Dự báo xu hướng tỷ giá năm 2020
2019 - Một năm "lặng sóng" của tỷ giá
Năm 2019 đã đi qua ghi nhận sự ổn định ở mức cao của tỷ giá và đánh dấu một năm điều hành thành công của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).
Đóng cửa ngày giao dịch ngày 31/12/2019, tỷ giá USD trung tâm được niêm yết ở 23.155 VND/USD, tăng 330 đồng so với mức công bố ngày 31/12/2018, tương đương tăng 1,4% và hoàn toàn nằm trong dự báo của các chuyên gia và giới phân tích (không quá 2%).
Trong khi tỷ giá trung tâm được NHNN điều chỉnh theo hướng tăng lên thì giá USD giao dịch trên cả thị trường ngân hàng và thị trường tự do đều có xu hướng giảm so với hồi đầu năm.
Cụ thể, kết phiên giao dịch cuối cùng của năm 2019, giá USD tại Vietcombank mua – bán ở 23.080 – 23.230 VND/USD, giá mua giảm 35 đồng trong khi giá bán giảm 15 đồng so với mức đóng cửa của năm 2018. Trên thị trường chợ đen, giá USD cũng giảm khoảng 90 – 100 đồng trên mỗi chiều giao dịch, tương đương mức giảm 0,4%.
Như vậy, 2019 là một trong những năm hiếm hoi mà giá USD giao dịch trên cả thị trường ngân hàng và thị trường chợ đen sụt giảm so với cuối năm trước.
Thực tế, việc tỷ giá ổn định trong năm 2019 phản ánh các nền tảng vĩ mô tích cực của Việt Nam cũng như được hỗ trợ từ xu hướng nới lỏng chính sách tiền tệ trên toàn cầu.
Ngoại trừ 2 tháng 5 và 6 (thời gian tỷ giá bật tăng do leo thang chiến tranh thương mại khiến đồng nhân nhân tệ mất giá), tỷ giá mua vào của các ngân hàng thương mại luôn ở mức ngang bằng hoặc thấp hơn tỷ giá mua vào của NHNN là 23.200 VND/USD. Nhờ vậy, NHNN đã mua được lượng lớn ngoại tệ, nâng dự trữ ngoại hối lên mức kỉ lục gần 80 tỉ USD và các NHTM cũng gia tăng lợi nhuận từ hoạt động ngoại hối.
Vào ngày giao dịch cuối cùng của tháng 11, NHNN đã giảm tỷ giá mua vào 25 đồng/USD, xuống 23.175 VND/USD. Động thái này gián tiếp đẩy nguồn cung ngoại tệ ở lại thị trường trong giai đoạn cao điểm cuối năm, qua đó càng giúp giá USD trên ổn định, thậm chí sụt giảm.
Đồng thời, tạo tín hiệu về chính sách quản lí linh hoạt, có tăng, có giảm không chỉ cho các thành viên thị trường mà cho cả các cơ quan nước ngoài về chủ trương điều hành tỷ giá của Việt Nam.
Dự báo xu hướng tỷ giá trong năm 2020
Theo TS. Nguyễn Đức Độ, Viện Kinh tế Tài chính, tỷ giá trong năm 2020 sẽ không có nhiều biến động nhờ cung cầu ngoại tệ vẫn tiếp tục ổn định. Cụ thể, cán cân thương mại đang rất tích cực (xuất siêu hơn 9 tỉ USD trong 11 tháng đầu năm). Đồng thời cán cân thanh toán vẫn trong trạng thái dương nhờ vốn đầu tư nước ngoài vẫn tiếp tục chảy vào và nguồn kiều hối ổn định .
Ngoài ra, việc Mỹ đưa Việt Nam vào trong danh sách giám sát về "chính sách kinh tế vĩ mô và ngoại hối" cũng khiến NHNN thận trọng trong hoạt động mua vào ngoại tệ, qua đó giúp tỷ giá không dao dộng mạnh trong năm 2020.
