Dự báo trái chiều về giá heo hơi quý III
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết trong tháng 6 giá heo hơi trên cả nước dao động trong khoảng 63.000 – 71.000 đồng/kg, giảm 1.000 - 2.000 đồng/kg so với cuối tháng 5.
Giá heo hơi trong nước tiếp tục xu hướng giảm do thị trường tiêu thụ chậm dưới ảnh hưởng của dịch COVID-19 bùng phát khiến các hoạt động ăn uống và du lịch bị giới hạn.
Cục Xuất nhập khẩu dự báo khi dịch COVID-19 ổn định, nhu cầu về thực phẩm cho các ngành chế biến, các nhà hàng, bếp ăn sẽ rất lớn, giá heo hơi sẽ phục hồi trở lại trong quý III. Tuy nhiên, giá heo hơi sẽ khó tăng đột biến.
Trái ngược với dự báo của Cục Xuất nhập khẩu, Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cho rằng giá heo hơi quý III sẽ tiếp tục giảm nhẹ trong quý III.
Theo Cục Chăn nuôi, 6 tháng đầu năm, giá heo thịt hơi xuất chuồng tại trại theo xu hướng giảm, rõ nét nhất từ tháng 4, 5. Hiện nay, giá đang dao động ở mức từ 62.000 - 69.000 đồng/kg tại miền Bắc, từ 63.000 - 70.000 đồng/kg tại miền Trung và từ 61.000 - 68.000 đồng/kg tại miền Nam.
Chăn nuôi theo chuỗi từ nuôi nái đến nuôi heo thịt giá thành khoảng 53.000 - 54.000 đồng/kg heo hơi. Chăn nuôi phải mua con giống giá thành khoảng 67.000 - 69.000 đồng/kg heo hơi.
Ông Dương Tất Thắng, Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết: "So với giá bình quân năm 2020, mức giá hiện tại đã giảm mạnh từ 20.000 - 25.000 đồng/kg và có xu hướng tiếp tục giảm nhẹ trong thời gian tới vì tình hình dịch bệnh được khống chế và tốc độ khôi phục, phát triển đàn heo trên cả nước đang tăng lên".
Ngoài ra, do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, khó khăn vận chuyển, nhu cầu tiêu thụ thịt heo ở khối khu công nghiệp, trường học, bếp ăn tập thể, khách sạn, nhà hàng giảm dẫn đến giảm áp lực đối với nguồn cung sản phẩm.
Trao đổi với người viết, ông Tống Xuân Chinh, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho cho biết tương tự như Trung Quốc, 70% protein động vật người Việt tiêu dùng là thịt heo.
Tuy nhiên, dịch tả heo châu Phi bùng phát và tàn phá khiến tổng đàn heo giảm mạnh vào năm 2019. Đến nay, tổng đàn heo đã khôi phục về mức 27 triệu con, tương đương 87% năm 2018, trước khi dịch ASF xảy ra ở Việt Nam.
Thực tế, giá heo ở một số địa phương giảm mạnh xuống mức 60.000 – 61.000 đồng/kg. Với giá này, sản xuất nông hộ phải mua thức ăn chăn nuôi giá cao, mua giống từ 2,3 – 2,5 triệu/con, cao điểm lên tới 3 triệu/con không có lãi, thậm chí còn lỗ vốn.
Còn chăn nuôi trang trại làm theo chuỗi khép kín từ sản xuất con giống, thức ăn đến giết mổ và phân phối thị trường thì lãi từ các công đoạn giúp doanh nghiệp sống khỏe.
Đánh giá theo quy luật cung cầu, giá heo hơi giảm mạnh thời gian vừa qua là kết quả của quá trình hồi phục đạt heo lên tới 27 triệu con và tác động của dịch COVID-19 làm đứt đoạn chuỗi cung ứng.
Các ngành du lịch, nhà hàng, khách sạn… đều gặp khó, giảm tiêu thụ thịt heo. Đồng thời, công nhân thiếu việc, mất việc, không có thu nhập phải thắt chặt chi tiêu, hạn chế tiêu dùng.
"Những yếu tố này khiến giảm heo giảm và có thể giảm xuống 55.000 – 56.000 đồng/kg. Giá heo hơi sẽ giảm theo quy luật cung – cầu. Điều này hết sức bình thường", ông Chinh nói.
Bởi không riêng Việt Nam, giá heo hơi Trung Quốc cũng lao dốc từ 140.000 đồng/kg xuống còn 45.000/kg và hiện đang có xu hướng tăng lên.
Chuyên gia Cục Chăn nuôi dự báo xu hướng chăn nuôi nông hộ sẽ ngày càng thu hẹp và nông dân nên chuyển đổi sang chăn nuôi các loại vật nuôi có giá trị gia tăng cao như heo bản địa, bò, trâu, thỏ, dê…
"Đặc biệt, người dân có thể chuyển đổi diện tích đất nông nghiệp kém hiệu quả sang trồng ngũ cốc như ngô sinh khối hoặc trồng cỏ để bán cho các doanh nghiệp, trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm.
Nếu trồng ngô, mỗi năm người dân có thể thu hoạch 4 vụ ngô, thu về 6 – 7 triệu đồng/ha/vụ. Trong bối cảnh giá heo biến động, việc chuyển đổi là vô cùng quan trọng, giúp hạn chế các rủi ro từ chăn nuôi heo".