|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Dù bị quân đoàn Reddit căm ghét, bán khống vẫn rất cần thiết cho thị trường

20:18 | 23/06/2021
Chia sẻ
Bán khống đem đến động lực để nhà đầu tư vạch trần vấn đề về cổ phiếu và doanh nghiệp, giúp thị trường chứng khoán hoạt động hiệu quả hơn.
Dù bị quân đoàn Reddit căm ghét, bán khống vẫn rất cần thiết cho thị trường - Ảnh 1.

(Ảnh minh họa: Getty Images).

Bán khống là hành vi đã tồn tại hàng trăm năm và được coi như là bộ phận hiển nhiên của thị trường tài chính. Quỹ đầu cơ phải bán khống để đảm bảo danh mục của họ vẫn kiếm được tiền ngay cả khi thị trường suy giảm.

Rất nhiều người ghét bán khống, kể cả trong quá khứ lẫn hiện tại. Vua Napoleon không chỉ cấm bán khống mà còn coi đó là hành vi phản quốc và cho bỏ tù những kẻ dám vi phạm.

Ngày nay, nhà đầu tư nhỏ lẻ tập hợp trên mạng xã hội Reddit và Twitter coi mình là đội quân chiến đấu chống lại với những tay bán khống từ Phố Wall. Một phần lý do giá cổ phiếu meme như GameStop và AMC được đẩy lên tận mây xanh là vì một nhóm nhà đầu tư nhỏ lẻ quyết tâm khiến các quỹ đầu cơ bán khống chịu lỗ thảm. 

Dù bị quân đoàn Reddit căm ghét, bán khống vẫn rất cần thiết cho thị trường - Ảnh 2.

Dữ liệu đến ngày 22/6.

Bán khống là hành động vay cổ phiếu và bán ở thời điểm hiện tại rồi đi mua cổ phiếu để trả lại trong tương lai. Nếu giá giảm, giá mua vào sẽ thấp hơn giá bán ra ban đầu và người bán khống có lãi. Nếu giá tăng, bên bán khống bị lỗ.

Do bán khống làm tăng thêm khối lượng ở cột bên bán, hành vi này có thể gây áp lực khiến giá cổ phiếu giảm. Do đó lẽ dĩ nhiên là cổ đông của một công ty coi bán khống là hành động gây hại cho bản thân.

Mặt khác, các chuyên gia Phố Wall thường coi bán khống là bộ phận cần thiết của thị trường. Phố Wall coi thị trường chứng khoán không chỉ đơn giản là cửa hàng để người tham gia mua món đồ họ thích, mà còn là cỗ máy để phát hiện giá chính xác.

Bán khống cung cấp thêm dữ liệu đầu vào. Nếu không có lực lượng này, người duy nhất có động lực để nêu ý kiến về doanh nghiệp là những người đang tính mua cổ phiếu hay cổ đông hiện tại muốn rút lui.

Bán khống thúc đẩy những người có cái nhìn ngờ vực hơn tham gia vào câu chuyện. Những người này không sở hữu cổ phiếu và cũng không muốn nắm giữ nó, nhưng họ vẫn có thể báo hiệu rằng một cổ phiếu đang được định giá quá cao hay công ty có vấn đề.

Ông Larry Tabb, trưởng nhóm nghiên cứu cấu trúc thị trường tại Bloomberg Intelligence đánh giá: "Nhìn chung bán khống là điều rất tích cực cho thị trường. Hành vi này trao thưởng để mọi người cung cấp thông tin về những gì doanh nghiệp nói và làm".

Nhận định này có thể được minh họa với trường hợp của nhà sản xuất xe điện Lordstown Motors và hãng bán khống Hindenburg Research. Hồi tháng 3, Hindenburg cáo buộc Lordstown đã đưa ra những tuyên bố không chính xác. Đến tháng 6, CEO Steve Burns và một giám đốc cấp cao khác đột ngột rời khỏi Lordstown và HĐQT thừa nhận một số tuyên bố của công ty là sai lệch. Sau sự kiện này, cổ phiếu Lordstown giảm sâu tới 20%.

