. Đối với thị trường TPDN, HNX sẽ tiếp tục xây dựng cổng thông tin về thị trường TPDN; nghiên cứu xây dựng các quy định/quy chế về cổng thông tin TPDN.

du kien phat hanh 260000 ti dong trai phieu chinh phu ki han binh quan 13 nam
Ông Nguyễn Thành Long - Chủ tịch HNX phát biểu khai mạc Hội nghị thành viên thị trường TPCP đầu năm 2019. Ảnh: HNX

Về phía Ngân hàng Nhà nước, năm 2019, NHNN và thành viên thị trường sẽ tiếp tục phối hợp, trao đổi thông tin về kế hoạch, thời điểm, kì hạn, lãi suất phát hành TPCP và điều hành chính sách tiền tệ.

Bộ Tài chính và NHNN cần tiếp tục phối hợp trong việc hoàn thiện chính sách liên quan đến phát triển thị trường trái phiếu trong mối liên kết với thị trường tiền tệ; trao đổi, tham vấn giữa cơ quan quản lý với các PDs theo định kỳ về diễn biến thị trường và tình hình phát hành trái phiếu.

Ra mắt 15 nhà tạo lập thị trường công cụ nợ của Chính phủ năm 2019

Hội nghị cũng chứng kiến sự ra mắt của 15 nhà tạo lập thị trường công cụ nợ của Chính phủ năm 2019 theo Quyết định số 2355/QĐ-BTC của Bộ Tài chính.

du kien phat hanh 260000 ti dong trai phieu chinh phu ki han binh quan 13 nam
Ảnh: HNX.

Danh sách cụ thể:

STT Tên thành viên
1 CTCP Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam
2 Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam
3 CTCP Chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh
4 Ngân hàng TMCP Á Châu
5 Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam
6 Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam
7 Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt
8 Ngân hàng TMCP Quân đội
9 Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam
10 Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín
11 Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam
12 Ngân hàng TMCP Tiên Phong
13 Công ty TNHH Một thành viên Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam
14 Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam
15 Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam

Theo Điều 27, Nghị định 95/2018/NĐ-CP nhà tạo lập thị trường công cụ nợ chính phủ có các quyền sau:

a) Là đối tượng duy nhất được tham gia vào các phiên phát hành, mua lại hoán đổi công cụ nợ của Chính phủ theo phương thức đấu thầu;

b) Được ưu tiên lựa chọn làm tổ chức bảo lãnh chính đối với các đợt phát hành trái phiếu Chính phủ và công trái xây dựng Tổ quốc theo phương thức bảo lãnh;

c) Được tham gia trao đổi định kỳ về công tác phát hành và định hướng chính sách phát triển thị trường trái phiếu trong từng thời kỳ với Bộ Tài chính;

d) Được Kho bạc Nhà nước phát hành trái phiếu Chính phủ để đảm bảo thanh khoản theo quy định tại Điều 20 của Nghị định này;

đ) Được ưu tiên tham gia các phiên thỏa thuận mua lại hoặc thỏa thuận hoán đổi công cụ nợ của Chính phủ theo thông báo của Bộ Tài chính.

Còn theo công văn hướng dẫn nghĩa vụ, quyền lợi và tiêu chí đánh giá nhà tạo lập thị trường công cụ nợ của Chinh phủ năm 2019 do Bộ Tài chính ban hành, nhà tạo lập thị trường có một số nghĩa vụ như:

Trong kì đánh giá từ 1/11/2018 đến 31/10/2019, nhà tạo lập phải mua công cụ nợ của Chính phủ khối lượng tối thiểu là 2.500 tỉ đồng với công ty chứng khoán hoặc 4.800 tỉ đồng với ngân hàng thương mại.

Nhà tạo lập thị trường phải đảm bảo 70% nghĩa vụ mua tối thiểu nêu trên có kì hạn từ 5 năm trở lên theo Nghị quyết của Quốc hội. Nghĩa vụ mua công cụ nợ của Chính phủ trên thị trường sơ cấp bao gồm khối lượng mua cho chính nhà tạo lập và khối lượng mua cho khách hàng.

Về nghĩa vụ giao dịch, nhà tạo lập là công ty chứng khoán phải có giá trị giao dịch tối thiểu là 1% tổng giá trị giao dịch của toàn thị trường, các ngân hàng phải có giá trị giao dịch tối thiểu là 2% tổng giá trị giao dịch của toàn thị trường.

Xem thêm

Song Ngọc