Nhận định sự ảnh hưởng của các nhân tố quốc tế, ông Độ cho rằng thực tế trong năm 2019, chỉ số USD Index tăng khá mạnh và đồng nhân dân tệ cũng mất giá nhưng tiền đồng vẫn duy trì được sự ổn định. Điều này cho thấy tỷ giá trong nước chủ yếu phụ thuộc vào cung cầu ngoại tệ và chính sách của NHNN.
"Trong năm 2020, nếu NHNN tiếp tục đặt mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô lên hàng đầu thì tỷ giá sẽ không có biến động mạnh", ông Độ nhận định.
Dự báo về xu hướng tỷ giá năm 2020, ông Ngô Đăng Khoa, Giám đốc kinh doanh ngoại tệ và thị trường vốn Ngân hàng HSBC cho rằng có cơ sở để kì vọng tỷ giá tiếp tục được điều hành theo cơ chế linh hoạt.
Với việc dự trữ ngoại hối cao kỉ lục, NHNN có đủ công cụ và nguồn lực để điều hành tỷ giá theo hướng ổn định, đáp ứng cung - cầu thị trường.
Trong khi đó, việc Việt Nam gần đây bị đưa vào danh sách theo dõi thao túng tỷ giá của Mỹ cũng là một tín hiệu đáng lo ngại. Ngoài ra, nhu cầu nhập khẩu hàng hóa từ Việt Nam trong năm tới cũng có thể bị ảnh hưởng do tác động từ việc sụt giảm nhu cầu toàn cầu, do đó nguồn thu ngoại tệ từ xuất khẩu có thể sẽ không còn được tích cực như trong năm nay.
"Xu hướng tỷ giá tiếp tục là biến số khó lường trong bối cảnh tình hình địa chính trị trên thế giới liên tục vận động", ông Khoa nhận định.
Dưới góc độ của một đơn vị tư vấn, Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho rằng áp lực đối với tỷ giá năm 2020 sẽ đến từ xu hướng tiếp tục yếu đi của đồng nhân dân tệ (dự báo sẽ mất giá thêm 3 - 4% nếu chiến tranh thương mại Mỹ - Trung leo thang) và các đồng tiền của các nước mới nổi khác khiến sức cạnh tranh của hàng xuất khẩu Việt Nam suy giảm.
Trong năm 2019, việc giữ tỷ giá ổn định phản ánh các nền tảng vĩ mô tích cực của Việt Nam nhưng cũng khiến VND tăng giá trong tương quan với các đối tác lớn. Các quốc gia này vẫn đang mở rộng qui mô nới lỏng tiền tệ, đồng nội tệ của họ sẽ còn giảm giá trong năm 2020 và vì vậy về lâu dài sẽ tạo ra bất lợi nhất định cho hàng hóa Việt nam nếu VND vẫn giữ giá.
"Xét trong bối cảnh tổng thể cùng việc cân đối với quan hệ thương mại Việt – Mỹ, mức điều chỉnh của đồng VND trong năm 2020 nếu có sẽ nằm trong khoảng 1% - 2% và sẽ được điều chỉnh dần từng bước tùy thuộc vào các diễn biến trên thế giới", BVSC nhận định.
Tuy nhiên, theo BVSC rủi ro Việt Nam bị Mỹ đưa vào danh sách "thao túng tiền tệ" là một rủi ro lớn, buộc NHNN phải thận trọng trong việc giảm giá mạnh tiền đồng.
Với quan điểm tích cực hơn, nhóm phân tích đến từ Công ty chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho rằng ảnh hưởng của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung lên tỷ giá được phần nào giảm bớt khi nhà đầu tư đã quen với thực tế chiến tranh thương mại sẽ khó có thể sớm kết thúc trong tương lai gần.
Bên cạnh đó, động thái nới lỏng của nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới, đặt biệt là Fed cũng là một yếu tố tích cực giảm áp lực tỷ giá. Trong năm 2020, VCBS kì vọng NHNN vẫn tiếp tục thể hiện chính sách linh hoạt và nhất quán nhằm hỗ trợ và ổn định tỷ giá.
"Tỷ giá trong năm có thể chịu áp lực quanh các sự kiện lớn trên thế giới. Tuy nhiên tỷ giá sẽ biến động không quá 1% cho cả năm 2020", nhóm phân tích VCBS dự báo.