Những người chỉ trích chỉ ra rằng động lực của phe bán khống không đơn giản là vạch trần sự gian dối của một công ty. Bán khống là chiến lược nguy hiểm, như Warren Buffett đã cảnh báo: "Nếu bạn mua cổ phiếu với giá 20 USD, cùng lắm bạn chỉ có thể mất 20 USD. Nếu bạn bán khống ở mức giá 20 USD, khoản lỗ của bạn có thể lên tới vô hạn".

Sự bất đối xứng này khiến bán khống giống như chơi với dao. Và đặc điểm này làm dấy lên sự nghi ngờ rằng một số tay bán khống sẵn sàng làm trò vô đạo đức để đảm bảo thắng lợi, dù cho đó là thao túng thị trường hay thổi phồng cáo buộc đáng ngờ chống lại một công ty.

Phe bán khống cũng có khả năng lợi dụng khía cạnh tâm lý. Theo bài nghiên cứu năm 2008 của tạp chí Psychological Bulletin, con người "có xu hướng chú ý, học hỏi và sử dụng thông tin tiêu cực nhiều hơn hẳn thông tin tích cực".

Nói một cách đơn giản, tay bán khống gieo rắc sợ hãi, ngờ vực có thể có sức thuyết phục lớn hơn hẳn một cổ đông ca ngợi cổ phiếu ông ta sở hữu.

"Bỏ phiếu bằng tiền"

Một trong những chỉ trích khác về bán khống là hành động này đi ngược với ý tưởng rằng nhà đầu tư nên là người quản lý lâu dài cho doanh nghiệp họ sở hữu. Các quỹ tương hỗ và quỹ hưu trí nắm trong tay một lượng lớn cổ phiếu với mục đích sở hữu lâu dài. Trớ trêu thay, chúng lại thường là những cổ phiếu mà phe bán khống vay để đánh cược chống lại doanh nghiệp.

Cho vay cổ phiếu cung cấp nguồn thu nhập tương đối an toàn đến từ phí vay. Nhưng Quỹ Đầu tư Hưu trí Chính phủ Nhật Bản (GPIF) đã chống lại "lệ thường" này vào năm 2019. Khi đó, giám đốc đầu tư của GPIF là ông Hiro Mizuno tuyên bố sẽ ngừng cho những tay bán khống vay cổ phiếu nước ngoài mà quỹ sở hữu. Ông Mizuno giải thích với Financial Times rằng ông "chưa bao giờ gặp một gã bán khống nào có tầm nhìn dài hạn".

Hành động trên nhận được lời cổ vũ nhiệt liệt từ tỷ phú Elon Musk, người đã chiến đấu với những tay bán khống Tesla trong nhiều năm. Elon Musk đăng trên Twitter rằng quyết định của GPIF là "điều đúng đắn cần làm!" và "bán khống nên bị coi là bất hợp pháp".

Bán khống liên quan mật thiết với việc quản lý tiền, vì chiến lược này không chỉ dành cho mục đích đầu cơ. Đối với nhà quản lý quỹ, bán khống có thể giúp giảm thiểu rủi ro. 

Ví dụ, nếu nhận được lệnh phải tập trung vào cổ phiếu hàng không, nhà quản lý quỹ có thể chọn đặt cược chống lại chuỗi khách sạn. Cổ phiếu hai ngành này thường biến động cùng hướng với nhau, nên trong trường hợp hàng không bị bán tháo thì lãi từ bán khống khách sạn có thể giúp bù đắp lỗ.

Ông Jacob Rappaport, Giám đốc đầu tư tại StoneX Financial ví bán khống như một nửa của hệ thống kiểm soát và cân bằng của thị trường tự do. Nếu không có bán khống, định giá có thể trở nên sai lệch.

"Bỏ phiếu về một công ty bằng USD và cố gắng bắt tiền đẻ ra tiền thể hiện niềm tin và giúp nhà đầu tư nhỏ lẻ tìm ra giá trị thực. Loại bỏ cơ chế để mọi người không thể đánh cược chống lại doanh nghiệp không giúp thị trường trở nên hiệu quả hơn", ông Jacob nói.

Giang