Dự kiến mở thêm 10 đường bay, Vietnam Airlines tính làm lớn tại Nhật Bản
Vietnam Airlines tính toán giảm hạng thương gia, tăng vé phổ thông |
Nhật Bản hiện là thị trường nước ngoài lớn nhất, chiếm hơn 20% doanh thu của Vietnam Airlines. Năm ngoái, 631.120 hành khách đã sử dụng hãng hàng không quốc gia để bay đến Việt Nam từ Nhật Bản, tăng 11% so với năm 2016.
Trả lời phỏng vấn tờ Nikkei gần đây, ông Vũ Nguyên Khôi, giám đốc điều hành hoạt động thị trường Nhật Bản của Vietnam Airline cho biết hãng đặt mục tiêu nắm bắt nhu cầu mạnh mẽ của khách hàng cả về công việc và du lịch.
Bộ Tư pháp Nhật Bản cho biết năm 2017 lượng khách Việt Nam tăng 31% trong so với năm 2016, lên mức 323,451. Điều này một phần là do quy định mới cho phép người Việt Nam nộp đơn xin thị thực sang Nhật Bản tại các đại lý du lịch thay vì chỉ từ các đại sứ quán hoặc văn phòng lãnh sự quán.
Vietnam Airlines sẽ cung cấp dịch vụ hàng ngày trên tuyến mới giữa Đà Nẵng và sân bay Quốc tế Kansai, gần Osaka. Đà Nẵng là một điểm đến nghỉ dưỡng nổi tiếng, với đường đi dễ dàng đến các di sản thế giới tại Hội An và Huế. Đây sẽ là tuyến bay thứ hai nối Đà Nẵng với Nhật Bản, sau một tuyến bay đến sân bay Narita, cửa ngõ Tokyo.
Một phụ nữ Việt Nam đứng trước một phòng vé máy bay. Ảnh: Reuters/Nikkei. |
Vietnam Airlines cho rằng các đường bay đến và đi Đà Nẵng có giá trị còn bởi vì thành phố đã trở thành một địa điểm tổ chức các hội nghị quốc tế, bao gồm hội nghị hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) năm ngoái. Ông Khôi cho biết Vietnam Airlines kỳ vọng nhu cầu trên các tuyến này sẽ lớn hơn từ khách doanh nhân, kể cả từ ngành công nghiệp ô tô trong tương lai.
Một tuyến đường bay hiện có nối Hà Nội và Fukuoka, thành phố lớn nhất trong khu vực Kyushu phía nam Nhật Bản, sẽ hoạt động với tần suất hàng ngày, tăng từ 4 ngày một tuần. Điều này phần lớn là để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng từ các trường học ở Kyushu: Việt Nam là một điểm đến phổ biến khi các lớp của trường tổ chức đi xa.
Công suất tăng thêm trên tuyến Hà Nội-Nagoya, bay hàng ngày, sẽ được tăng lên bằng cách sử dụng các máy bay Boeing 787 4 ngày một tuần. Máy bay cỡ trung với tầm bay xa sẽ được cấu hình với số chỗ ngồi nhiều hơn khoảng 100 chỗ so với các chuyến bay hiện tại.
Vietnam Airlines thực hiện khoảng 60% các chuyến bay giữa hai nước. Nhưng sự cạnh tranh đang gia tăng có thể làm sói mòn con số này.
Vietjet Air là hãng hàng không giá rẻ đang phát triển nhanh nhất Việt Nam và đang chiếm thị phần nội địa từ Vietnam Airlines. Vietjet dự kiến sẽ khởi động đường bay Hà Nội-Narita vào tháng 1/2019. Hãng hàng không giá rẻ này đặt ra "một thách thức" đối với Vietnam Airlines, ông Khôi nói, đồng thời cho biết thêm rằng một số đường bay có thể phải đối mặt với tình trạng "dư thừa công suất". Ông Khôi cho biết câu trả lời của Vietnam Airlines đối với thách thức này là "cải thiện chất lượng dịch vụ".
Sự cạnh tranh gần đây đã trở nên rất căng thẳng vì cả hai hãng hàng không đều đang hướng đến thị trường Nhật Bản.
ANA Holdings – hãng hàng không 5 sao của Nhật Bản - có 28 chuyến bay kết nối hai quốc gia bao gồm một thỏa thuận liên danh với Vietnam Airlines. ANA đã mua lại 8,8% cổ phần của Vietnam Airlines với giá 108 triệu USD trong năm 2016, mặc dù hãng hàng không quốc gia của Việt Nam đã có thỏa thuận liên danh với đối thủ của ANA là Japan Airlines.
Mặt khác, Japan Airlines đang khai thác sáu chuyến bay giữa Nhật Bản và Việt Nam. Sau khi chấm dứt hợp tác với Vietnam Airlines, hãng đã thành lập một quan hệ đối tác mới với Vietjet trong tháng 7/2017 và hai bên đang hợp tác để thành lập một liên danh trong tương lai
Tokyo đã tăng cường nỗ lực để thu hút nhiều lao động nước ngoài hơn. Tính đến cuối tháng 6, đã có hơn 290.000 cư dân Việt Nam ở Nhật Bản, nhóm người nước ngoài lớn thứ ba sau Trung Quốc và Hàn Quốc.
ANA và JAL hy vọng sẽ thu hút không chỉ khách du lịch đến Nhật Bản mà còn đến Bắc Mỹ, sử dụng các sân bay Nhật Bản như là điểm dừng chân.