Du học sinh Việt về nước khởi nghiệp: Từ bỏ Apple để thử sức kinh doanh
Trường cùng cha mẹ trong ngày tốt nghiệp Đại học quốc gia Singapore ẢNH NHÂN VẬT CUNG CẤP
Phan Nguyễn Văn Trường, 25 tuổi tốt nghiệp lớp chuyên toán, Trường THPT Năng khiếu TP.HCM, anh giành học bổng đến 80% tại ĐH quốc gia Singapore. Trước đó, anh cũng là một học sinh xuất sắc, giỏi toán, siêu tiếng Anh, đam mê công nghệ và luôn mong muốn được là chính mình, nên dù được làm việc trong một tập đoàn lớn như Apple với mức lương trong mơ, anh vẫn quyết định trở về Việt Nam.
"Công việc lặp đi lặp lại mỗi ngày ở văn phòng không gợi cho tôi niềm đam mê, khám phá. Tôi xin nghỉ việc, khá nhiều người thân trong gia đình tôi phản đối, nhưng tôi mới là người quyết định", Trường kể lại.
Khởi nghiệp chông gai
Mới về Việt Nam, Trường cùng với một người bạn là Lê Thái Bảo, 26 tuổi tốt nghiệp Trường đại học quốc tế TP.HCM, phát triển chi nhánh tại Việt Nam cho một công ty tại Singapore, tuy nhiên sau đó vì vướng một số thủ tục, dự án này tạm dừng. Trường dấn thân sang kinh doanh điện thoại di động theo dạng chuỗi, với sự góp vốn của một nhà đầu tư. Tuy nhiên, việc kinh doanh này không lâu sau phải gác lại khi vấp phải sự cạnh tranh của thị trường đã quá nhiều “ông lớn” tham gia.
Không nhụt chí, Trường và Bảo tiếp tục hợp tác với một nhà đầu tư, kinh doanh hình thức cho thuê thiết bị wifi, khi mô hình này bắt đầu có lãi cũng là lúc nảy sinh nhiều mâu thuẫn trong phương hướng phát triển. Họ nói lời chia tay nhau. Trường và Bảo tiếp tục song hành cùng nhau, thành lập nên Gohub của ngày hôm nay, công ty khởi nghiệp của anh chuyên cho khách du lịch thuê thiết bị phát sóng wifi, bán sim du lịch quốc tế đến hơn 80 quốc gia trên thế giới, song song với đó là vé thăm quan một số địa điểm tại nhiều quốc gia…
Thiết bị phát sóng wifi này sẽ khác gì với những thiết bị bán nhan nhản ngoài kia, với giá vài trăm ngàn? Chúng tôi hỏi Trường. Nhà khởi nghiệp sinh năm 1994 cho biết, các cục phát wifi bên ngoài thị trường đang có đều phải dùng thẻ sim, bạn lắp sim và dùng trong số tiền cho phép trong sim, có thể chỉ sử dụng tại Việt Nam và bị vô hiệu hóa khi mang sang nước ngoài. Trong khi đó, với cục phát wifi mà Gohub đang cho du khách thuê sẽ được cài đặt chương trình tương thích với mỗi quốc gia mà du khách đặt chân, du khách sẽ dùng thoải mái dung lượng trong số tiền đã được thống nhất trước đó với phía cho thuê là Gohub. “Chúng tôi phủ sóng dịch vụ của mình hơn 130 quốc gia”, Trường nói.
Ông chủ sinh năm 1994 ngoài đời Thúy Hằng
“Mỗi du khách sẽ đặt cọc một khoản tiền (khoảng hơn 1 triệu đồng cho mỗi thiết bị), sau khi dùng xong, khách sẽ gửi trả lại cho chúng tôi. Các thiết bị này phải cài đặt phần mềm mới có thể sử dụng được nên nó cũng sẽ như “cục gạch” nếu bạn không trả lại”, Trường chia sẻ.
Ông chủ 9X cũng cho hay, đối tượng chính mà doanh nghiệp khởi nghiệp hướng tới là khách du lịch “out bound” - nghĩa là người Việt và người nước ngoài ở Việt Nam đi du lịch ở các nước khác. Hơn nữa, nhu cầu du lịch nước ngoài phát triển mạnh mẽ trong cộng đồng nhờ sự phát triển của các hãng hàng không giá rẻ, nhu cầu cần sim điện thoại, cần wifi thiết thực với bất kỳ du khách nào, trong khi đó đối thủ cạnh tranh cùng kinh doanh sản phẩm như Gohub không nhiều, do đó doanh nghiệp stat-up của anh có nhiều tiềm năng để phát triển.
Hướng đến mục tiêu doanh thu 2 tỉ đồng mỗi tháng
Đến tháng 3.2019 này, Gohub của Trường đã đạt doanh thu 700-800 triệu đồng mỗi tháng. Đây là doanh thu khả quan, bởi sau 800 triệu đồng, thì doanh nghiệp này bắt đầu có lãi. Mục tiêu của Trường, đến tháng 12.2019, doanh thu phải đạt 2 tỉ đồng mỗi tháng, sau đó, sẽ mở thêm các địa điểm giao dịch tại sân bay Nội Bài (Hà Nội), sân bay Đà Nẵng, ngoài sân bay Tân Sơn Nhất đã có… để mọi người ngày càng biết nhiều hơn về sản phẩm của anh.
Du học sinh Việt về nước khởi nghiệp: Hai vợ chồng điều hành công ty bên Mỹ Du học sinh Việt về nước khởi nghiệp: Từ bỏ ngành dầu khí theo đuổi kinh doanh Giữ nhân sự khi khởi nghiệp
Với nhân sự chỉ hơn 10 người, một người trong công ty của Trường phải kiêm nhiều vai trò khác nhau, song, ưu điểm là tất cả mọi người đều trẻ, sáng tạo, làm việc nghiêm túc và muốn đạt tới những đích xa hơn.
“Nhiều người hay thấy kỳ lạ vì sao tôi đang sống ở nước ngoài, có được tập đoàn chuyên nghiệp lại trả lương cao như Apple mời về làm mà vẫn về nước khởi nghiệp, mạo hiểm kinh doanh, không biết tương lai ra sao. Tôi thì lại nghĩ khác. Từ lâu, trong tôi luôn ấp ủ làm cái gì đó của riêng mình, mình phải làm chủ, phải sáng tạo ra nhiều giá trị hơn cho cộng đồng. Việt Nam chưa bao giờ hết sức hấp dẫn với bất kỳ nhà đầu tư nào, với chính chúng tôi, những du học sinh thì càng không ngoại lệ”, chàng trai 25 tuổi nói.